Cung điện Gió - chiếc vương miện Hoàng gia
Đường nhựa từ New Dehli đến Jaipur khá nhỏ, trên đường phần lớn là xe chở hàng hóa và xe đò đầy hành khách. Hai bên đường đồng ruộng cỏ cháy vàng, đất khô nứt nẻ. Dọc đường, chúng tôi thấy có nhiều đền thờ tráng lệ, trang trí với các hình tượng người, thú, trên nóc đền, trên tường rất đẹp. Càng gần Jaipur phố phường, nhà cửa khang trang, đông đúc hơn.
Đến nơi, chúng tôi đi một vòng nội thành Jaipur. Phố cổ có nhiều cây lớn xanh tốt nên không khí khá dịu mát. Phố buôn bán san sát nhau và tất cả đều sơn màu hồng. Đó là lý do khiến Jaipur được khách phương Tây gọi là Pink City. Trong các tiệm bày tơ lụa, quần áo may sẵn, các dụng cụ bằng da, đồ sành, đồ sứ, các dụng cụ bằng bạc, ngà voi chạm khắc tinh vi.
Phụ nữ Jaipur mặc sari màu sắc rực rỡ vui mắt: xanh, đỏ, tím, vàng, cam... mang nhiều nữ trang bằng vàng bạc, vòng tay, vòng cổ và trên mũi. Mỗi khi họ cử động, những chiếc vòng tay va chạm nhau kêu leng keng vui tai. Tọa lạc ở trung tâm phố cổ là cung điện hoàng gia được bao bọc bởi tường thành cao, có bảy cổng ra vào tráng lệ và kiên cố. Mỗi cổng có tên riêng như cổng Mặt trời ở phía đông, cổng Mặt trăng ở phía tây... Chúng tôi được đưa đi tham quan Hawa Mahal - “Cung điện Gió” có hình dáng mô phỏng theo hình chiếc vương miện của vị thần Hindu là Krishna.
Hawa Mahal được xây dựng vào năm 1798. Nhìn từ bên ngoài, cung điện có kiến trúc hình kim tự tháp năm tầng, được xây dựng bằng đá sa thạch màu đỏ và hồng. Điều nổi bật nhất của công trình này có lẽ là gần một ngàn ô cửa sổ được trang trí, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết. Nghe nói cung điện được xây nên để các công chúa, hoàng hậu, cung phi... quan sát cuộc sống hằng ngày trên đường phố mà không bị bên ngoài nhìn thấy.
Nhờ hệ thống các ô cửa sổ nhỏ đón những luồng gió từ ngoài thổi vào nên Hawa Mahal luôn mát mẻ ngay cả trong thời tiết vô cùng nóng nực của mùa hè. Các gian phòng bên trong với cột trụ và hành lang cũng được trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Cung điện được xây dựng với tông màu đỏ và màu hồng, phù hợp với các trang trí của các di tích khác trong thành phố. Hawa Mahal đặc biệt nổi bật vào buổi sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống khiến toàn bộ cung điện trở nên lung linh như một khối ngọc ruby khổng lồ.
Kỳ vĩ pháo đài Hổ phách
Ngoài phố cổ và cung điện hoàng gia, nổi tiếng nhất ở Jaipur phải kể đến pháo đài Hổ phách (Amber Fort) tọa lạc trên núi cao, cách trung tâm 11 cây số. Muốn viếng thăm pháo đài, người ta thường dùng xe jeep hay cưỡi voi.
Kiến trúc pháo đài Amber khác biệt hoàn toàn so với những pháo đài gần đó. Bên ngoài pháo đài giống như một căn cứ quân sự nhưng bên trong lại là một khung cảnh mỹ lệ với hệ thống đồ sộ các phòng, đại sảnh, vườn cảnh và tháp canh trong góc nhìn rộng lớn. Càng vào sâu, du khách sẽ càng ngạc nhiên và mê mẩn bởi những bức tranh được vẽ hoặc chạm khắc tinh xảo trên tường, trần nhà với nét nghệ thuật đầy cuốn hút.
