Instagram: 18 tháng xông trận và kỳ tích 1 tỉ USD

10/04/2012 13:48 GMT+7

(TNO) Không có doanh thu và chỉ sở hữu khoảng hơn một chục nhân viên, Instagram vẫn chưa kỷ niệm lần sinh nhật thứ 2 của mình. Dẫu thế, với Facebook, Instagram trị giá đến 1 tỉ USD.

(TNO) Không có doanh thu và chỉ sở hữu khoảng hơn một chục nhân viên, Instagram vẫn chưa kỷ niệm lần sinh nhật thứ 2 của mình. Dẫu thế, với Facebook, Instagram trị giá đến 1 tỉ USD.

Vào tháng 10.2010, hai sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford Kevin Systrom và Mike Krieger đã giới thiệu một ứng dụng iPhone có tên Instagram, một cái tên kỳ quặc mới trong sân chơi của những hy vọng.

Và hôm 9.4, Facebook thông báo hãng này sẽ thanh toán số tiền trên bằng tiền mặt và cổ phiếu cho Instagram, người chiến thắng mới nhất trong ngành công nghiệp có vẻ như ngày càng ngập mặt trong tiền bạc vào thời buổi này, theo tờ New York Times.


 Một bức ảnh Instagram chụp trang chủ của Facebook trên điện thoại iPhone - Ảnh: AFP 

Cuộc hành trình 18 tháng một lần nữa nhấn mạnh tốc độ điên cuồng của cuộc chơi đầu tư công nghệ, nơi thậm chí những công ty nhỏ nhất thế giới có thể phát triển ra toàn cầu chỉ trong vài tuần.

Instagram gia nhập hàng ngũ những hiện tượng "bỗng dưng xuất hiện" như Groupon và Youtube. Vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của Facebook có thể mang lại cho hãng này vị thế mạnh mẽ hơn trên lĩnh vực điện thoại di động, theo Wall Street Journal.

Với khoảng một tá đối thủ cạnh tranh, Instagram vượt lên phía trước với tốc độ phát triển vùn vụt.

Ứng dụng này hiện có 30 triệu người sử dụng, những người đăng tải hơn 5 triệu bức ảnh mỗi ngày mặc dù chỉ xuất hiện trên các sản phẩm của Apple cho đến tuần trước, khi phiên bản dành cho Android được phát hành, theo AFP.

Với các nhà sáng lập Instagram, hai sinh viên chưa tới 30 tuổi, khoảng thời gian 18 tháng qua đã biến họ trở thành những người sở hữu hàng chục, nếu không phải là hàng trăm triệu USD. Những người chiến thắng lớn khác sẽ là các nhà đầu tư sớm từ các công ty góp vốn.

“Đây là câu chuyện cổ tích trên web mà mọi kẻ khởi nghiệp đều mơ về… Họ chỉ thực hiện một hành động đơn giản - chia sẻ hình ảnh với bạn bè - và biến nó thành tiện ích mà mọi người muốn”, chuyên gia phân tích Melissa Parrish của hãng Forrester Research phát biểu với tờ New York Times.

Facebook đang chuẩn bị cho đợt IPO vốn có thể định giá công ty khoảng 100 tỉ USD. Điều này có nghĩa là Facebook có thể dễ dàng chi "tiền tỉ" cho Instagram, ngay cả khi mục đích chỉ là để ngôi sao mới nổi này không lọt vào tay những kẻ cạnh tranh như Google.

Facebook cũng cần Instagram để giúp họ nắm bắt những sở thích thay đổi liên tục trên mạng. Facebook sinh ra trong thời đại máy tính và tìm kiếm, đang cố gắng thích nghi với thế giới ngày càng xoay quanh thiết bị di động.

Rebecca Lieb, một chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn Altimeter, nhận định với New York Times rằng vụ mua Instagram có thể giúp đáp ứng một trong những nhu cầu cần thiết nhất của Facebook, đó là biến dịch vụ mạng xã hội mà hãng này đang cung cấp trở nên hấp dẫn hơn trên điện thoại di động.

Giám đốc điều hành Kevin Systrom, người sáng lập Instagram cùng với Mike Krieger, đã nằm trong tầm ngắm của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, từ khá lâu.

Systrom là sinh viên năm hai tại Đại học Stanford vào năm 2004 khi anh phát triển dịch vụ có tên Photobox cho phép mọi người gửi các tấm ảnh lớn cho nhau. Dịch vụ này lọt vào mắt xanh của Zuckerberg, người đề nghị Systrom về làm việc cho mình.

Tuy nhiên, Systrom quyết định hoàn tất việc học và tiếp tục sáng lập ứng dụng Burbn giúp mọi người đăng tải hình ảnh và các cập nhật khác, theo New York Times.

Burbn chưa bao giờ thu hút được hơn vài trăm người dùng song họ đăng tải một lượng lớn hình ảnh. Vì thế, Systrom và cộng sự gỡ nó xuống và phát hành một phiên bản trau chuốt hơn dành cho iPhone có tên Instagram. Nó nhanh chóng gây tiếng vang vì cho phép người dùng đăng tải hình ảnh trên Twitter, khơi gợi sự quan tâm từ những người nhìn thấy liên kết hình ảnh trên trang của họ.

