Cụ thể, tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 9.5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin tờ South China Morning Post đưa về việc Indonesia có kế hoạch đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài, trong đó có 38 tàu cá của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá Việt Nam.
Đây là hoạt động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Cũng theo bà Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này và đề nghị Bộ Biển và Nghề cá và các lực lượng trên biển cần có hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và quan hệ song phương giữa hai nước.
Việt Nam cũng đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam phù hợp với mối quan hệ hai nước và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với Indonesia trên tinh thần đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên khu vực và trên thế giới.
Trả lời thêm câu hỏi về số lượng tàu cá Việt Nam đã bị Indonesia đánh chìm, bà Hằng cho biết: “Theo thống kê chưa chính thức của Bộ Ngoại giao, từ năm 2019 đến nay, có 12 vụ gồm 17 tàu và 140 ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ”.
Trước đó, ngày 30.4, bà Hằng cũng thông tin về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia xác minh thông tin, điều tra làm võ vụ tàu Indonesia làm chìm tàu cá BĐ 97916 và bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam trên tàu này.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị phía Indonesia không lặp lại hành động tương tự trong tương lai, đồng thời thả ngay các ngư dân của tàu cá BĐ 97916 TS, đối xử nhân đạo và đền bù thoả đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo này, bình luận về việc Mỹ cho 2 tàu hải quân đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Dù vậy, là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục đóng góp thiết thực và tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Bình luận (0)