Israel bị tố cáo phạm 'tội ác chiến tranh' vì phá nghĩa trang tại Gaza

Khánh Như
Khánh Như
20/01/2024 20:34 GMT+7

Một cuộc điều tra của đài CNN cho thấy quân đội Israel đã tàn phá ít nhất 16 nghĩa trang trong chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, khiến các bia mộ bị hủy hoại, đất bị đào xới và trong một số trường hợp, thi thể bị khai quật.

Tại TP.Khan Younis (phía nam Gaza), nơi giao tranh leo thang từ đầu tuần này, Israel bị cáo buộc đã phá hủy một nghĩa trang, di dời thi thể theo điều mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói là "một phần của cuộc tìm kiếm hài cốt các con tin bị Hamas bắt giữ".

Nghĩa trang bị tàn phá

Các phóng viên đài CNN đã xem xét ảnh vệ tinh và video trên mạng xã hội về sự tàn phá của các nghĩa trang và tận mắt chứng kiến điều đó khi đi cùng IDF trong một đoàn xe. Các bằng chứng cho thấy một "hoạt động có hệ thống" của lực lượng mặt đất Israel.

Việc cố ý phá hủy các địa điểm tôn giáo như nghĩa trang là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, ngoại trừ một số ít trường hợp chứng minh được những nơi này là mục tiêu quân sự hợp pháp. Do đó, các chuyên gia pháp lý nói với CNN rằng hành động của Israel có thể cấu thành "tội ác chiến tranh".

Israel bị tố cáo phạm 'tội ác chiến tranh' vì phá nghĩa trang tại Gaza- Ảnh 1.

Người Palestine kiểm tra những ngôi mộ bị hư hại tại một nghĩa trang ở Khan Younis hôm 17.1

REUTERS

Một phát ngôn viên của IDF không giải thích thông tin về việc phá hủy 16 nghĩa địa, nhưng cho biết quân đội đôi khi "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc nhắm mục tiêu vào các những khu chôn cất người chết mà Hamas tuyên bố sử dụng cho mục đích quân sự.

IDF cho hay việc giải cứu con tin hoặc tìm kiếm và trao trả thi thể của con tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ ở Gaza. Vì thế, các thi thể đã được đưa ra khỏi một số ngôi mộ.

Giữa bom đạn, bác sĩ Gaza phải phẫu thuật đoạn chi cho cháu gái mà không gây mê

"Quy trình nhận dạng con tin, được tiến hành tại một địa điểm an toàn và thay thế, đảm bảo các điều kiện chuyên môn tối ưu và sự tôn trọng dành cho người đã khuất", phát ngôn viên của IDF nói với CNN.

Theo phía Israel, các thi thể được xác định không phải là con tin sẽ được "trả về một cách đàng hoàng và tôn trọng". Đài NBC News cũng đưa tin về việc này và nhận được câu trả lời tương tự từ Israel.

Tuy nhiên, phân tích của CNN dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Israel dường như đã sử dụng nghĩa trang làm tiền đồn quân sự. Theo đó, máy ủi của Israel được cho là đã biến nhiều nghĩa địa thành nơi tập kết, san bằng những khu đất rộng lớn và dựng lên các rào chắn để củng cố tiền đồn.

Tại khu Shajaiya của TP.Gaza, có thể thấy các xe quân sự của Israel ở nơi trước đó là một nghĩa trang. Theo truyền thông địa phương, phần trung tâm của nghĩa địa Shajaiya đã được dọn sạch trước xung đột. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh cho thấy các phần khác gần đây đã bị san phẳng và sự hiện diện của IDF có thể nhìn thấy được từ ngày 10.12.2023.

Cảnh tượng tàn phá tương tự cũng được nhìn thấy tại khu chôn cất Bani Suheila, phía đông Khan Younis. Theo ảnh chụp từ trên cao, các ngôi mộ bị cố ý san ủi để lấy đất xây dựng các công sự phòng thủ trong ít nhất hai tuần vào cuối tháng 12.2023 và đầu tháng 1.2024.

Trong khi đó, một số nghĩa trang chôn cất người Do Thái hoặc tín đồ Cơ Đốc giáo hầu như có rất ít hoặc không có dấu hiệu bị phá hủy.

Israel bị tố cáo phạm 'tội ác chiến tranh' vì phá nghĩa trang tại Gaza- Ảnh 2.

Người Palestine kiểm tra những ngôi mộ bị hư hại tại một nghĩa trang ở Khan Younis hôm 17.1

REUTERS

Người phát ngôn của IDF không giải thích lý do tại sao những khu nghĩa trang rộng lớn bị san phẳng để biến chúng thành tiền đồn quân sự, hoặc tại sao xe quân sự lại đậu ở nơi từng có những ngôi mộ. Người phát ngôn nói với CNN: "Chúng tôi có nghĩa vụ nghiêm túc đối với việc tôn trọng người chết và không có chính sách lập các đồn quân sự ngoài nghĩa địa".

Tôn trọng người chết

Các chuyên gia luật quốc tế cho rằng việc xúc phạm khu chôn cất là trái với Quy chế Rome, hiệp ước ra đời năm 1998 nhằm thành lập và quản lý Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) để xét xử các tội ác chiến tranh, diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược, CNN đưa tin.

Israel ban đầu ủng hộ việc thành lập ICC nhưng sau đó không phê chuẩn Quy chế Rome. Theo quy chế này, nghĩa trang được bảo vệ như "đối tượng dân sự" theo luật pháp quốc tế và được hưởng các biện pháp bảo vệ đặc biệt, với một số ngoại lệ hạn chế.

Khắc khoải lễ thôi nôi "buồn nhất thế giới" ở Israel

Nghĩa trang chỉ có thể bị tấn công hoặc phá hủy nếu bên tham chiến kia sử dụng chúng cho mục đích quân sự hoặc nếu việc làm như vậy được coi là cần thiết về mặt quân sự, với lợi ích quân sự thu được lớn hơn thiệt hại đối với các vật thể dân sự.

Nam Phi nêu việc IDF phá hủy các nghĩa địa ở Gaza là bằng chứng cho thấy rằng Israel đang "phạm tội diệt chủng". Nam Phi đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế.

Israel phủ nhận cáo buộc trên. Tuy nhiên chuyên gia Janina Dill, đồng giám đốc tại Viện Đạo đức, Luật và Xung đột Vũ trang thuộc Đại học Oxford (Anh), nói với CNN rằng mặc dù việc phá hủy các nghĩa trang không dẫn đến tội diệt chủng, nhưng nó có thể bổ sung thêm bằng chứng về ý định của Israel.

"Có ý nghĩa biểu tượng to lớn đối với quan điểm cho rằng ngay cả người chết cũng không được yên nghỉ. Luật nhân đạo quốc tế bảo vệ phẩm giá của mọi người, dù họ có tham gia chiến đấu hay không, và sự bảo vệ đó không kết thúc khi họ chết", theo bà Dill.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.