Iran không nhận tiền bán dầu bằng USD

Thu Thảo
Thu Thảo
09/02/2016 09:00 GMT+7

Iran muốn các hợp đồng dầu thô được tính bằng đô la Mỹ nhưng đòi hỏi người mua trả bằng euro. Tehran cũng tỏ ý nhận lại số tài sản bị đóng băng bằng đồng tiền chung châu Âu.

Hoạt động cung cấp dầu thô của Iran sẽ được phục hồi sớm với nhiều hợp đồng cùng các doanh nghiệp như Total của Pháp, Cepsa và Litasco của Tây Ban Nha hay Lukoil của Nga. Nguồn tin tại hãng năng lượng quốc doanh National Iranian Oil Co (NIOC) của Iran cho hay Tehran muốn nhận tiền trả cho số dầu giao đi bằng euro (EUR), theo Reuters
“Trong hóa đơn, chúng tôi có đề cập đến chuyện người mua phải trả tiền bằng EUR, xem xét tỷ giá so với USD ở thời điểm giao hàng”, nguồn tin cho biết.
Ngoài ra, Tehran cũng muốn nhận lại hàng tỉ USD giá trị tài sản bị đóng băng trong thời gian chịu lệnh trừng phạt quốc tế bằng EUR. Nước này ước tính có khoảng 100 tỉ USD tài sản đang bị đóng băng và một nửa trong số này sẽ được phá băng cùng lúc với đợt dỡ bỏ lệnh trừng phạt sắp tới.
Thái độ của Iran với nội tệ Mỹ không phải là tin mới. Năm 2007, nước này vận động thành công để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chuyển đổi, không dùng USD. Vai trò trong giao dịch dầu thô là một trong những lý do giúp đô la Mỹ có được vị trí đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Theo Russia Today, Iran không phải là nước duy nhất muốn thoát khỏi USD. Nga đã và đang nỗ lực với mục tiêu tương tự, cố gắng loại bỏ USD ra khỏi các giao dịch thương mại trong nước, ký các hợp đồng với những đối tác kinh tế đối ngoại quan trọng bằng cách dùng nội tệ của đôi bên trong thương mại song phương.
Những biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu thô và ngành ngân hàng của Iran được Mỹ và một số đồng minh, trong đó quan trọng nhất là các nước châu Âu, áp đặt lên Tehran vì cáo buộc cho rằng Iran đang bí mật tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.
Năm ngoái, quốc gia Trung Đông và sáu cường quốc hàng đầu thế giới đã tiến đến một thỏa thuận, theo đó Iran minh bạch hơn chương trình hạt nhân của nước này và chấp nhận chịu các biện pháp bảo vệ nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế được đưa ra trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.