* Singapore muốn xây căn cứ quân sự trên đảo Sumatra, Indonesia
|
Do gần gũi về địa lý, lưu thông qua lại bằng thuyền bè nhộn nhịp, nhiều quan tham Indonesia thường né tránh pháp luật bằng cách trốn sang Singapore.
Chưa hết, theo cơ quan điều tra Indonesia, những người này cũng tuồn hàng triệu USD “tiền bẩn” vào Singapore, một trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, để cất giấu.
Tổ chức chuyên theo dõi tham nhũng ở Indonesia Corruption Watch ghi nhận trong vòng 10 năm (tính đến năm 2011), có 45 cá nhân dính líu đến các vụ tham nhũng trốn ra nước ngoài. Trong đó, 20 người chọn Singapore là điểm đến.
Chính quyền Jakarta từ thập niên 1970 đã bàn bạc với Singapore về một hiệp định dẫn độ (ET) các công dân phạm pháp lẩn trốn giữa hai nước.
Mãi đến năm 2007, hai chính phủ mới ký kết được một hiệp định như thế.
Ràng buộc “bánh ít, bánh quy”
Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Singapore Gerald Giam trong một bài viết năm 2007 cho hay tháng 2.2005, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bất ngờ tuyên bố nước này “cam kết ký hiệp định dẫn độ với Indonesia”. Cuộc đàm phán bắt đầu ngay sau đó.
Đến tháng 10.2005, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đồng ý với Thủ tướng Lý Hiển Long về việc kèm theo ET là một Hiệp định hợp tác quốc phòng (DCA). Theo đó, Jakarta cho phép Lực lượng Không quân của đảo quốc sư tử bé nhỏ được huấn luyện ở xứ sở vạn đảo rộng lớn, và quân đội hai nước có thể tổ chức diễn tập chung.
Ông Giam trong bài viết của mình nói rằng DCA là cái mà chính phủ Singapore muốn, như một điều kiện để đổi lấy ET.
Tuy nhiên, trong khi các điều khoản ET nhanh chóng được xác lập thì đàm phán về DCA bị kéo rê.
Tháng 1.2007, Chính phủ Indonesia cấm xuất khẩu cát sang Singapore với lý do “bảo tồn tài nguyên”, một hành động đe dọa đến ngành xây dựng vốn chiếm tỉ trọng rất lớn trong nền kinh tế cũng như nhu cầu phát triển nhà ở và cơ sở hạ tầng của Singapore.
Ông Giam cho rằng đây là hàng động “trả đũa” của Jakarta do bất bình vì triến triển chậm chạp trong việc đi đến ET.
Cuối cùng, ngày 27.4.2007, Hiệp định dẫn độ và Hiệp định Hợp tác Quốc phòng được ký tại Bali, Indonesia, bởi các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Bế tắc
Mặc dù đã ký kết, nhưng đến nay, hai hiệp định này vẫn “nằm trong ngăn kéo” do Hạ viện Indonesia không phê chuẩn DCA, và Chính phủ Singapore cũng không phê chuẩn ET như một đòn đáp trả.
Các nghị sĩ kì cựu trong cơ quan lập pháp Indonesia cho rằng DCA có thể “làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia”, trong khi phía Singapore phản biện rằng hiệp định này là “đôi bên cùng có lợi” bởi quân đội Indonesia cũng có thể sử dụng các phương tiện quân sự của Singapore.
Vấn đề dẫn độ bị “chìm xuồng”, lâu lâu lại được xới lên khi có quan tham Indonesia lẩn trốn sang Singapore.
Tháng 6.2011, Tổng thống Indonesia Yudhoyono và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp tục bàn thảo về vấn đề này, nhưng mọi việc vẫn bế tắc.
Căn cứ quân sự Singapore trên đảo Sumatra
Hôm 23.10, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Marzuki Ali tiếp tục nêu lại vấn đề này tại Đại hội Nghị viện Đông Nam Á chống tham nhũng (SEAPAC) ở thành phố Medan, Indonesia, theo tờ Jakarta Post.
“Chúng tôi sẽ thúc Singapore về vấn đề ET. Điều đó rất quan trọng vì chúng tôi không thể dẫn độ các nghi can tham nhũng trốn ở Singapore bởi thiếu vắng chiếc ô pháp lý”, ông Marzuki nói.
Ông Marzuki, cũng là Chủ tịch SEAPAC, giải thích: “Singapore muốn ràng buộc ET với DCA. Nhưng Hạ viện phản đối hiệp định hợp tác quốc phòng này, bởi nó không tốt cho Indonesia”. Ông Marzuki cho biết thêm Singapore muốn xây căn cứ quân sự trên đảo Sumatra của Indonesia.
“Hạ viện chúng tôi xem điều khoản này là xâm phạm thẩm quyền quốc gia. Hiệp định quốc phòng cần phải được thay đổi hoặc phải tách biệt với hiệp định dẫn độ, bởi đây là hai vấn đề hoàn toàn riêng biệt”, ông Marzuki gợi ý.
Hiện chưa thấy phía Singapore có ý kiến gì sau phát biểu của ông Marzuki.
Nhưng hồi năm 2011, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Singapore Masagos Zulkifli cũng đã bác bỏ gợi ý tương tự khi tuyên bố: “Nếu chúng tôi đàm phán lại hiệp định dẫn độ đã ký với Indonesia, điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể cũng phải đàm phán lại những hiệp định đã ký với các nước khác”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Indonesia đóng cửa sân bay Bali để đón nguyên thủ APEC
>> Tổng thống Indonesia 'sốc' với vụ chánh án tối cao bị bắt
>> Chánh án Tòa án Hiến pháp Indonesia bị bắt vì nhận tiền hối lộ
>> Trung Quốc - Indonesia tăng cường quan hệ
Bình luận (0)