IMF tung 440 triệu USD 'cứu' Mông Cổ

21/02/2017 10:54 GMT+7

Mông Cổ đạt thỏa thuận ban đầu với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về chương trình kéo dài ba năm gồm khoản vay 440 triệu USD. Đây là một phần của gói cứu trợ 5,5 tỉ USD giúp đất nước Bắc Á trả nợ.

Theo Bloomberg, IMF cho biết hôm 20.2: “Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều đối tác song phương khác trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc dự kiến sẽ cung cấp thêm đến 3 tỉ USD vào ngân sách và khoản hỗ trợ dự án. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì dự kiến mở rộng chương trình hoán đổi tiền tệ 15 tỉ nhân dân tệ, tương đương 2,2 tỉ USD, với Ngân hàng Trung ương Mông Cổ thêm ít nhất ba năm nữa”. Tổng cộng, gói tài trợ tài chính từ nước ngoài cho Mông Cổ vào khoảng 5,5 tỉ USD.
Tăng trưởng kinh tế Mông Cổ sụt giảm xuống còn 1% hồi năm ngoái vì giá cả các loại hàng hóa sụt giảm và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - khách mua chính mặt hàng đồng và than đá xuất khẩu của nước này - giảm tốc. Đầu tư nước ngoài vào Mông Cổ cũng giảm mạnh sau vụ tranh chấp mỏ đồng Oyu Tolgoi của hãng Rio Tinto.
Thông tin này đánh dấu lần thứ sáu kể từ năm 1990 IMF giải cứu kinh tế Mông Cổ. Thỏa thuận giai đoạn 2009 - 2010 là lần gần nhất kinh tế quốc gia Bắc Á nhận cứu trợ, theo phát ngôn viên IMF Keiko Utsunomiya.
Số tiền cứu trợ sẽ hỗ trợ một chương trình của Mông Cổ, vốn đặt mục tiêu khôi phục sự ổn định kinh tế, tạo điều kiện tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và toàn diện. Hội đồng quản trị IMF dự kiến sẽ xem xét yêu cầu giải cứu của Mông Cổ vào tháng 3.
Chuyên gia nghiên cứu Dale Choi của hãng Mongolia Metals & Mining cho hay: “Đây là tin rất tốt, thị trường sẽ tiếp nhận nó một cách tích cực”. Để đạt được thỏa thuận đầu tiên với IMF, Quốc hội Mông Cổ phải sửa đổi luật ngân hàng phát triển và thực hiện nhiều thay đổi khác theo yêu cầu của tổ chức quốc tế. Các động thái này được thiết kế để giúp nhà băng bớt phụ thuộc vào chính trị.
Ngân hàng Trung ương Mông Cổ có 1,3 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối vào cuối tháng 12.2016, thấp hơn nhiều so với mức 4,1 tỉ USD từng có vào tháng 12.2012 - thời điểm tiền đổ vào ngành khai khoáng của Mông Cổ vì đợt bùng nổ hàng hóa. Đồng tugrik của Mông Cổ hạ 20% hồi năm ngoái và là đồng tiền diễn biến tệ thứ năm thế giới trong số các nội tệ được Bloomberg theo dõi. Thâm hụt ngân sách cuối năm 2016 tăng gấp ba lần so với năm liền trước, lên mức 1,5 tỉ USD trong khi nợ xấu trong ngành ngân hàng thì leo đến 25%.
Dự kiến, dự trữ ngoại hối Mông Cổ sẽ tăng lên 3,8 tỉ USD khi chương trình giải cứu kết thúc. Đến năm 2019, tăng trưởng nước này được dự báo phục hồi đến khoảng 8%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.