Thúc đẩy dược công nghệ cao
Tại Đại hội cổ đông 2024, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) công bố đã chi 5% doanh thu thuần cho hoạt động R&D trong kỳ. Có thể thấy IMP đang đẩy nhanh chiến lược đầu tư, đón đầu các sản phẩm thuốc giá trị cao trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, hướng đi của IMP trong bối cảnh theo Cục Quản lý dược, mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu thuốc, sản lượng thuốc trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu. Vì thế, Luật Dược sửa đổi khuyến khích sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế công nghệ cao. Theo đó, có nhiều chính sách cụ thể về khoa học công nghệ, ưu đãi với doanh nghiệp phát triển thuốc công nghệ cao, đưa vào một số công nghệ cao, thuốc phát minh vào danh mục ưu đãi, thúc đẩy đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD dược phẩm đến năm 2030.
Hiện tại, số nhà máy tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP là 228, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vaccine, 6 nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vaccine và 77 nhà máy và sản xuất dược liệu. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các công ty đầu tư và điều chỉnh dây chuyền sản xuất của mình theo tiêu chuẩn EU hoặc Nhật Bản đều có cơ hội tăng trưởng đáng kể.
Thầy thuốc nhân dân, dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm cho biết, công ty đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng doanh thu gộp 24% và doanh thu thuần tăng 19%, dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12%, EBITDA tăng 18%. IMP sẽ tiếp tục mở rộng danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu và phát triển các chiến lược giá cạnh tranh để gia tăng thị phần ETC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ thị trường ETC, đồng thời duy trì đà tăng trưởng doanh thu kênh OTC.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối tài chính Nguyễn An Duy cho hay: "Mục tiêu trong 2024 của chúng tôi là vẫn giữ vững mức biên lợi nhuận tốt, khoảng 40-41% nhờ vào động lực năm 2023, với biên lợi nhuận khoảng 40,6%".
Sở dĩ IMP tự tin đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao khi đang là doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng dược công nghệ cao khi sở hữu 11 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP lớn bậc nhất cả nước tại 3 cụm nhà máy (IMP2, IMP3, IMP4). Công ty tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh tại Việt Nam. Nhà máy IMP 4 được ghi nhận mức doanh số đạt được 80 tỉ đồng sau 5 tháng đi vào hoạt động và nhà máy IMP 5 quy mô lớn đang được xây dựng.
Cơ hội cho biệt dược made in Việt Nam
Các sản phẩm của IMP đã thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện trong nước, giúp tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và tạo ra rào cản đối với các hãng dược nước ngoài. Năm 2023, IMP tăng trưởng vượt trội trên kênh OTC với doanh số OTC đóng góp 51% vào tổng doanh thu. Vừa qua, IMP đã bắt tay với Genuone Sciences Inc - Tập đoàn dược phẩm đến từ Hàn Quốc để hợp tác đăng ký, sản xuất và phân phối thuốc tại Việt Nam và bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Genuone sang IMP.
Bà Chaerhan Chun, Chủ tịch Hội đồng Quản trị IMP, cho biết: "IMP đầu tư 5% doanh thu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm 2023, IMP có 91 dự án R&D, trong đó có 15 dự án đã ra mắt thị trường, tạo ra lợi thế về những sản phẩm dược mới cho IMP. Việc nhiều sản phẩm thuốc đặc hiệu được sản xuất tại Việt Nam góp phần tăng cơ hội tiếp cận của người tiêu dùng đối với các loại thuốc vốn chỉ được nhập khẩu từ nước ngoài như trước đây".
Lãnh đạo của IMP cho rằng số lượng lớn các sản phẩm dược phẩm trên thị trường sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh, hình thành một thị trường dược phát triển, tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng đưa các loại thuốc phát minh, thuốc mới tiên tiến, giá cả phù hợp trong chiến lược bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam. Bên cạnh cung ứng cho thị trường trong nước, khi sức cạnh tranh gia tăng, doanh nghiệp dược Việt Nam sẽ đẩy mạnh các cơ hội xuất khẩu.
Bình luận (0)