Reuters ngày 15.3 dẫn lời giám đốc công ty quốc phòng BrahMos Aerospace có trụ sở tại Ấn Độ cho biết họ dự kiến chốt một thỏa thuận bán tên lửa hành trình siêu thanh trị giá ít nhất 200 triệu USD cho Indonesia trong năm nay.
Giám đốc điều hành Atul D. Rane của BrahMos Aerospace cho biết công ty đang thảo luận với Jakarta về một thỏa thuận trị giá 200-350 triệu USD liên quan đến việc cung cấp tên lửa phòng thủ bờ biển và một phiên bản có thể lắp trên tàu chiến.
"Nhân viên của chúng tôi đã được cử đến Jakarta. Các lực lượng của Indonesia cực kỳ quan tâm đến những loại vũ khí này", ông Rane nói, đồng thời cho biết thêm rằng một thỏa thuận có thể được thực hiện trong năm nay.
Ông Mitchowo Subianto, người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ngày 15.3 từ chối đưa ra bình luận và nói rằng trước tiên ông cần kiểm tra thông tin này.
Tàu khu trục Ấn Độ bắn thử tên lửa siêu thanh Brahmos phiên bản đối hải
BrahMos, liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, đã giành được thỏa thuận nước ngoài đầu tiên vào năm ngoái với việc bán tên lửa chống hạm đặt trên bờ biển trị giá 375 triệu USD cho Philippines. Đây là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm tăng gấp 3 lần xuất khẩu quốc phòng.
BrahMos cũng đang đặt mục tiêu đạt được đơn đặt hàng tiếp theo trị giá khoảng 300 triệu USD với Philippines. Ông Rane cho biết theo đó, các tên lửa của BrahMos dự kiến được chuyển giao cho thủy quân lục chiến Philippines bắt đầu từ cuối năm 2023.
"Bản thân Philippines đã cho chúng tôi thấy rằng đây chỉ là sự khởi đầu", ông Rane nói khi nhắc đến thương vụ năm 2022. "Họ đang xem xét nhiều hệ thống vũ khí hơn", giám đốc BrahMos cho biết thêm.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Philippines không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Theo dữ liệu từ công ty tình báo quốc phòng Janes, để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và một số khu vực lân cận, Indonesia và Philippines đã tăng cường chi tiêu cho việc mua sắm vũ khí và các thiết bị quân sự khác.
Số tiền Indonesia đổ vào việc mua vũ khí mới đã tăng gần 28% vào năm 2021 và 69% vào năm 2022. Trong khi đó, chi tiêu cho vũ khí của Philippines tăng 29% vào năm 2021 và 40% vào năm 2022 - cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Đông Nam Á.
Bỏ qua Su-35, Indonesia hiện đại hóa không quân với chiến đấu cơ Rafale và F-15
Phần lớn các giao dịch mua bán quân sự mới của khu vực Đông Nam Á đến từ các nhà cung cấp truyền thống, bao gồm Mỹ, Pháp và Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ - nhà nhập khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới - và BrahMos đang cố gắng xâm nhập thị trường này.
BrahMos được thành lập thông qua một thỏa thuận liên chính phủ vào năm 1998 giữa Ấn Độ và Nga. Công ty này là liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng do nhà nước điều hành của Ấn Độ và công ty vũ khí NPO Mashinostroyenia của Nga.
Bình luận (0)