Israel, cường quốc xuất khẩu tên lửa
(Tin Nóng) Tên lửa của Israel được xuất khẩu sang nhiều nước nhờ thế mạnh về tầm bắn chính xác, gọn nhẹ, từng thử lửa trên chiến trường… Ngay cả Mỹ cũng mua tên lửa phòng thủ từ Israel.
Tự động phát
(Tin Nóng) Tên lửa của Israel được xuất khẩu sang nhiều nước nhờ thế mạnh về tầm bắn chính xác, gọn nhẹ, từng thử lửa trên chiến trường… Ngay cả Mỹ cũng mua tên lửa phòng thủ từ Israel.
Tên lửa hệ thống Iron Dome của Israel bắn thử ở Mỹ tháng 4.2016 - Ảnh: Tập đoàn Rafael |
Mỹ cũng mua tên lửa Israel
Theo Defense News ngày 9.8, tập đoàn quốc doanh Rafael của Israel vừa đạt thoả thuận với tập đoàn Raytheon của Mỹ, theo đó Rafael chuyển giao công nghệ để Raytheon sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome mang tên Tamir của Israel nhằm trang bị cho quân đội Mỹ.
Iron Dome của Israel nổi tiếng bắn hạ các tên lửa, rocket của quân Hamas bắn từ dải Gaza vào Israel, và nay Mỹ quyết định mua hệ thống này, cải tiến thành phiên bản Mỹ gọi là SkyHunter, có thể bắn hạ các mối đe doạ cho các căn cứ Mỹ như tên lửa hành trình, UAV, rocket, đạn pháo…
Hồi tháng 4.2016, Tamir của Israel được Mỹ thử nghiệm ở trường bắn White Sands (bang Mexico) và đã bắn hạ 1 UAV.
Quân đội Hàn Quốc bắn thử tên lửa chống tăng Spike-NLOS của Israel - Ảnh: Quân đội Hàn Quốc |
Quân đội Hàn Quốc cũng vừa hoàn tất thử nghiệm loại tên lửa chống tăng Spike-NLOS của Israel trong tháng 7.2016, theo trang tin Armyrecognition ngày 8.8.
Tên lửa chống tăng Spike NLOS do Rafael sản xuất, điều khiển bằng quang điện tử, khi bắn tự truyền thông tin theo thời gian thực về người bắn ở khoảng cách lên đến 25 km. Loại tên lửa này có thể dùng diệt xe tăng hoặc các công sự, mục tiêu bí mật ở xa…
Loại tên lửa này bố trí trên xe quân sự SandCat. Báo cáo xuất khẩu vũ khí của Viện Nghiên cứu hoà bình Stockholm (Thuỵ Điển) đầu năm 2016 cho biết Hàn Quốc đã mua 4 xe SandCat và 67 tên lửa Spike-NLOS vào năm 2011 và được giao hàng vào năm 2013.
Dàn phóng tên lửa phòng không tầm trung Spyder của Ấn Độ |
Mới đây nhất, theo báo Financial Express (Ấn Độ) ngày 10.8, Ấn Độ và Israel đã thoả thuận cùng hợp tác phát triển hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 dùng cho hải quân và không quân Ấn Độ.
Theo đó, Barak 8 loại tầm xa sẽ trang bị cho tàu chiến, còn loại tầm trung sẽ trang bị cho không quân (đất đối không).
Theo nhà sản xuất Barak 8 là tập đoàn IAI (Israel), hệ thống tên lửa phòng không này có thể phát hiện mục tiêu đang lao đến (máy bay, tên lửa diệt hạm…) ở khoảng cách trên 100 km và tự động phóng tên lửa diệt mục tiêu ở khoảng cách 70 km. Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar mới đây phát biểu với quốc hội rằng Barak 8 cung cấp năng lực phòng không để bảo vệ các khí tài của quân đội.
Nước nhỏ, nền công nghiệp quốc phòng lớn
Báo Huffington Post ngày 8.8.2016 có bài viết khen rằng Israel tuy là nước nhỏ (diện tích chỉ 20.770 km2, dân số 8,5 triệu người) nhưng có nền kinh tế đáng nể với GDP năm 2015 khoảng 300 tỉ USD, đang nổi lên như một cường quốc thời hậu chiến tranh lạnh.
Riêng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này với những thành tựu về tên lửa phòng không - có sự hỗ trợ của Mỹ - đã khiến Israel trở thành cường quốc quân sự.
Jerusalem Post ngày 10.8 cho biết năm 2015 Israel xuất khẩu vũ khí đạt 5,7 tỉ USD, tăng nhẹ so mức 5,6 tỉ USD năm 2014. Israel nay nằm trong top 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Các mặt hàng quân sự bán chạy có radar, tên lửa, UAV cỡ nhỏ, hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị quan sát quang học…
Thị phần của vũ khí Israel chủ yếu ở Châu Á – Thái Bình Dương (2,3 tỉ USD), châu Âu (1,6 tỉ USD), Bắc Mỹ (1 tỉ USD), Mỹ Latinh (577 triệu USD), châu Phi (163 triệu USD).
