Jeju - Đảo quê

29/10/2011 18:55 GMT+7

(TNTS) Jeju - hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc, cách Seoul hơn nửa giờ bay, được gọi với nhiều cái tên ấn tượng: Đảo thiên đường, trung tâm điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc, chốn trăng mật lý tưởng, đảo đá đen, đảo núi lửa, đảo du lịch… tùy theo cảm nhận của mỗi người. Riêng tôi thích gọi Jeju là đảo Quê.

Tỉnh Jeju hay đảo Jeju, còn gọi là tỉnh Tế Châu, đặc khu tự trị, là di sản thiên nhiên thế giới, có diện tích 1.845 km2, đoạn rộng nhất 41 km, đoạn dài nhất 73 km.  Không sầm uất, hiện đại và nhộn nhịp như Seoul, Jeju hớp hồn và níu chân du khách bởi nét nguyên sơ thanh bình của thiên nhiên và tính cách hào phóng, hiếu khách của người dân bản địa. Jeju đẹp lặng lẽ như một thôn nữ làng chài. Thông qua điện ảnh và truyền hình, Jeju được trang điểm thêm chút đỉnh để trở thành hoa hậu của thế giới. Mọi người tìm đến đảo trước hết bởi sự hấp dẫn của các diễn viên như Jang Dong Gun, Ko So Young, Dae Young Joon, Kim Youn Jin, Lee Byung Hun, Choi Jin Sil, Lee Young Ae… từ hàng loạt bộ phim Hàn Quốc tạo nên “cơn sốt du lịch Jeju” như: Gió thổi khúc tình yêu (Love Wind Love Song), Báu vật hoàng cung còn gọi là Nàng Dea Jang Geum (Jewel in the Palace), Săn nô lệ (The Slave Hunters), Một cho tất cả (All In), Ngày xuân (Spring Day)... Ảnh của các diễn viên thần tượng được phóng lớn như thật tại những điểm quay. Đến đảo này, du khách không ai bỏ qua cơ hội “chụp ảnh chung” với nhân vật mình yêu thích.

 
Ảnh: shutterstock

Jeju là “con gà đẻ trứng vàng” của du lịch Hàn Quốc. Mỗi năm đảo đón hơn 5 triệu khách quốc tế, bằng số lượng du khách của cả Việt Nam. Jeju là 1 trong 10 đảo lãng mạn nhất của thế giới nên cũng là “chốn thiên đường trăng mật”, “nơi hò hẹn tình yêu” lý tưởng của lứa đôi. Dân Jeju tự hào với 3 KHÔNG: Không có ăn xin và bán hàng rong; Không có nạn ăn cắp; Không cần đóng cửa nhà. Jeju còn độc đáo bởi 5 thứ: Đá - Gió - Phụ nữ - Quýt - Hoa, nhất là hoa cải.  Có người gọi Jeju là “đảo đá đen”, loại đá có nguồn gốc hàng triệu năm trước từ nham thạch núi lửa. Đá đen có mặt khắp nơi, trở thành một phần tất yếu của Jeju. Đá ngoài bãi biển, chỗ sừng sững như tường thành, chỗ thoai thoải tạo dáng. Đá nằm hai bên đường, đá xếp thành bờ rào bờ thửa hay nép mình duyên dáng trong công viên...

Đỉnh Seongsan, phía đông cuối đảo, là miệng núi lửa có đường kính hơn 600m, sâu gần 100m, có 99 tảng đá ngọn bao quanh, là nơi đón bình minh cực đẹp của Jeju nên còn gọi là đỉnh Nhật Xuất. Đỉnh Halla, ngay trung tâm đảo, cao gần 2.000m là miệng núi lửa và là hồ nước mênh mông. Halla là ngọn núi thiêng, cội nguồn của Jeju, có truyền thuyết về sự sống của thượng đế. Vườn quốc gia Halla có hệ sinh thái bán nhiệt đới lẫn ôn đới rất đa dạng. Đến thăm Yeongduam Rock - mỏm đá Đầu Rồng, tôi hơi thất vọng. Cả hình dáng và quy mô thua xa ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên. Nhưng nhờ biết PR nên du khách vào ra nườm nượp. Jeju cũng có ghềnh đá đĩa tương tự ở Jusangjeolli. Đá trở thành quà lưu niệm đặc trưng. Những bức tượng bán thân Dol Harubang - Tổ phụ của Hàn Quốc được tạc bằng đá nâu xám hoặc đen, đủ kích cỡ. Người bản xứ tin rằng, ai muốn có con trai cứ đem Tổ phụ về thờ và sờ vào mũi. Đá còn được biến thành các con giáp và vật trang trí. Rải rác có những cột đá xếp chồng thành hình tháp chuông để du khách đi ngang nhét các viên sỏi vào cầu may, cầu an cho bản thân và gia đình.

Biển Jeju trong xanh nhưng chỉ vài bãi có cát trắng, còn đa phần là đá. Thấy nhiều cục đá đẹp, tôi định nhặt đem về làm kỷ niệm liền được hướng dẫn viên nhắc nhở: “Đừng lấy, ra sân bay sẽ bị thu lại. Phải mua đá ở các cửa hàng lưu niệm đã chế tác”. Đem chuyện này hỏi Ku Su Jeong - một người bạn Hàn là tiến sĩ lịch sử Việt Nam, sống ở Việt Nam mấy chục năm và đã đi không sót chỗ nào, Ku cười và nói: “Ở Jeju và cả Hàn Quốc, đá là tài sản quốc gia, không ai được lấy. Chỉ có thể mua đá sản phẩm”. Chả bù cho ở ta, có thể mua và bán cả... núi đá.

