Với nhiều game thủ chỉ quen chơi game offline, In-app Purchase có lẽ là một khái niệm khá lạ lẫm so với hai hình thức quen thuộc “bán đứt" và “miễn phí". Thế nhưng, với những game thủ game online, hình thức “thu phí" này đã quá quen thuộc và đang chiếm ưu thế tuyệt đối so với hình thức “thu phí ngày chơi". Với game mobile, hình thức này cũng đang chiếm rất nhiều vị trí đầu trong bảng xếp hạng những game có doanh thu cao nhất trên iOS Appstore và Google Play.
Vậy thì In-app purchase (IAP) là gì, và vì sao nó lại “được lòng” các nhà phát triển game như thế?
In-app purchase:
Như đã nói ở trên, IAP là một phương pháp… thu tiền song song với hình thức “bán game" của Nhà phát triển (hoặc Nhà phát hành). Khác với “bán game" cho phép game thủ mua trọn game rồi chơi với những gì có sẵn, game dùng IAP đa phần sẽ được cung cấp cho game thủ miễn phí và thu tiền lại dần dần thông qua bán vật phẩm trong game (Cash Shop). Khái niệm này được nhắc đến nhiều hơn ở thị trường game mobile, vốn cũng tồn tại hai hình thức “bán đứt" và “miễn phí" tương tự thị trường game PC Offline truyền thống.
Một số game nổi tiếng với hình thức IAP có thể kể đến Candy crush saga, Clash of clans, Hay day, Despicable me, The sims,... Thị trường game mobile Việt thì gần như toàn bộ đều áp dụng phương pháp thu phí này, ví dụ như Đại minh chủ, Chiến binh CS, Liên minh anh hùng, Khu vườn trên mây mobile,...
Vì sao IAP thịnh hành?
Sự phổ biến của hình thức IAP trong danh sách các game có doanh thu cao đã phần nào trả lời cho câu hỏi này. Sự chênh lệch dễ nhìn thấy giữa tựa game “bán đứt” hàng đầu một thời Angry birds (~ 106 triệu USD trong năm 2011, đã bao gồm phí nhượng quyền hình ảnh) so với Candy crush saga (hơn 300 triệu USD trong năm 2013, không bao gồm phí nhượng quyền) về mặt doanh thu đã cho thấy tiềm năng khổng lồ của hình thức IAP trong việc thương mại hóa trò chơi.
IAP sở dĩ có thể vượt xa so với hình thức bán sản phẩm là vì:
- Game được cung cấp miễn phí ban đầu, chỉ bán vật phẩm trong game, vì vậy tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
- Số vật phẩm bán trong game là không giới hạn, có thể được bổ sung qua các bản cập nhật.
Với hình thức bán trò chơi, người chơi trở thành chủ sở hữu của tựa game họ đã mua và tự do làm mọi điều với nó. Trong khi đó, hình thức IAP biến người chơi thành khách hàng lâu dài của sản phẩm, nhà phát hành/phát triển có thể điều chỉnh trò chơi về sau theo hướng có lợi nhất. Ngoài ra, hình thức bán trò chơi chưa chắc… bán được vì tình trạng crack sản phẩm, còn IAP sẽ giảm bớt được hiện tượng này nếu sản phẩm được thiết kế kỹ càng.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều nhà phát triển lựa chọn hình thức IAP thay cho những cách kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với hình thức IAP.
Vậy phải làm thế nào mới thành công với hình thức IAP?
Không ai có thể trả lời câu hỏi này cho sản phẩm của bạn. Một vài kinh nghiệm từ những nhà phát triển đi trước có thể tham khảo là:
- Không cưỡng ép người chơi phải mua vật phẩm. Vật phẩm mua trong cash shop vẫn có thể nhận được nhưng giới hạn (như Candy crush saga, Clash of clans,...).
- Tạo ra nhu cầu thiết yếu để gamer mua vật phẩm một cách khéo léo.
- Có thể ảnh hưởng đến balance của game, vì vậy phải cân nhắc kỹ tác động của vật phẩm đến mức độ bất mãn của người chơi khác.
Bình luận (0)