(TNO) Trong khi một số nước trong khu vực ủng hộ việc Mỹ tuần tra tại Biển Đông, một quan chức cấp cao Indonesia lại lên tiếng phản đối. Đó có phải là cách tiếp cận thật sự của “xứ vạn đảo” về vấn đề này?
Tổng thống Joko Widodo cho rằng đảm bảo tự do hàng hải là một trong những vấn đề cần tập trung tại Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Chuyên gia Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat, chuyên về chính sách đối ngoại của Indonesia, phụ trách mảng Đông Nam Á và chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng không nên coi lời phản đối của quan chức đó là chính thức, mà cần phải nhìn nhận kỹ hơn Indonesia đã từng làm gì để thấy được cách tiếp cận của nước này về các vấn đề tại Biển Đông.
Ông Lulut Pandjaitan, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề về chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia và là một trong những cố vấn cấp cao của Tổng thống Joko Widodo đã nói rằng Indonesia không đồng ý với việc Mỹ phô diễn sức mạnh, viện dẫn từ sự không hiệu quả của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, theo Kyodo News ngày 28.10. Nhiều người sẽ nghĩ rằng bình luận đó dường như có ý chống Mỹ và thậm chí là ủng hộ Trung Quốc, và Indonesia không xem sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông là đáng báo động.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Parameswaran, bình luận của ông Pandjaitan không nên được xem là quan điểm chính thức về chính sách của Indonesia về Biển Đông. Thay vào đó, phát ngôn của Tổng thống Jokowi tại Viện Brookings (ở thủ đô Washington, Mỹ) trong chuyến thăm Mỹ vừa qua đáng được tin tưởng như là cách tiếp cận của Indonesia. Tổng thống Jokowi nói rằng, dù không phải là bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, theo Straits Times. Ông kêu gọi tất cả các bên, trong đó có Mỹ, kiềm chế.
Tổng thống Indonesia nói rằng những căng thẳng trong khu vực cần được giải quyết hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, bên cạnh đó Trung Quốc và ASEAN cần đạt tiến triển về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tổng thống Indonesia đã phát biểu như trên chỉ vài giờ sau khi Mỹ tiến hành tuần tra tại Biển Đông ngày 27.10.
Hơn nữa, Tổng thống Indonesia cũng dành phần lớn thời gian để nói về các vấn đề Biển Đông. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm quyền tự do hàng hải như là một trong những yếu tố quyết định tại khu vực.
Indonesia được cho là có xu hướng tự chủ thay vì nghiêng về bên nào đó - Ảnh: Reuters
|
Những suy đoán rằng lập trường của Indonesia về Biển Đông có phần nghiêng về ủng hộ Trung Quốc và chống Mỹ là sự phóng đại quá mức, theo chuyên gia Parameswaran. Có thể đưa ra vài ví dụ để thấy được những gì mà Indonesia đang làm tại Biển Đông là trái với những phát ngôn cá nhân của vài quan chức nước này.
Để đáp lại sự ngang ngược trong vài năm qua của Trung Quốc tại Biển Đông, gây ảnh hưởng đến cả vùng biển của Indonesia, Jakarta đã tự tăng cường khả năng phòng thủ và còn theo đuổi các mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các nước khác, trong đó có Mỹ.
Hồi tuần rồi, cơ quan lập pháp Indonesia đã đưa ra đề xuất phân bổ thêm ngân sách để tăng cường cho căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna, nơi bị “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc "liếm" qua. Các quan chức nói rằng kế hoạch này được đưa ra sau những căng thẳng tại Biển Đông.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, vấn đề an ninh hàng hải cũng là điểm nổi bật trong cuộc đối thoại giữa Tổng thống Jokowi và Tổng thống Obama. Mặc dù Jakarta và Bắc Kinh có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, nhưng các quan chức quân đội thừa nhận rằng mối quan hệ quốc phòng vẫn còn rất hạn chế do thiếu tin tưởng.
Phát biểu của Bộ trưởng Pandjaitan dù có phần cường điệu khi so sánh việc tuần tra của Mỹ với cuộc chiến tranh tại Trung Đông, nhưng nó cũng phần nào phản ánh xu hướng mở rộng hơn trong chính sách đối ngoại của Indonesia.
Jakarta trước nay vẫn dè dặt trong nhận định về việc can thiệp của các cường quốc vào các khu vực, và có xu hướng trung lập, duy trì sự tự chủ của mình thay vì nghiêng về một bên nào đó.
Thông điệp của ông Pandjaitan có thể là sự phản ánh xu hướng đó, cho rằng Indonesia đơn giản chỉ lo ngại về nguy cơ sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc bị trầm trọng thêm, ảnh hưởng đến tính ổn định trong khu vực và quyền tự chủ của Indonesia khi buộc phải chọn một bên.
Không nên nhầm lẫn và cho rằng phát ngôn của các quan chức Indonesia luôn đại diện cho lập trường chính thức hay sự thay đổi chính sách của đất nước. Giới quan sát nên nhìn kỹ hơn về những điều mà nước này đã làm đối với chính sách Biển Đông, theo The Diplomat.
Bình luận (0)