>> Ngày 1: Điểm đến đặc biệt - Cairo
>> Ngày 2: Hành trình dài đến Tunisia
>> Ngày 3: Chuyến bay đầu tiên cất cánh từ Tunisia
>> Ngày thứ 4: Cận cảnh khu trại Liên Hiệp Quốc
>> Những lao động nước ngoài tại biên giới Tunisia
Tại sân bay Djerba, Tunisia, nơi có những lao động Việt Nam chờ lên máy bay về nước, ông Marc Petzoldt, Trưởng đoàn công tác của IOM tại Tunisia cho rằng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong những ngày qua là một tín hiệu mạnh mẽ và lạc quan. Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng có mặt tại sân bay phát biểu: "Cá nhân tôi đánh giá rất cao nỗ lực và sự trợ giúp của IOM".
Phóng viên Thanh Niên cũng đã có cuộc phỏng vấn với ông Petzoldt tại sân bay Djerba.
|
Hôm nay, chúng tôi thấy dòng người rất dài đổ dồn vào Tunisia từ biên giới với Libya. Ông có thể cho biết về tình hình người tị nạn tại khu vực này?
Ông Marc Petzoldt: Đó là người Bangladesh. Họ đã ở cửa khẩu 2 ngày và đến hôm nay mới có thể được sắp xếp để vào khu trại. Kể từ khi xảy ra bất ổn ở Libya, có khoảng 100.000 người đổ về phía Tunisia, bao gồm lao động từ nhiều quốc gia. Đông nhất là người Ai Cập, sau đó là Bangladesh. Những lao động quốc tịch khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Thái Lan... Họ đến được đây bằng nhiều cách khác nhau và nhiều phương tiện khác nhau.
Hôm qua, thêm một chuyến bay nữa của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay Djerba lúc 16 giờ (tức 22 giờ, giờ Việt Nam), đón thêm hơn 300 lao động về nước. Hôm nay và ngày mai, dự kiến sẽ có thêm 3 chuyến nữa đến Djerba, đưa thêm gần 1.000 lao động hồi hương. Dự kiến, chậm nhất đến ngày 7.3, toàn bộ số lao động còn lại sẽ được đưa về nước. |
Tình trạng của người lao động Việt Nam thì sao, thưa ông?
Một số lao động Việt Nam may mắn được công ty của họ hỗ trợ cho về nước thẳng từ Libya. Một số khác bị bỏ rơi đành phải tìm cách đi về biên giới với Tunisia tìm sự giúp đỡ. Và lần này với sự có mặt của đích thân Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng đến Djerba tìm hiểu tình hình và điều hành công việc, IOM đang cùng đoàn công tác giải quyết giúp đỡ họ quay về nước an toàn.
Vậy có những rào cản nào mà IOM gặp phải?
Một trong những rào cản đó là sự kiên nhẫn của người lao động. Rất khó để tổ chức và chuẩn bị cho cả ngàn người. Cần phải có thời gian để tổ chức các chuyến bay. Không đơn giản chút nào. Cho nên người lao động cần phải kiên nhẫn.
Xin cám ơn ông!
***
Hiện tình hình giải quyết cho lao động các nước từ biên giới Libya sang Tunisia để đón máy bay về nước tiếp tục diễn ra khẩn trương. Tuy nhiên, cảnh lộn xộn không xảy ra. Những lao động đi lại thành hàng rất trật tự và nghe theo hướng dẫn của quân đội Tunisia đang làm nhiệm vụ tại đây. Từng dòng người đội va-li trên đầu cứ thế đi bộ từ biên giới đến khu trại của Cao ủy LHQ về người tị nạn, cách biên giới chừng 10 km.
Bên ngoài sân bay Djerba, dòng người lao động Bangladesh và Ai Cập xếp hàng nối đuôi rất dài để được vào sân bay hoặc ngồi chờ ở những con đường bên ngoài. Sở dĩ có tình trạng này là do lượng người 2 nước này quá lớn nên số lao động bên trong phải lên máy bay rời khỏi Djerba trước thì mới có chỗ cho những người bên ngoài đi vào. Riêng người lao động Việt Nam do đã có chỗ ở tốt tại sân bay này nên không phải xếp hàng chờ chực ngoài trời.
Hôm 4.3, chuyến bay của Vietnam Airlines mang 5 tấn hàng cứu trợ sang Tunisia gồm: nước uống Vital, sữa Vinamilk, bánh quy, lương khô. Số hàng này không chỉ được phân phát cho lao động Việt Nam mà còn được chuyển cho IOM, nhờ cứu trợ cho lao động các nước khác ở sân bay Djerba. Ông Bùi Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao cho hay, thông thường theo quy định của Tunisia thì hàng hóa vào đây phải đóng thuế. Tuy nhiên, khi biết được đây là hàng cứu trợ, cho cả lao động Việt Nam và các nước khác thì Tunisia cho nhập hàng ngay, bỏ qua hết các thủ tục. |
Ngọc Thịnh - Việt Phương (từ Djerba, Tunisia)
Bình luận (0)