Dàn phóng tên lửa EXTRA gọn nhẹ có thể tháo rời bố trí thành cặp, tại một đơn vị của Vùng 4 Hải quân - Ảnh chụp màn hình kênh QPVN |
Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng mà ngành công nghiệp quốc phòng Israel nhắm đến. Theo diễn đàn chuyên về quốc phòng của Nga bmpd ngày 19.7.2016, Việt Nam vừa nhận được lô hàng đầu tiên thuộc hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Spyder do Israel chế tạo. Dẫn nguồn từ blog defense-studies, trang tin Nga cho biết đợt đầu của lô hàng này gồm các xe tải chuyên dụng hiệu MAN do Đức sản xuất.
Trước đó, hồi cuối năm 2015, truyền thông Nga cho biết Việt Nam đã chọn mua hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Spyder của Israel, thay vì hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Spyder-SR do tập đoàn Rafael và Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel sản xuất. Spyder là viết tắt của cụm từ Tổ hợp phòng không dùng tên lửa Python và Derby.
Đây là tổ hợp phòng không di động, hoạt động trong mọi thời tiết, dùng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách rất gần, bao gồm máy bay, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình và các vũ khí dẫn đường chính xác khác.
Tầm bắn của tên lửa hệ thống này là 15 km, bắn hạ mục tiêu ở độ cao từ 20 m đến 9 km. Tên lửa được đặt trong dàn phóng gồm 4 ống phóng, đặt trên xe tải chuyên dụng loại 6 bánh chủ động. Tên lửa của hệ thống này gồm 2 loại, tên lửa tầm trung Derby dẫn bắn bằng radar và tên lửa tầm ngắn Python-5 bắn bằng hệ thống dò tìm hồng ngoại. Hệ thống Spyder-SR có thể theo dõi cùng lúc tới 60 mục tiêu trong phạm vi 35 km.
Tại Đông Nam Á, có Singapore và Philippines trang bị hệ thống tên lửa Spyder.
Tên lửa EXTRA khai hoả từ dàn phóng, tầm bắn xa 150 km, sai số so mục tiêu bên trong chu vi 10 m - Ảnh: Clip QPVN |
Bên cạnh tên lửa phòng không, Israel còn xuất khẩu sang Việt Nam hệ thống tên lửa bờ biển tầm gần và cơ động EXTRA cùng máy bay không người lái Orbiter 2 để hướng dẫn bắn cho pháo binh. Một phóng sự phát trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam ngày 26.11.2014 cho biết Vùng 4 Hải quân Việt Nam đã diễn tập bắn thử tên lửa bờ biển EXTRA.
Đến đầu năm 2016, SIPRI cho biết trong năm 2015, Israel cung cấp cho Việt Nam 3 hệ thống tên lửa phòng không tầm gần SPYDER-SR và 20 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển EXTRA.
Tên lửa EXTRA (Extended Range Artillery, pháo tầm xa) do hai hãng IMI và IAI của Israel hợp tác sản xuất từ năm 2007, dài 3,97 m, đường kính 306 mm, nặng 450 kg, mang đầu đạn nặng tối đa 120 kg, tầm bắn tối đa 150 km.Tên lửa có trang bị thiết bị dẫn đường (GPS), độ chính xác cao (chỉ lệch mục tiêu trong khoảng 10 m).
EXTRA được xem là loại tên lửa rất linh hoạt và cơ động khi có thể gắn các dàn phóng theo tiêu chuẩn 16 ống hoặc tháo rời còn 2 - 4 ống gắn trên bệ đỡ cố định hoặc xe tải. Nhà sản xuất IMI cho biết EXTRA bố trí nhanh gọn, cho phí bảo dưỡng rẻ, thường đi cùng với loại UAV hướng dẫn bắn như Orbiter của hãng ADS (Israel) và radar hướng dẫn cũng rất nhỏ gọn.
Israel trước đó đã xuất khẩu tên lửa này sang Kazakhstan và Azerbaijan.
EXTRA có thể bố trí ở ven bờ biển hoặc trên các đảo nhỏ, được xem là vũ khí hữu hiệu bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế khi có thể tấn công mục tiêu là tàu chiến hoặc công trình trên đất liền.
Sơ đồ hệ thống phòng thủ biển đảo bổ sung (CIDS) của Israel – Nguồn: IMI |
Trang tin defense-update hồi tháng 2.2016 cho hay tập đoàn IMI System của Israel tại triển lãm quốc phòng ở Singapore đã giới thiệu với các nước Đông Nam Á hệ thống phòng thủ biển đảo bổ sung (CIDS), vũ khí để bảo vệ chủ quyền quốc gia tại các vùng lãnh hải và các đảo, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Một phiên bản CIDS đã triển khai ở Việt Nam bao gồm các radar và thiết bị điện tử của Elta Systems, UAV mini loại Orbiter 2 của Aeronautics, và tên lửa EXTRA của IMI.
Xem Đoàn 685, Vùng 4 Hải quân Việt Nam bắn thử tên lửa EXTRA cuối năm 2014 (Truyền hình Quốc phòng Việt Nam):
|
Bình luận (0)