Ở Jeju phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Họ có tính cách mạnh mẽ, độc lập, đảm trách nhiều công việc nặng nhọc nhưng vẫn chu toàn thiên chức làm mẹ và nội trợ. Tượng đá phụ nữ “oằn lưng cõng nước” xuất hiện nhiều trên đảo là ghi nhận sự hy sinh lặng thầm của họ. Nhờ khí hậu bán nhiệt đới và thổ nhưỡng núi lửa ven biển nên quýt Jeju quanh năm tươi tốt, có vị ngọt thanh, dịu rất lạ, ăn một lần là nhớ. Jeju trồng rất nhiều hoa và rất nhiều cải - một trong những nguyên liệu chính để làm kim chi. Vào mùa, bông cải khoe sắc vàng rực khắp đảo. Điều lạ là Jeju có nhiều nước ngọt, có cả sông và thác ven biển.

Đến “Con đường bí ẩn” (Mistery Road) tôi nghĩ ngay tới “Những bàn xoay kỳ diệu” ở Đà Lạt. “Chuyện nhỏ như con thỏ” được biến thành con voi để du khách tò mò đổ xô về khám phá: Đoạn đường hơn 100m, xuống rồi lên dốc thoai thoải mà xe hơi tắt máy vẫn tự động leo dốc được. Có người còn chứng minh sự bí hiểm bằng cách đổ nước ra đường, nước chảy xuôi còn xe trôi ngược!? Hai bên đường có những nghĩa trang kỳ dị càng làm cho “Con đường bí ẩn” thêm ma quái. Thật ra mọi thứ chỉ là ảo giác cộng thêm sự sắp xếp khéo léo của con người. Đấy chính là nghệ thuật làm du lịch.

Đến Jeju, tôi thích nhất là vào thăm làng dân tộc Seongup, thủ phủ của bộ tộc Cheongeui Hyeon từ đầu thế kỷ XV. Được chọn làm bối cảnh phim Báu vật hoàng cung, Seongup còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nhiều nét văn hóa đặc trưng của cư dân Jeju. Ngay cổng làng là chiếc thuyền đánh cá lớn - biểu tượng nghề nghiệp của dân đảo. Đường vào làng cây cỏ xanh tươi rợp bóng, khoe sắc với đủ loại hoa. Mùa này, cây cối Jeju đẹp như tranh thủy mặc. Cả rừng lá nhuộm sắc vàng đỏ rực rỡ giữa trời thu. Ở Jeju mọi thứ đều được chăm chút và bảo tồn. Mấy ngôi mộ cổ được cải tạo thành cảnh đẹp giữa bãi cỏ mướt xanh. Những đám cỏ lau hoang sơ, điệu đàng giữa những luống hoa đài các. Tôi thích tản bộ trên những con đường làng tĩnh lặng, dưới bóng cây râm mát, ngắm nhìn những đồ dùng sản xuất, sinh hoạt và vật nuôi quen thuộc. Có cảm giác đang ngược thời gian về chốn xa xưa. Dưới những tán cây lưu niên là hàng rào đá được sắp xếp tỉ mỉ. Thoạt nhìn có vẻ giống nhau nhưng rất khác. Hàng trăm ngôi nhà cổ kính, xinh xắn; tường xây đá đen, mái lợp cỏ tranh - những nguyên liệu có sẵn trên đảo. Nhìn xa tựa như những chiếc nấm khổng lồ trong cổ tích. Thi thoảng có vài kiến trúc lớn hơn hẳn của tầng lớp thượng lưu ngày xưa. Dù lớn hay nhỏ, nhà nào cũng có hàng rào nhưng không có cổng. Ngay cổng vào sân luôn có 2 tảng đá lớn, khoét mấy lỗ để gác các thanh gỗ hờ chắn ngang “thay lời muốn nói” - 3 thanh: chủ nhà (đa phần là phụ nữ) đi vắng mấy ngày - 2 thanh: đi vắng trong ngày - 1 thanh: chịu khó đợi sẽ về ngay - Không có thanh nào: xin mời vào…

Làng Soengup là bảo tàng sống ngoài trời của Jeju, từ cách học hành đến sinh hoạt. Điều thú vị là làng vẫn có ngư dân sinh sống bình thường mà không phá vỡ nét đẹp cổ xưa. Để Jeju được như hôm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích mọi người bảo tồn văn hóa. Nhà nước miễn phí tiền học, giảm tiền điện nước cho dân đảo, đào tạo nghiệp vụ du lịch cho chủ nhà, hỗ trợ các đoàn làm phim... Gần đây là miễn visa cho du khách đến Jeju. Jeju còn có nhiều điểm hẹn kỳ thú như: Bảo tàng Gấu bông Teddy với lịch sử hơn 100 năm xuất hiện; Công viên Love Land - chỉ dành cho du khách trên 18 tuổi, trưng bày hình ảnh, giới thiệu về giới tính và nghệ thuật tình dục...

Mấy ngày lang thang ở đảo, tôi thấy... thương những miệng núi lửa ở Việt Nam. Đá Ba Chồng ở Định Quán bị nhà dân “nhốt” không còn chỗ thở, còn miệng núi lửa thì chẳng ai dòm ngó. Đảo Lý Sơn có cấu trúc và thổ nhưỡng tương tự Jeju với đá đen và những miệng núi lửa, thế nhưng miệng núi lửa Thới Lới ở đảo Lớn xưa là rừng nguyên sinh, giờ xác xơ cỏ dại. Trên đảo dân cư chen chúc và du lịch mới chỉ là khái niệm mon men đến với bà con, dù đảo có nhiều cảnh đẹp. Cái tật của tôi, đi đâu cũng nhớ quê, cũng hay liên tưởng và suy nghĩ, trăn trở nên chẳng có cuộc vui nào trọn vẹn...

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.