Tôi đón chuyến xe điện T1 từ quảng trường Masséna ở trung tâm để lên Bệnh viện Pasteur, nơi có nhiều nạn nhân vụ khủng bố 14.7 đang được cứu chữa. Trên trạm dừng, ai đó mới dán lên hình ảnh người thân mất tích trong thảm kịch đêm Quốc khánh. Còn trước mũi xe là dòng chữ “Je suis Nice” màu đen.
“Tôi là Nice” và tôi đã kiệt sức
Dòng chữ “Je suis Nice” giản dị nhưng lúc bấy giờ cứ như một vết cứa vào tâm can tôi, nhức nhối và buồn vô tận. Nguyên nghĩa của câu này chỉ là “Tôi là Nice”, một cách bày tỏ sự sát cánh cùng người dân nơi xứ sở đẹp tươi nhưng lại vừa trải qua một thảm kịch kinh khiếp. Nguồn gốc trực tiếp của cách biểu thị ấy xuất phát từ vụ xả súng tại Paris hồi tháng 1 năm ngoái. Sau khi hai tay súng Hồi giáo cực đoan xông vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, bắn chết 12 người, nghệ sĩ Joachim Roncin đã bày tỏ sự đồng cảm của mình với tờ báo và các nạn nhân bằng cách đăng tải lên Twitter dòng chữ “Je suis Charlie”, ngay lập tức, khẩu hiệu ấy đã trở nên phổ biến khắp nước Pháp và lan rộng ra toàn cầu.
Giờ đây, mỗi khi có sự kiện khủng bố xảy ra, người ta lại giương cao khẩu hiệu theo công thức Je suis (Tôi là) + tên địa điểm xảy ra vụ khủng bố. “Je suis Nice” do đó là cách ngắn gọn nhất để biểu thị đầy đủ nhất sự sẻ chia với Nice và sự lên án hành động tàn ác của kẻ khủng bố.
Điều đáng buồn là khoảng giữa thời gian của “Je suis Charlie” và “Je suis Nice”, nước Pháp và thế giới đã xảy ra biết bao nhiêu sự kiện khiến người ta phải áp dụng cái công thức không hề mong đợi ấy. Đó là loạt đánh bom khủng bố tại Paris vào tháng 11.2015, là hai vụ tấn công ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 3 năm nay, rồi khủng bố tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Bangladesh, Baghdad (Iraq) và đặc biệt là vụ tấn công tại Orlando (Mỹ) cách đây chưa lâu. Khủng bố tiếp nối khủng bố, dòng chữ “Je suis…” mỗi lần hiện lên là một lần thế giới đã phải trải qua đau thương, mất mát.
Ngày thứ hai kể từ khi tôi xuống Nice để đưa tin vụ khủng bố bằng xe tải, tôi đã gặp một chuỗi thống kê các sự kiện kể trên. Giữa một góc tưởng niệm, nơi hoa được đặt xuống và nến được thắp lên, là một tấm giấy trắng ai đó vừa viết những dòng chữ mang tiền tố “Je suis…”: “Je suis Charlie”, “Je suis Paris”, “Je suis Bruxelles”, “Je suis Istanbul”, “Je suis Orlando”, “Je suis Baghdad”, “Je suis Bangladesh”, “Je suis Nice”… và cuối bảng danh sách này là “Je suis épuisé” (Tôi kiệt sức rồi). Tôi kiệt sức rồi, không viết tiếp được nữa. Tôi kiệt quệ rồi sau khi đã chịu đựng quá nhiều nỗi buồn như thế, và rồi sẽ còn phải chịu đựng điều gì nữa đây trong thế giới đầy bất an này? Bảng liệt kê ngắn gọn nhưng nói lên đầy đủ tâm trạng của một con người bị bủa vây bởi thực tại bất an này.
|
Sau Nice sẽ là gì nữa đây?
“Hãy biến xuống địa ngục đi”, một phụ nữ vừa hét vừa ném một vỏ chai xuống đống rác trước mặt. Đây chính là nơi sát thủ Mohamed Lahouaiej-Bouhlel bị bắn hạ sau khi lái xe ủi vào đám đông trong đêm Quốc khánh Pháp 14.7. Điểm cuối của quãng đường 2 km đầy hoa, nến và nước mắt tưởng niệm các nạn nhân là một đống rác dành cho kẻ giết người. Tại nơi đây, hầu hết người đi qua đều ném rác, khạc nhổ hoặc ném lời nguyền rủa. Có những ông bố dắt theo con nhỏ tới cùng nhổ nước bọt vào nơi này. Mỗi lúc, đống rác ở đây lại cao thêm, nỗi oán hận, cơn giận dữ cũng theo đó dâng lên.
Sự phẫn nộ trước cái ác, và ở một chừng mực nào đó bao gồm cả nỗi bất lực, đã biến thành hành động phỉ nhổ vào hung thủ. Sau mỗi mẩu rác được ném ra, có lẽ người ta sẽ có cảm giác rõ hơn rằng mình đang đứng về phía thiện lương, rằng mình đang lên án cái ác. Nhờ đó mà có lẽ vết thương trong thẳm sâu tâm hồn, sau tất cả những tai ương, bớt nhức nhối hơn một chút chăng? Tôi không rõ, chỉ biết rằng trong lúc này đây, người ta cần làm một cái gì đó, không phải để tiêu diệt cái ác thì cũng là để tự chữa lành cho chính mình.
Và không chỉ trút giận lên kẻ khủng bố, người dân còn bày tỏ sự không hài lòng đối với chính quyền. Vào buổi trưa diễn ra lễ tưởng niệm chính thức ở Nice, Thủ tướng Manuel Valls đã bị la ó. Ông này và Tổng thống Francois Hollande hiện là mục tiêu của nhiều lời chỉ trích nặng nề. Có thể thấy, mặc dù chính phủ luôn cam kết mạnh mẽ, tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố, nhưng có một điều rõ ràng là nước Pháp đang trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Trong chưa đầy hai năm đã xảy ra ba đợt khủng bố nghiêm trọng, chưa kể những vụ nhỏ hơn. Máu và nước mắt đã rơi quá nhiều ở Paris, ở Nice và nhiều nơi khác. Không một ai muốn rằng rồi đây họ sẽ lại phải viết câu “Je suis…” một lần nữa.
Nhưng thực tế lại bắt buộc người ta luôn phải đặt ra câu hỏi: Sau Nice sẽ là gì nữa đây?
Bình luận (0)