Đa dạng các tác phẩm
Tối 23.1, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã chủ trì chiêu đãi trọng thể Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân. Sau đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân đã thưởng thức chương trình nhạc jazz do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thể hiện.
In the mood (Glenn Miller) đã được chọn làm tác phẩm mở đầu Chương trình nghệ thuật Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chào mừng Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier và phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
"Đây là tác phẩm thịnh hành sau chiến tranh thế giới 2", TS Nguyễn Mạnh, Chủ nhiệm Khoa nhạc Jazz, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nói. Đó cũng là thời điểm Việt Nam gặp nhiều khó khăn để xây dựng và thống nhất đất nước.
Sau In the mood, các nghệ sĩ jazz từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn Paint in Black (Rolling Stones). Tác phẩm này được chọn không chỉ vì đây là ban nhạc ưa thích của Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier mà còn vì đây là bài hát được sử dụng nhiều trong các chương trình tin tức thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ở đó, những người bạn châu Âu cùng nhau nói lên tiếng nói ủng hộ Việt Nam.
Cũng với âm hưởng từ nước Đức, chương trình đặc biệt này còn có bản jazz lấy cảm hứng từ tác phẩm của những nhạc sĩ thiên tài Đức J.S.Bach và L.V.Beethoven, cũng là những tác phẩm kinh điển của thế giới. Đó là các tác phẩm: Air on the G String và Salsa No.V.
"Chúng ta mời thượng khách thưởng thức những tác phẩm đa dạng. Dư âm là nhạc tiền chiến, cũng đánh dấu thời kỳ thay đổi của âm nhạc Việt Nam, có cải cách của các nhạc sĩ, vừa có hình dung quá khứ. Sau đó, có những bản nhạc để nói sau khi chiến tranh qua đi, chúng ta luôn mỉm cười, sống với tình yêu và sự lãng mạn", TS Nguyễn Mạnh chia sẻ.
NSND - TS Bùi Công Duy, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho biết việc xây dựng chương trình nhạc jazz này là một đề bài khó. Khó vì chương trình không quá dài nhưng lại phải toát lên khả năng chơi nhạc jazz của các nghệ sĩ Việt Nam.
Tất nhiên, một chương trình nghệ thuật cấp quốc gia hoàn toàn jazz cũng rất mới lạ, đặc biệt khi ngành jazz của Việt Nam còn mới, Khoa nhạc Jazz của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng chỉ có 10 năm tuổi. "Đây cũng là thời điểm chín muồi để giới thiệu jazz ở tầm quốc gia", NSND Bùi Công Duy nói.
Vinh dự quốc gia
NSND Bùi Công Duy cũng cho biết, màu sắc của chương trình nhạc jazz cũng là điều được cân nhắc kỹ lưỡng để biểu diễn trước vị khách đặc biệt là Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier.
"Vị khách đặc biệt là Tổng thống một cường quốc thế giới, một đất nước rất quy củ, đòi hỏi cao về văn hóa và tính logic. Họ cũng có nền âm nhạc, đặc biệt là nhạc hàn lâm đi đầu trên thế giới. Bản thân Tổng thống cũng là người rất đam mê, rất am hiểu jazz. Vì thế, làm thế nào để kết hợp được sự chặt chẽ và tính ngẫu hứng rất quan trọng", NSND Bùi Công Duy nói.
Vì thế, những người tổ chức đã đặt ra 3 yếu tố và sau đó chương trình cũng đáp ứng được. "Thứ nhất, khoe được jazz Việt, nhất là dân ca. Các bản jazz Việt Nam đó cũng thể hiện được hòa thanh với bố cục chặt chẽ. Thứ hai, biến tấu trên những bản nhạc đã vượt thời gian của Bach, Beethoven như bản nhạc lấy cảm hứng từ Giao hưởng Định mệnh của Beethoven, hay Air on the G String của Bach. Thứ ba, có những bản nhạc của Rolling Stone mà vị khách đặc biệt rất đam mê", NSND Bùi Công Duy cho biết.
Bản jazz Việt Ngày hội mùa của nhạc sĩ Quyền Văn Minh được lựa chọn là tác phẩm kết của chương trình, cũng do chính tác giả thể hiện. TS Nguyễn Mạnh chia sẻ, đó chính là giây phút mà ông thấy xúc động nhất. Tác phẩm này được viết năm 1994, nay đã tròn 30 năm, được khai thác từ làn điệu chèo.
"Một tác phẩm đúng là tinh thần jazz Việt, được giới thiệu với thế giới tại Nhà hát lớn Hà Nội. Vị thuyền trưởng jazz Việt cũng đã tập luyện với anh em trẻ miệt mài để có đêm diễn với 3 thế hệ jazz Việt", ông Nguyễn Mạnh nói.
Kể từ khi nhận được công điện giao việc chuẩn bị chương trình, cả 3 thế hệ jazz Việt đều đã miệt mài, giờ giấc chuẩn chỉ. "Anh em còn xác định đó là vinh dự quốc gia", TS Mạnh chia sẻ.
Trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội tối 23.1, có những standy ghi tên Khoa nhạc Jazz của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Buổi diễn cũng đánh dấu lần đầu tiên có một chương trình jazz 100% đón tiếp đoàn khách cấp cao.
Theo NSND Bùi Công Duy, trước đó jazz cũng từng xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật dành cho thượng khách, nhưng chỉ là các tiết mục đơn lẻ.
Bình luận (0)