ILO khuyến nghị loại bỏ sử dụng than đá Việt Nam

Thu Hằng
Thu Hằng
24/05/2022 19:13 GMT+7

Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Việc loại bỏ nhanh chóng sử dụng nhiên liệu này là cần thiết, song cần đảm bảo việc làm ở những khu vực bị ảnh hưởng.

Đây là khuyến nghị được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra ngày 24.5, trong Báo cáo “Chuyển dịch năng lượng công bằng ở Đông Nam Á - tác động của việc loại bỏ than đá đối với việc làm”.

Quảng Ninh từng bước đóng cửa các mỏ than lộ thiên để bảo vệ môi trường

L.N.H

Theo ILO, than đá là nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều carbon nhất. Nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng loại nhiên liệu này là điều cần thiết để giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.

Việt Nam, Indonesia, Philippines là 3 quốc gia nằm trong số 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Ở khu vực này, mức tiêu thụ than đá đã tăng 150% trong 20 năm qua, với tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện tăng từ 27% trong năm 2010 lên 43% vào năm 2019.

Trong đó, Indonesia và Việt Nam là những nước sản xuất than đá quan trọng, còn Philippines phụ thuộc lớn vào nhập khẩu than đá. Cả ba quốc gia đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Mọi sự chuyển dịch dần loại bỏ việc sử dụng than đá ở Indonesia, Philippines và Việt Nam đều phải tuân thủ các bước để tạo việc làm và sinh kế mới để thay thế cho việc làm và sinh kế sẽ bị mất đi ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Báo cáo nhấn mạnh, trong khi Đông Nam Á có khả năng mất chưa đến nửa triệu việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050, thì khu vực này lại có thể tạo ra tới 5 triệu việc làm chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc mất việc làm do đóng cửa các khu mỏ ở các khu vực phụ thuộc vào than đá, cũng như mất việc làm gián tiếp liên quan đến ngành công nghiệp này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường lao động, nền kinh tế và sinh kế của cộng đồng địa phương.

Bà Cristina Martinez, Chuyên gia cao cấp của ILO về Môi trường và việc làm thỏa đáng, cho biết: “Để giảm thiểu những tác động kinh tế xã hội tiêu cực của việc loại bỏ việc sử dụng than đá, các chính phủ cần triển khai các chính sách chuyển dịch công bằng đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Cần phải duy trì việc làm ở những vùng tập trung sản xuất than đá”.

Tuy nhiên, đây có thể là một rào cản lớn đối với việc chuyển dịch dần loại bỏ việc sử dụng than đá, trừ khi vấn đề này được giải quyết cụ thể thông qua hỗ trợ quốc gia có mục tiêu cho các khu vực bị ảnh hưởng. Các chính sách được điều chỉnh ở cấp khu vực và địa phương với mục đích tạo ra “vùng trọng điểm chuyển dịch công bằng” đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình chuyển dịch lấy con người làm trung tâm, dần loại bỏ việc sử dụng than đá.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội giữa các chính phủ, người lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động trong quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp và để đảm bảo rằng vấn đề giới, an sinh xã hội, phục hồi xanh, phát triển kỹ năng và khía cạnh cộng đồng được lồng ghép vào mọi chính sách hay các hành động tiếp theo.

ILO cho hay, hiện Liên minh thành lập theo chủ đề của Liên hợp quốc (IBC) về nâng cao kỳ vọng về hành động vì khí hậu đang triển khai một chương trình 5 năm để hỗ trợ Chuyển dịch Công bằng sang năng lượng và việc làm xanh hơn tại các nước châu Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.