Iran bắt giữ tàu dầu trên vịnh Oman, Mỹ chỉ trích

Khánh An
Khánh An
27/04/2023 21:23 GMT+7

Vùng biển nơi con tàu bị Iran bắt giữ nằm gần eo biển Hormuz là nơi lưu thông của ít nhất 1/3 lượng dầu vận chuyển đường biển trên thế giới.

Iran bắt giữ tàu dầu trên vịnh Oman, Mỹ chỉ trích - Ảnh 1.

Tàu dầu Advantage Sweet

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH ADVANTAGETANKERS

Hãng AFP đưa tin Hải quân Mỹ cho hay Lực lượng Vệ binh quốc gia Hồi giáo Iran (IRGC) vừa bắt giữ một tàu dầu trên vịnh Oman vào ngày 27.4, sự việc mới nhất trên tuyến hàng hải thương mại quan trọng.

Vùng biển nơi con tàu bị bắt giữ nằm gần eo biển Hormuz là nơi lưu thông của ít nhất 1/3 lượng dầu vận chuyển đường biển trên thế giới.

Theo thông cáo của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, tàu dầu Advantage Sweet treo cờ Quần đảo Marshall bị Hải quân thuộc IRGC bắt giữ khi đang di chuyển trên vùng biển quốc tế qua vịnh Oman.

"Chính phủ Iran nên lập tức thả tàu dầu", thông cáo kêu gọi và chỉ trích Tehran "tiếp tục quấy rối các tàu và can thiệp vào quyền đi lại ở các vùng biển trong khu vực". Hải quân Mỹ không đề cập chủ sở hữu hay đích đến của tàu dầu.

Truyền hình nhà nước Iran cho hay lực lượng hải quân đã bắt giữ một tàu mang cờ Quần đảo Marshall, nhưng chưa nêu thêm chi tiết.

Iran và Mỹ trong vài năm gần đây đã chỉ trích lẫn nhau liên quan nhiều sự việc tại vùng biển nhạy cảm này. Việc bắt giữ tàu nêu trên là vụ việc mới nhất tại eo biển Hormuz nơi tàu thuyền đã bị tấn công bí ẩn, máy bay không người lái bị bắn rơi và các tàu dầu bị bắt giữ.

"Trong 2 năm qua, Iran đã bắt giữ trái phép ít nhất 5 tàu thương mại đi qua vùng Trung Đông", theo Hải quân Mỹ.

Mỹ tìm cách siết nguồn, chặn Iran gửi UAV cho Nga

Hồi tháng 7.2019, IRGC bắt giữ tàu dầu Stena Impero của Anh tại vùng biển trên, với cáo buộc tàu dầu đâm vào một tàu cá. Tuy nhiên, tàu được thả 2 tháng sau đó.

Căng thẳng gia tăng từ năm 2018 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhiều bên, đồng thời tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Tehran. Thỏa thuận có nội dung phong tỏa chương trình hạt nhân của Iran đổi lại việc dỡ bỏ cấm vận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.