Intel nhận trợ cấp 3,5 tỉ USD để phát triển chip quân sự

Khải Minh
Khải Minh
16/09/2024 20:46 GMT+7

Chính phủ Mỹ đã phê duyệt khoản trợ cấp 3,5 tỉ USD cho Intel để sản xuất chip quân sự như một phần của chương trình Secure Enclave.

Theo thông tin từ Bloomberg, Intel vừa được phê duyệt khoản trợ cấp trị giá 3,5 tỉ USD từ chính phủ Mỹ để sản xuất chip quân sự trong khuôn khổ chương trình Secure Enclave. Đây là chương trình do Lầu Năm Góc lập ra nhằm thúc đẩy việc sản xuất vi xử lý phục vụ các ứng dụng quốc phòng và tình báo trong nước. Trước đó, Intel cũng đã nhận được gói tài trợ 8,5 tỉ USD cùng khoản vay 11 tỉ USD từ đạo luật CHIPS và Khoa học, do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký, với mục tiêu giảm sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ châu Á và tái khởi động ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.

Những nhà máy của Intel tại các bang như Oregon, New Mexico, Arizona và Ohio đều được huy động để tham gia vào việc đúc chip quân sự cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Đặc biệt, hai nhà máy Fab 52 và Fab 62 tại Arizona, với khả năng sản xuất chip trên quy trình 18A sẽ đóng vai trò then chốt trong dự án này.

Intel nhận trợ cấp 3,5 tỉ USD để phát triển chip quân sự- Ảnh 1.

Intel được tài trợ để phát triển chip xử lý cho nhu cầu quân sự và tình báo của Mỹ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Chương trình Secure Enclave yêu cầu các vi xử lý dành cho quân đội và tình báo phải được sản xuất trong môi trường khép kín, đáp ứng những tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do chi phí xây dựng phòng sạch và xưởng đúc chip hiện đại quá cao, Intel dự kiến sẽ phải tìm phương án thay thế để phù hợp với các yêu cầu của Lầu Năm Góc.

Việc Intel giành được hợp đồng này không hoàn toàn suôn sẻ. Trước đó, đã có những tranh cãi tại Quốc hội Mỹ về mức độ phụ thuộc vào Intel, đặc biệt liên quan đến việc tài trợ dự án. Ban đầu, Lầu Năm Góc dự kiến đóng góp 2,5 tỉ USD và Bộ Thương mại Mỹ sẽ chi 1 tỉ USD còn lại. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm nay, Lầu Năm Góc đã rút khỏi thỏa thuận, để toàn bộ gói tài trợ 3,5 tỉ USD cho Bộ Thương mại chi trả.

Để đáp ứng yêu cầu này, Bộ Thương mại Mỹ đã phải phân bổ lại các khoản tiền từ quỹ nghiên cứu công nghệ trong chương trình Secure Enclave. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải chỉ trích từ một số ý kiến, cho rằng nó làm lệch hướng mục tiêu ban đầu của đạo luật CHIPS và Khoa học. Mặc dù vậy, chương trình Secure Enclave vẫn được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho an ninh quốc phòng của Mỹ bằng việc tăng cường sản xuất các vi xử lý tiên tiến trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.