Israel từng một ngày bắn hạ 60 máy bay chiến đấu, không chịu tổn thất

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
28/05/2024 19:14 GMT+7

Không quân Israel từng lập chiến tích hiếm thấy cách đây hơn 40 năm, khi bắn hạ hơn 60 máy bay chiến đấu của Syria mà không mất bất kỳ tiêm kích nào.

Ngày 9.6.1982, Không quân Israel (IAF) đã phát động chiến dịch Mole Cricket 19, diễn ra trong tuần đầu tiên của cuộc chiến Li Băng cùng năm, khi Israel tiến quân vào Li Băng nhằm đánh bại Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đang đóng tại nước này.

Chiến dịch có mục tiêu phá hủy khẩu đội tên lửa đất đối không (SAM) của Syria, đồng minh của PLO, được bố trí tại thung lũng Beqaa (Li Băng). Không quân Syria đã điều khoảng 100 tiêm kích đánh chặn 90 máy bay của Israel, song kết quả là thắng lợi hoàn toàn của IAF, khi bắn hạ 60 chiến đấu cơ của Syria cùng 29 trong số 30 khẩu đội SAM mà không mất một máy bay nào.

Tiêm kích của F-16 Israel xuất kích

Tiêm kích của F-16 Israel xuất kích

LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ISRAEL

Trận chiến còn đánh dấu lần đầu tiên một khẩu đội SAM của Liên Xô bị máy bay chiến đấu phương Tây phá hủy, khiến Liên Xô phải cử các quan chức quân sự đến điều tra nguyên nhân, theo trang Business Insider.

Ưu thế vượt trội của Israel

Vào thời điểm xảy ra chiến dịch, Không quân Syria chủ yếu sử dụng những chiếc MiG-21 đã ra mắt từ năm 1959, cùng một số mẫu Su-20 và MiG-23. Những máy bay này đã lép vế đáng kể trước chiến đấu cơ thế hệ 4 của IAF, vốn trang bị những tiêm kích F-15 và F-16 do Mỹ sản xuất, khi đó ra mắt chưa tới 10 năm.

Tiêm kích của Israel cơ động hơn và có thể tăng tốc nhanh hơn đối thủ từ Syria, cùng hệ thống định vị giúp máy bay bắn tên lửa ngoài tầm radar của Syria. IAF khi này đã trang bị tên lửa AIM-9L Sidewinder, phiên bản nâng cấp đầu tiên có khả năng theo dõi và bắn từ mọi hướng. Đây cũng là vũ khí đã hạ gục phần lớn mục tiêu.

Ở chiều ngược lại, tên lửa K-13 của Syria có tầm bắn ngắn hơn, đồng thời hệ thống cảnh báo của MiG-21 chỉ có thể nhận diện tên lửa bắn từ phía trước hay sau đuôi máy bay, khiến tiêm kích này gần như "bị mù" nếu tên lửa được bắn từ hướng khác.

Phi công và lực lượng mặt đất của Israel cũng đã có kinh nghiệm đối phó với khẩu đội SAM và quen thuộc địa hình thung lũng Bequaa. Trong khi đó, việc Syria không di dời hệ thống phòng không trong nhiều tháng đã khiến IAF dễ dàng định vị mục tiêu trước cuộc chiến. Khi bắt đầu giao tranh, Syria đã dùng khói để che dấu các khẩu đội phòng không, thay vì dùng phương pháp ngụy trang. Chính điều này đã giúp hệ thống SAM dễ bị phát hiện.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-125, loại vũ khí phòng không chủ lực của Syria vào thập niên 1980

Hệ thống tên lửa đất đối không S-125, loại vũ khí phòng không chủ lực của Syria vào thập niên 1980

CHỤP MÀN HÌNH AIR POWER AUSTRALIA

Israel đã rút kinh nghiệm

Chiến tích của IAF đến từ bài học sau những thất bại trong quá khứ. Trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, việc thiếu chuẩn bị và vội vã đánh phủ đầu đã khiến Israel mất 42 máy bay trước hệ thống phòng không của Ai Cập chỉ trong 2 ngày, tương đương 14% tổng số máy bay trong phi đội của IAF. Thất bại này đã khiến IAF nhận ra tầm quan trọng của việc vô hiệu hóa hệ thống phòng không đối thủ.

Sau 9 năm, Israel đã rút bài học từ Yom Kippur và dùng máy bay không người lái (UAV) trinh sát khẩu đội SAM của Syria nhiều tháng trước khi bắt đầu chiến dịch Mole Cricket 19. Khi tấn công, UAV của Israel đã sử dụng sóng vô tuyến tương tự các tiêm kích, qua đó làm mồi nhử để hệ thống phòng không kích hoạt đánh chặn. Sau đó, máy bay của Israel có thể đáp trả bằng tên lửa dò bức xạ phát ra từ radar của SAM.

Ngoài ra, Israel lúc này cũng ưu việt hơn về năng lực chỉ huy, kiểm soát và liên lạc (3C), đến từ "Mắt thần" E-2C Hawkeye, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS). Đây cũng là lần đầu máy bay AWACS tham chiến, giúp IAF gần như làm chủ hoàn toàn trận địa. Quân đội nước này cũng tăng cường tác chiến điện tử cho các tiêm kích cùng năng lực gây nhiễu hệ thống radar của Syria.

Những ưu thế trên là nguyên nhân dù hai bên xuất kích với số lượng máy bay gần như ngang nhau, IAF có thể bắn hạ hơn 60 máy bay của Syria và 29 khẩu đội phòng không, trong khi không mất một chiến đấu cơ nào, ngoài 2 chiếc F-15 bị hư nhẹ và các UAV mồi bẫy bị phá hủy.

Israel trong những ngày tiếp theo sau chiến dịch đã phá hủy thêm 20 máy bay Syria, do đó nhiều thống kê chỉ ra Damascus có thể đã tổn thất hơn 80 chiến đấu cơ trong chiến dịch Mole Cricket 19. Trong khi đó, IAF mất một tiêm kích F-4, một cường kích A-4 Skyhawk và hai trực thăng trong toàn bộ 3 tháng xung đột tại Li Băng.

Kết quả một chiều của Không quân Israel đã khiến chiến dịch này còn được gọi là "Trận bắn gà tây ở thung lũng Beqaa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.