Jarkata niềm nở, thân thiện nhưng còn nhiều ngổn ngang

01/11/2011 19:11 GMT+7

(TNO) Chưa đầy hai ngày nữa, quả bóng tròn sẽ chính thức lăn ở "chảo lửa" Bung Karno (trước đây là Senayan), mở ra cuộc đua tranh thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Như tất cả các kỳ hội thao khác, môn bóng đá luôn được quan tâm đặc biệt bởi tín đồ túc cầu giáo đông đảo, thế nên động tĩnh của từng đội bóng đều được báo chí các nước thông tin rộng rãi.

(TNO) Chưa đầy hai ngày nữa, quả bóng tròn sẽ chính thức lăn ở "chảo lửa" Bung Karno (trước đây là Senayan), mở ra cuộc đua tranh thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Như tất cả các kỳ hội thao khác, môn bóng đá luôn được quan tâm đặc biệt bởi tín đồ túc cầu giáo đông đảo, thế nên động tĩnh của từng đội bóng đều được báo chí các nước thông tin rộng rãi.

Một trong những đoàn đến Indonesia trước tiên, U.23 VN được bố trí ở khách sạn 5 sao Sultan - một trong những khách sạn sang trọng nhất của nước chủ nhà SEA Games. Được ở phòng ốc sạch đẹp, ăn ngon, ngủ khỏe, tốt hơn gấp nghìn lần so với các VĐV của các đội tuyển khác, nhưng các cầu thủ VN vẫn than buồn.

 
Các tuyển thủ U.23 VN chỉ biết mở báo tiếng Indonesia để xem hình giết thời gian sau một ngày tập luyện mệt nhoài - Ảnh: Bạch Dương

Bởi ở khách sạn 5 sao thì cũng phải tuân thủ quy định… 5 phút của khách sạn trong việc truy cập internet. Các tuyển thủ VN người nào cũng đem theo máy tính xách tay, hoặc iPad, iPhone để trò chuyện với người yêu và người thân trong gia đình… Nhưng khổ nỗi, mới nói chuyện chào hỏi được một, hai câu lập tức bị “log-out”, vì khách sạn Sultan quy định mỗi lần “log-on” chỉ được 5 phút.

Các cầu thủ mê games trực tuyến như Thành Lương thì càng có nỗi buồn khó nói, vì không thể nào không nhớ đến các nhân vật ảo của mình trong games cùng giới đồng đạo giang hồ - mà chỉ những ai mê games mới có thể thấu hiểu.

Trong cái khó ló cái khôn, ở cách biệt trong khách sạn 5 sao, tuân thủ "quy định 5 phút" của khách sạn và nội quy của đội tuyển, không được tự ý ra ngoài một mình, nên các tuyển thủ phải nhờ đến cánh phóng viên mua giúp USB internet 3G.

Nhưng USB internet 3G ở đất nước này đâu giống như VN. Dù phải bỏ ra 800.000 rupi, tương đương 2.000.000 đồng VN, nhưng tốc độ lại chậm như... rùa.

 
Đường vào sân Bung Karno vẫn còn ngổn ngang - Ảnh: Bạch Dương

Cần mở trang web phổ biến như Gmail, bạn phải vừa ngồi lo phập phồng, vừa phải đợi chờ, chứ đừng mong đăng nhập vào các games trực tuyến. Chính vì thế dù đã mua USB internet 3G, nhưng chưa hẳn đã giúp các cầu thủ VN thuận tiện trong nhu cầu giải trí của mình. Đi lui đi tới không biết làm gì, nhiều cầu thủ lấy đại mấy tờ báo tiếng Indonesia để xem hình cho vui chứ cũng chẳng biết làm gì.

Trao đổi với chúng tôi, tiền đạo Tuấn Anh - người lần đầu tiên được đi thi đấu ở nước ngoài nói: “Ở đây sang trọng nhưng suốt ngày trong phòng cũng buồn anh ạ. Nhưng tụi em xác định đến đây để cống hiến cho tổ quốc, nên điều kiện như thế sẽ giúp các em tập trung vào các trận đấu sắp tới”.

Hai ngày ở Jakarta trong lúc chưa có môn thể thao nào thi đấu đã giúp nhóm phóng viên chúng tôi có thời gian dạo quanh một vòng thành phố đông dân này để hiểu phần nào văn hóa và điều kiện sống của người bản xứ. Người dân Indonesia thật sự thân thiện và mến khách, không chỉ những tình nguyện viên mà bất cứ người nào chúng tôi gặp, đều niềm nở khi biết chúng tôi là những người đến đây vì SEA Games 26 sắp khai diễn.

Tuy nhiên, cũng có đôi điều làm chúng tôi cảm thấy lo lắng khi các công trình chỉnh trang đường xá quanh sân Bung Karno vẫn còn ngổn ngang. Từng tốp công nhân vất vả chạy đua với thời gian bởi khối công việc đồ sộ vẫn còn đang dang dở. Trung tâm báo chí - một trong những trung tâm đầu não hàng đầu của Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần này phải dời thời gian hoạt động lại nhiều ngày vì không kịp tiến độ. Một vài nhà thi đấu cũng đang gấp rút thi công, hi vọng mọi việc đều suôn sẻ như lời hứa của Ngài Bộ trưởng Thể thao của nước chủ nhà.

 
Kẹt xe là vấn đề nan giải ở Indonesia - Ảnh: Bạch Dương

Nạn kẹt xe là vấn đề nan giải không chỉ cho người dân Indonesia mà còn là mối quan ngại của hầu hết những vị khách nước ngoài đến Jakarta trong thời điểm này. Bởi thế dù biết rằng đi taxi là giải pháp an toàn, nhưng không ít phóng viên các nước chọn cho mình phương tiện di chuyển là xe ôm (người bản xứ gọi là Ojek) để tiện luồn lách vào giờ cao điểm. Chúng tôi cũng quyết định đi xe ôm vì sẽ tiện lợi hơn cho dù có đôi chút mạo hiểm bởi xe cộ như nêm ở thành phố đông dân bậc nhất Đông Nam Á này.

Khi đã thông thuộc đường đi, một hai ngày tới chúng tôi sẽ tìm thuê xe máy tự đi lại, để tiện việc tác nghiệp và được hòa mình với những người Indonesia thân thiện, mến khách.

 
Phóng viên Thanh Niên đi xe ôm ra sân bóng - Ảnh: Bạch Dương

Quang Huy
(từ Jakarta)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.