Indiana Jones thời hiện đại

03/02/2017 21:40 GMT+7

Ai cũng có thể trở thành giáo sư Indiana Jones, nhân vật trong loạt phim khảo cổ học từ thập niên 1980, với việc tham gia vào dự án ở tầm toàn cầu bảo vệ di tích của thế giới.

Nhà khảo cổ học Sarah Parcak, người đi tiên phong trong việc sử dụng ảnh vệ tinh để phát hiện các thành phố mất tích và những tàn tích bị chôn vùi theo thời gian, đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm tận dụng lợi thế công nghệ và nguồn lực từ công chúng để bảo vệ các di sản còn sót lại của thế giới cổ đại.
Tuần trước, chuyên gia Mỹ có biệt danh “Indiana Jones kỹ thuật số” đã trình làng GlobalXplorer, công cụ trực tuyến là một phần của nỗ lực vận dụng sức mạnh công nghệ để đẩy lùi nguy cơ tàn phá và thúc đẩy các phát hiện khảo cổ mới, theo Hãng tin AFP.

tin liên quan

Người nặng lòng với Mê Kông
Đó là thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông.
Với hành động công bố dự án mới, bà Parcak, giám đốc sáng lập Phòng Thí nghiệm quan sát toàn cầu thuộc Đại học Alabama (Mỹ), đang tuyển mộ đội ngũ các nhà khảo cổ học nghiệp dư cho việc nghiên cứu các hình ảnh chụp từ vệ tinh để phát hiện những dấu vết cướp bóc và tàn phá di tích cổ trên toàn thế giới.
“Các chuyên gia khảo cổ học không thể làm được điều này nếu chỉ dựa vào bản thân họ”, theo kênh The National Geographic dẫn lời bà Parcak - người cho rằng chỉ có 1% số các địa điểm khảo cổ trên thế giới từng được tìm thấy, chứ chưa vội đề cập đến những công trình đã thám hiểm và nghiên cứu. “Nếu chúng ta không đi tìm những tàn tích đó, giới trộm mộ và phá hoại di tích sẽ nhúng tay”, theo lời kêu gọi của chuyên gia Mỹ.
Bà Parcak là người đoạt giải TED 2016, giải thưởng được trao thường niên cho một nhà sáng kiến có tầm nhìn táo bạo, sáng tạo với mục tiêu tạo nên những thay đổi ở tầm thế giới. Những người thắng giải có quyền sử dụng tiền thưởng 1 triệu USD để đầu tư vào dự án tùy chọn. “Đa số không có cơ hội đóng góp vào các nghiên cứu khoa học hoặc khám phá mới mỗi ngày”, nữ khoa học gia Mỹ cho biết. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta đều là các nhà thám hiểm bẩm sinh, luôn tò mò trước thế giới xung quanh và những người khác.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về lẫn nhau, về bản thân chúng ta và cả quá khứ của nhân loại”, bà nhấn mạnh. “Di sản đang ẩn mặt của thế giới chứa manh mối về lòng kiên cường và óc sáng tạo chung của cả loài người... Với GlobalXplorer, chúng ta trao quyền hành động cho đội quân các nhà thám hiểm thế kỷ 21 trong nỗ lực khám phá và bảo vệ lịch sử chung của con người”, nữ khoa học gia kết luận.
Để khởi đầu, DigitalGlobe, dịch vụ chuyên chụp những bức ảnh ở độ phân giải của trái đất từ không gian, cho hay đã chia sẻ kho dữ liệu hình ảnh vệ tinh chụp hơn 200.000 km2 thuộc lãnh thổ Peru, đồng thời cung cấp phiên bản đã điều chỉnh của công cụ trực tuyến GlobalXplorer. Hãy chờ tin tức tốt lành từ dự án này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.