(Tin Nóng) Ngay sau khi thi hành án xử bắn 6 phạm nhân buôn bán ma túy sáng 18.1, trong đó có nữ tử tù người Việt Trần Thị Bích Hạnh (được cho từng là một phóng viên), Tổng thống Indonesia Joko Widodo viết trên Facebook rằng cuộc chiến chống các băng đảng ma túy không thể có các biện pháp nửa vời. Indonesia cũng phản ứng với các chỉ trích về việc thi hành án tử hình này.
|
Không thương xót
Theo Jakarta Globe ngày 19.1, Tổng thống Joko Widodo viết trên tài khoản Facebook của ông rằng "Cuộc chiến chống bọn mafia ma túy không thể có các biện pháp nửa vời, vì ma túy đã thực sự hủy hoại cuộc sống tốt đẹp của người sử dụng ma túy và gia đình họ. Đất nước này phải có mặt và chiến đấu với các tập đoàn ma túy tuồn hàng vào".
Còn tổng chưởng lý Indonesia, ông H.M. Prasetyo phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi thi hành xong 6 án tử hình sáng 18.1 rằng cộng đồng quốc tế nên tôn trọng luật pháp của Indonesia.
“Chúng ta có thể hiểu được phản ứng của thế giới và các nước có công dân của họ bị xử bắn. Tuy nhiên, tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp áp dụng ở nước ta", ông Prasetyo nói.
Ông còn cho biết thêm cơ quan của ông đang xúc tiến giai đoạn thứ hai của việc thi hành án tử hình, có thể thi hành án 20 người mỗi năm.
"Một khi các quá trình luật pháp được hoàn tất, chúng tôi sẽ chuẩn bị hành quyết càng sớm càng tốt", ông Praseyo nói với trang tin Jpnn.com ngày 18.1.
Ngay cả các đảng phái đối lập ở Indonesia cũng ủng hộ việc thi hành án tử hình tại nước này, thể hiện qua vụ hành quyết 6 phạm nhân trong sáng 18.1. Nghị sĩ Tantowi Yahya của đảng Golkar nói Indonesia có quyền xử tử tù nhân phù hợp với luật pháp nước này, và đó là chủ quyền và quyền tự chủ của Indonesia. "Hà Lan và Brazil đã triệu hồi đại sứ. Tôi tin rằng việc xử tử tội nhân ma túy cũng được thực hiện ở nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Malaysia".
Ông Tantowi nói rằng mỗi ngày có 40 người Indonesia chết vì ma túy, cho thấy mức độ nguy hiểm của tệ nạn này.
Còn tại Canberra, Úc, Ngoại trưởng Julia Bishop ngày 19.1 nói rằng Thủ tướng Tony Abbott đã tiếp tục gửi thư đến Tổng thống Joko Widodo xin tha chết cho 2 công dân Úc bị kết án tử hình vì buôn ma túy vào Indonesia. Bà Bishop cũng từ chối trả lời việc Úc có theo Hà Lan, Brazil trong việc triệu hồi đại sứ hay không.
Hai người Úc này là Myuran Sukumaran và Andrew Chan thuộc băng Bali 9, đã bị bắt hồi năm 2005 vì tội buôn lậu heroin ra khỏi Indonesia.
|
Tử tù Trần Thị Bích Hạnh từng là một phóng viên
Trong số 6 tử tù bị xử bắn rạng sáng 18.1 tại Indonesia có nữ tù nhân người Việt Nam là Trần Thị Bích Hạnh. Bà ta bị bắt vào tháng 6.2011 khi đáp máy bay AirAsia từ Kuala Lumpur (Malaysia) xuống sân bay Adi Soemarmo ở Solo, Indonesia với tang vật là hơn 1 kg methamphetamine nguyên chất, trị giá 180.000 USD. Đây là lần buôn lậu ma túy thứ 9 của Bích Hạnh vào Indonesia và là lần bị bắt quả tang đầu tiên.
Sau đó Bích Hạnh bị tòa án quận Boyolali kết án tử hình vào ngày 22.11.2011, đưa đi giam ở trại tù nữ Boyolali ở LP Bulu, tỉnh Semarang.
Jakarta Globe dẫn lời giám đốc trại tù, bà Suprobowati nói rằng Bích Hạnh đã yêu cầu không bị bịt mắt khi bị xử bắn. "Bích Hạnh nói tôi đã sẵn sàng, thưa bà, nhưng làm ơn đừng còng tay tôi. Bích Hạnh cũng muốn được hỏa thiêu sau khi chết", giám đốc Suprobowati nói.
Giám đốc nhà tù còn cho biết thêm thân nhân của Bích Hạnh đã được thông báo về vụ hành quyết, nhưng Bích Hạnh từ chối cho phép thân nhân dự buổi hành hình mình.
Trước đó, Jakarta Globe có bài viết về nữ tử tù người Việt này, khi tiết lộ ước nguyện cuối của Bích Hạnh là muốn được thi hành án tử ở Việt Nam.
Báo này dẫn lời nữ phóng viên Shinta Ardhani của một đài phát thanh địa phương, tiếp xúc với tử tù BÍch Hạnh (có nicknam là Asien - người châu Á) tại trại tù nữ Bulu ở Semarang tháng 3.2013, nơi Bích Hạnh chờ ngày thụ án tử hình.
Phóng viên Shinta cho biết Bích Hạnh kể với bà rằng Hạnh từng là phóng viên của một tạp chí chuyên về tài chính ở Việt Nam trong 5 năm.
"Asien thích kể cho tôi nghe những gì cô ta làm ở trong tù, cô ta thích thêu, làm hoa giả", phóng viên Shinta kể lại.
Shinta cho hay cuối cùng Bích Hạnh đã tiết lộ sự kiện đã dẫn cô ta đến cảnh tù tội. Bích Hạnh nói cô ta đã bị một tổ chức ma túy lừa khi đề nghị chuyển một chiếc vali vào Indonesia và nhận tiền công là 6.000 USD. Sau đó lúc bị bắt, Bích Hạnh mới biết chiếc valy đó chứa đầy methamphetamine trị giá gần 200.000 USD.
Do đã vận chuyển ma túy vào Indonesia những 9 lần, Bích Hạnh bị tòa án kết án tử hình. Các đơn xin khoan hồng đều bị bác.
Bích Hạnh bị xử bắn ở nhà tù nữ Boyolali rạng sáng 18.1.2015, với yêu cầu không bị bịt mắt và được hỏa thiêu sau khi chết, tro cốt lưu giữ tại nhà tù.
Một nữ tử tù khác cũng bị xử bắn trong sáng cùng ngày là Rani Andriani, người Indonesia. Bốn phạm nhân kha1dc bị xử bắn cùng thời điểm là nam giới, gồm Daniel Enemuo (người Nigeria), Ang Kim Soei (Hà Lan), Namaona Denis (Malawi) và Marco Archer Cardoso Moreira (Brazil).
|
Anh Sơn
>> Nữ phạm nhân Việt đã bị Indonesia xử bắn, yêu cầu không bịt mắt
>> Nữ quái giấu ma túy vào 'chỗ kín
>> TP.HCM: Hàng trăm cảnh sát phá nghi án ma túy
>> Phá đường dây ma túy, thu giữ gần 3 kg ma túy đá
>> Thái Lan: Phát hiện 1 phụ nữ Việt nuốt 44 gói ma túy
Bình luận (0)