Gần đến nơi bán vé, chúng tôi thấy bên dưới tường thành có mấy chục chú voi mập mạp đứng thành hàng dài. Trên mặt tường, thành mấy chú khỉ to nhỏ lăng xăng chạy nhảy tới lui. Du khách không để ý là chúng giật chai nước uống hay túi cầm tay và chạy chỗ khác, thật nhanh, nhưng nếu cho chúng chuối hay bánh thì chúng ngồi yên cho khách sờ đầu chụp ảnh. Trong lúc chờ đợi, một ông lão người Ấn gầy gò, đầu quấn khăn trắng, cầm ống sáo và xách cái giỏ nho nhỏ đến trước mặt cả đoàn. Trong giỏ có một con rắn ú nu khoanh tròn. Ông lão mở nắp giỏ, lấy sáo ra thổi. Rắn từ từ vươn cao, cái đầu nghiêng qua lại theo tiếng sáo. Hết bản nhạc, rắn thu mình lại trong giỏ như trước.
Rồi cũng đến lượt chúng tôi cưỡi voi. Suốt quãng đường từ chân núi lên Amber Fort toàn là voi đi hàng một. Ngồi trên lưng voi gió mát, thấy các nhà phố, cây cối bên dưới thật bé nhỏ. Nhìn lên trên, cung điện thành lũy sừng sững, bề thế, to rộng như trong truyện cổ tích. Chung quanh là núi non hùng vĩ, bát ngát bao la. Voi đi nhẩn nha, bước từ từ trên đường lót đá giữa hai bên tường thành cung điện nằm trong thành trên núi cao. Thành có nhiều tháp canh kiên cố. Đường đi vòng vèo qua mấy lần cổng gạch cao, chạm khắc xinh xắn đến các tầng kiến trúc với sự tích khác nhau. Tầng nào cũng có cung điện tráng lệ. Cung điện tầng 2 dùng diễu binh, ban huấn từ, lễ hội mừng chiến thắng. Tầng 3 là nơi vua quan ngự triều. Cung điện tầng 4 dùng cho gia đình hoàng tộc.
Chúng tôi xuống cung điện tầng 3. Voi trở về chân núi đón khách mới. Sẽ có voi khác đưa chúng tôi trở lại bãi đậu. Có lẽ tầng 3 đông du khách nhất. Cung điện này thật huy hoàng, đồ sộ, còn có tên gọi “Mirror Palace”. Tường, cột, cửa lớn, cửa nhỏ đều sơn màu hổ phách. Trần cao, phủ kín hoa văn. Một số phòng trong cung điện, các tường, trần gắn những miếng kính nhỏ nhuộm màu thành nhiều hình rất lạ và đẹp.
Hướng dẫn viên cho biết nếu đốt nến, ánh sáng phản chiếu lên tường kính tỏa ra thành muôn màu như hội hoa đăng. Cửa lớn, tường, cột đều chạm khắc cầu kỳ. Đi hết phòng nọ đến phòng kia, liên miên đi hoài không dứt. Những hàng cột lớn đứng ngang dọc, thẳng tắp. Sân cung điện tầng 3 rộng có thể chứa một lúc 70 con voi trong buổi lễ voi diễu hành hằng năm. Bên ngoài nhìn những cung điện như các tầng riêng biệt nhưng vào trong đi loanh quanh khi lên khi xuống, quẹo trái rẽ phải một lúc cũng đến cung điện khác, không cần phải ra ngoài.
Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi xem các gian phòng bằng con đường hầm sạch sẽ, ánh sáng vừa phải. Đường hầm quanh co dẫn đến cung điện khác, có lối thoát ra ngoài. Nghe nói xưa kia chỉ có cận thần thân tín nhất của vua biết con đường này. Hoàng tử và hoàng hậu đều không biết, nhất là các hoàng tử. Chúng tôi đi một đoạn ngắn xong quay trở lại. Chắc chắn du khách sẽ đi lạc nếu không có người hướng dẫn vì đường hầm cực kỳ phức tạp.
Bình luận (0)