Interpol Việt Nam phá án - Kỳ 2: Xuất ngoại truy bắt tù trốn trại

29/10/2011 00:35 GMT+7

4 bị án nguy hiểm phá cửa nhà giam, chạy trốn qua biên giới, đi hàng ngàn cây số nhưng cuối cùng phải thúc thủ trước thiên la địa võng của lực lượng Interpol Việt Nam.

>> Interpol Việt Nam phá án

Cuối tháng 6.2008, Interpol Việt Nam (C33) nhận được đề nghị của Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp truy bắt 4 tội phạm nguy hiểm đào thoát khỏi trại giam rồi trốn ra nước ngoài.

 
Các tội phạm vượt ngục đã bị bắt giữ

Các can phạm gồm Trần Sỹ Bá (30 tuổi) và Trần Văn Quyền (26 tuổi, cùng quê xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc), Nguyễn Viết Sơn (27 tuổi, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), Trần Văn Quân (33 tuổi, quê Hà Linh, huyện Hương Khê), đều phạm tội trộm cắp tài sản.

Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh văn phòng C33, nhớ lại: “Qua trao đổi nghiệp vụ với Công an tỉnh Hà Tĩnh cho thấy sau khi thoát khỏi trại giam, bị truy lùng gắt gao, các đối tượng vượt biên sang Lào rồi qua Thái Lan. Theo đề nghị của C33, tổ chức Interpol đã phát lệnh truy nã quốc tế, Bộ Công an cũng đề nghị Cảnh sát Thái Lan phối hợp truy bắt nhưng việc xác định tung tích các đối tượng cực kỳ khó khăn vì khi vượt biên các đối tượng đều không có giấy tờ tùy thân. Tình hình này buộc C33 phải đề nghị Cảnh sát Thái Lan cho phép Cảnh sát Việt Nam cử cán bộ sang phối hợp truy bắt”.

Qua 20 năm thành lập phát triển, Interpol Việt Nam tiếp nhận và xử lý trên 44.749 lượt thông tin, trong đó 12.714 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia; 3.324 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế; 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma túy và trên 13.122 lượt thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự. Lực lượng Interpol đã phối hợp các lực lượng khác bắt giữ và trao trả 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc…; phối hợp cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn độ về nước 49 đối tượng truy nã.

Tháng 2.2009, phía Thái Lan đồng ý theo đề nghị của C33. Thế nhưng, thời điểm tháng 3 và 4.2009, tình hình chính trị của Thái Lan không ổn định nên Tổng cục Cảnh sát quyết định tạm thời chưa cử đoàn công tác sang Thái Lan, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động truy bắt.

Đến tháng 8.2009, Bộ Công an cử một đoàn công tác gồm 4 cán bộ của Công an Hà Tĩnh và C33 sang Thái Lan. Đây cũng là lần đầu tiên Cảnh sát Việt Nam trực tiếp phối hợp truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn trên đất Thái Lan. Do hai nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, hệ thống luật pháp có nhiều điểm khác nhau nên quá trình công tác gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của Interpol Bangkok và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, trong vòng gần 10 ngày, đoàn công tác đã tiếp cận nhiều đầu mối, khoanh vùng từng nhóm cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Thái Lan để xác minh. Qua đó, xác định được Nguyễn Viết Sơn và Trần Văn Quân, lúc này đã thay tên đổi họ và tiếp tục con đường trộm cắp.

Cũng theo đại tá Đặng Xuân Khang, việc xác minh được nhân thân can phạm đã khó thì việc bắt giữ càng khó gấp bội, đặc biệt là Trần Văn Quân. “Đối tượng này nói tiếng Thái rất sõi, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Hơn nữa, việc bắt giữ đối tượng do có sự khác biệt trong hệ thống luật pháp nên đoàn công tác phải cân nhắc rất kỹ và có sự đồng thuận của lực lượng Intepol Bangkok”, đại tá Khang cho biết.

Qua nhiều phương án “câu nhử” nhưng lần lượt thất bại bởi Quân rất ranh ma, luôn nghi ngờ và rời “điểm hẹn” trước khi lực lượng chức năng có mặt. Đoàn công tác phải tận dụng điểm yếu của can phạm này là sử dụng giấy tờ cư trú bất hợp pháp. Ngày 25.8.2009, từ đề nghị của C33, Interpol Bangkok và cảnh sát địa phương kiểm tra giấy tờ của Quân, làm rõ việc sử dụng giấy tờ giả cũng như tung tích về tên tù vượt ngục. Ngày 26.8, Trần Văn Quân bị đưa ra tòa xét xử và bị kết án 15 ngày tù, phạt 3.000 baht về hành vi cư trú bất hợp pháp. Ngay sau khi thi hành án xong, Quân được bàn giao cho Cảnh sát Việt Nam dẫn giải về nước.

Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Thái Lan bắt được 2 can phạm thành công, ngày 23.9.2009, C33 và Công an Hà Tĩnh tiếp tục chuyến công tác thứ hai truy bắt 2 can phạm còn lại. Qua nhiều biện pháp nghiệp vụ và giúp đỡ của Cảnh sát Thái Lan,  đoàn công tác đã nắm được thông tin Trần Văn Quyền đã đổi tên họ và làm thuê gần sân bay cũ thuộc khu vực Don Muang, Bangkok. Tại đây, Quyền thường xuyên sử dụng điện thoại để liên lạc với một số người thân. Trong một lần Quyền vừa gọi điện thoại, Interpol Thái Lan thông báo định vị chính xác vị trí của Quyền cho lực lượng cảnh sát địa phương ập đến bắt giữ.

Còn Trần Sỹ Bá, qua sự giúp đỡ của Interpol Bangkok, đoàn công tác được tiếp cận với hệ thống tàng thư của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và phát hiện Sỹ Bá đang thụ án tại trại giam Bangkok Remand Prison (do Bộ Tư pháp Thái Lan quản lý) về tội trộm cắp tài sản dưới cái tên là Et, quốc tịch Lào. Tuy nhiên, do Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệp định chuyển giao người bị kết án song phương nên phải chờ đến đầu năm 2010, đoàn công tác thứ ba của C33 và Công an Hà Tĩnh lại tiếp tục sang Thái Lan "đón lõng" khi Trần Sỹ Bá thụ án xong và bị trục xuất về nước.

Nhìn nhận lại hành trình truy bắt 4 tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đại tá Đặng Xuân Khang nói rằng công đầu là ban chuyên án của Công an Hà Tĩnh, còn C33 chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Trong khi đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đánh giá nếu không có vai trò của C33, chuyên án sẽ khó thành công. “Ban chuyên án rất trân trọng cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ đầy trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ văn phòng Interpol Việt Nam”, thượng tá Phạm Ngọc Thạch, Trưởng ban chuyên án, nhìn nhận.   

Thái Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.