Phần lớn thời gian trong những ngày mới thành lập, hãng Instagram chỉ có bốn nhân viên, gồm cả hai đồng sáng lập. Họ làm việc tại nơi từng là văn phòng ban đầu của Twitter ở đại lộ South Park tại San Francisco vốn dung chứa những nhà khởi nghiệp khác. Trong năm nay, khi số nhân viên tăng lên, Instagram chuyển đến một văn phòng lớn hơn bên kia đường, theo New York Times.


 Văn phòng mới của Instagram tại đại lộ South Park ở San Fancisco - Ảnh: AFP

Theo hai nhân viên giấu tên của Facebook, vào đầu năm 2011, Zuckerberg từng tìm đến Instagram để đàm phán mua công ty, nhưng khi đó Systrom muốn giữ nó độc lập và tập trung vào việc mở rộng.

Vào lúc đó, Instagram có chưa đầy 7 triệu người sử dụng. Giờ đây, những nhân vật nổi tiếng như ngôi sao ca nhạc Justin Bieber, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các thương hiệu như Gucci đều đăng tải các cập nhật thường xuyên thông qua Instagram.

Không phải ai cũng tán thành vụ thâu tóm. Không lâu sau khi tin tức được công bố, nhiều người hâm mộ Instagram đã bày tỏ sự bất mãn của họ trên Twitter và Facebook. Một người tên Paul Ahlberg có vẻ giận dữ với việc Facebook có thể truy cập thông tin cá nhân của anh.

“Tôi yêu thích Instagram khi nó là những hình ảnh và bộ lọc ngốc nghếch, không phải là kẻ sưu tầm dữ liệu của Facebook”, Ahlberg viết.

Những người khác than vãn về sự mất mát ứng dụng được họ xem như là sự thay thế Facebook và đe dọa sẽ xóa tài khoản. Một Twitter tên Robert Wagner viết: “Thế là Facebook mua Instagram. Nói cách khác, tôi sẽ không sử dụng Instagram nữa”.

Theo AFP, có những hình ảnh với chữ “No” (Không) cũng như “R.I.P. Instagram” (Hãy yên nghỉ Instagram) và “FU FB” đã xuất hiện trên mạng.

Một số người hâm mộ bày tỏ lo ngại về số phận của Instagram vì Facebook từng mua một số hãng công nghệ nhỏ để thâu tóm tài năng của họ và sau đó đóng cửa dịch vụ gốc.

Tuy nhiên, cả Systrom và Zuckerberg liên tục nhấn mạnh trong những thông báo trên blog rằng Facebook sẽ giữ Instagram hoạt động như một dịch vụ độc lập, ít nhất trong thời gian trước mắt, một cam kết mà Facebook chưa từng đưa ra trong các thương vụ trước đây.

“Điều quan trọng là Instagram không biến mất. Chúng tôi sẽ làm việc với Facebook để mở rộng Instagram và xây dựng mạng lưới”, Systrom viết trên blog.

Mặc dù Facebook có xu hướng dè xẻn trong các vụ thâu tóm trước đây, tiềm năng của Instagram đã buộc họ phải đưa ra đề nghị 1 tỉ USD.

Chỉ mới vào tuần trước, Instagram mới khép lại đợt thu hút vốn 50 triệu USD từ một số nhà đầu tư, bao gồm Sequoia Capital, một quỹ ủng hộ Google vào thời kỳ đầu; Thrive Capitall và Greylock Partners, nhà đầu tư cho LinkedIn vào lúc trước, theo Wall Street Journal.

Đợt thu hút vốn định giá dịch vụ ở mức 500 triệu USD, theo một nguồn tin giấu tên. Chỉ một tuần sau, với việc thâu tóm của Facebook, thương vụ đầu tư đã tăng gấp đôi giá trị.

Instagram từng cân nhắc thu lợi bằng cách cho các thương hiệu đăng những bức hình quảng cáo trên màn hình của người sử dụng hoặc thu tiền khi người sử dụng mua hàng từ các thương hiệu song hiện chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về các kế hoạch của mình.

Facebook cũng cố gắng tìm cách "kiếm tiền" khi mọi người dành nhiều thời gian hơn trên các màn hình di động. “Chúng tôi thật sự không biết Facebook sẽ kiếm tiền như thế nào trên nền tảng di động. Bước đầu tiên là biến Facebook thân thiện hơn trên thiết bị di động và đây là điều chắc chắn”, bà Lieb phát biểu với New York Times.

Sơn Duân

>> Facebook chi tiền tỉ mua Instagram
>> Instagram trên Android được cải tiến
>> Instagram chính thức có mặt trên Android
>> Vì sao Facebook lại chọn Nasdaq?
>> Facebook chỉ phát hành 5 tỉ USD cổ phiếu
>> Facebook xác nhận kế hoạch IPO
>> Facebook đang kẹt vốn?
>> Facebook tiến hành IPO trong năm 2012
>> Facebook “lên sàn” và cuộc đua bảo lãnh phát hành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.