Mới đây, cái tên J.K.Rowling một lần nữa trở thành tâm điểm của làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Twitter khi hashtag #RIPJKRowling (tạm dịch: J.K.Rowling đã chết) bỗng dưng trở thành thịnh hành (top trending) trên nền tảng này. Làn sóng tẩy chay này diễn ra ở Mỹ.
Tờ New York Post hôm 14.9 dẫn lại bình luận của một người dùng để lý giải thêm về hashtag #RIPJKRowling cùng ý nghĩa đằng sau nó: "Bà ấy không chết theo nghĩa đen mà bà ấy tự giết chết sự nghiệp của chính mình..."; hay một người dùng khác lý giải: "Nữ nhà văn không qua đời mà sự nghiệp của bà mới thực sự chết". Bên cạnh đó còn có một số ý kiến với lời lẽ khiếm nhã nhắm vào nữ nhà văn J.K.Rowling trên mạng xã hội.
|
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng tẩy chay tác giả sinh năm 1965 bắt nguồn từ phát ngôn động chạm phụ nữ chuyển giới của bà hồi tháng 6 vừa qua. Nữ nhà văn đã dẫn lại một bài báo của trang Devex và cố gắng gọi từ "woman" (phụ nữ) thành những từ khác để chỉ cộng đồng chuyển giới và đánh đồng những người hành kinh mới là phụ nữ. Nhiều người nổi tiếng đã "phản pháo" lại phát ngôn mang tính giễu cợt và kỳ thị giới tính của bà, không chấp nhận việc xem thường cộng đồng chuyển giới của nữ nhà văn.
Vụ việc J.K.Rowling bị phản đối kịch liệt trên mạng xã hội là một trong những biểu hiện rõ rệt của văn hóa tẩy chay (cancel culture) mà những người nổi tiếng hứng chịu hằng ngày trên khắp thế giới, diễn ra trên nền tảng mạng xã hội. Hồi tháng 7, J.K.Rowling cùng với 100 tác giả khác từng kêu gọi chấm dứt văn hóa tẩy chay này.
Thời gian gần đây, J.K.Rowling vẫn siêng năng viết truyện và hợp tác với các studio để viết kịch bản phim Hollywood. Troubled Blood là tác phẩm mới nhất của bà nằm trong loạt truyện Cormoran Strike ra đời từ năm 2013 đến nay. Truyện theo chân một gã sát nhân hàng loạt thích mặc đồ phụ nữ.
Bình luận (0)