JICA than phiền về việc Việt Nam 'chậm chi trả nghiêm trọng' ở một số dự án

Vũ Hân
Vũ Hân
07/05/2019 20:02 GMT+7

Than phiền về tình trạng chậm giải ngân vốn, không ký kết được hợp đồng vay mới, “chậm chi trả nghiêm trọng” với một số dự án đang thực hiện, JICA cho rằng điều này có thể gây quan ngại về môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Chiều 7.5, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có báo cáo tổng kết tài khóa 2018 cũng như định hướng hợp tác trong năm 2019 với Việt Nam.
Theo tổng kết của JICA, từ tháng 4.2018 đến hết tháng 3.2019, Việt Nam và Nhật Bản không ký kết thêm hiệp định vay vốn mới, chỉ giải ngân các dự án cũ khoảng 70,2 tỉ Yên. Hiện có 29 dự án của JICA đang được triển khai tại Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Việt Nam chỉ ký kết với Nhật Bản 6 dự án hợp tác kỹ thuật và 1 thỏa thuận viện trợ không hoàn lại (chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản). Hiện cũng có 34 dự án hợp tác kỹ thuật đang được triển khai…
Sau giai đoạn 2014 – 2016 cả vốn cam kết và vốn giải ngân của Nhật Bản đều đạt được rất cao (năm 2014, số vốn cam kết là 82,7 tỉ Yên, nhưng số vốn giải ngân gần gấp đôi, đạt 147,5 tỉ Yên; năm 2015 vốn cam kết đạt 189,9 tỉ và giải ngân đạt 179,5 tỉ; năm 2016, vốn cam kết đạt 187,1 tỉ và giải ngân 175,6 tỉ),  nhưng đến 2018 thì đứng khựng lại với việc không hợp đồng vay vốn nào được ký kết.
Phía JICA tổng kết, cho đến nay, vẫn còn 5 dự án đã lên kế hoạch nhưng chưa ký hiệp định vốn vay với số vốn cam kết 114,069 tỉ Yên, trong đó có 4 dự án đã thông báo từ năm 2017 (dự án tăng cường năng lực đảm bảo an ninh trên biển, dự án cải thiện môi trường nước Hạ Long, dự án ứng phó biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai thông qua sử dụng vệ tinh quan sát trái đất (giai đoạn 2) và dự án tăng cường môi trường đầu tư tỉnh Hà Nam), 1 dự án thông báo từ tháng 5.2018.
Vấn đề chậm giải ngân và không ký kết được hợp đồng vay mới không chỉ xảy ra với JICA mà với tất cả các đối tác phát triển của Việt Nam, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á... do nợ công của Việt Nam đã gần chạm trần, vướng mắc của luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Konaka Tetsuo bày tỏ “rất tiếc do ảnh hưởng của chính sách hạn chế và quản lý nợ công, và do chậm trễ về thủ tục hành chính… nên trong tài khóa vừa qua đã không có dự án vốn vay ODA mới nào được cam kết, mặc dù đây đều là các dự án trọng điểm mà phía Việt Nam đề xuất và phía Nhật Bản đã chấp thuận hỗ trợ”.
“Trong bối cảnh này, tôi mong muốn sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Việt Nam để có thể nhanh chóng đi đến ký kết hiệp định vay vốn đối với các dự án quan trọng này”, ông Konaka Tetsuo nói.
Bên cạnh đó, ông này cũng đề cập đến “vấn đề chậm chi trả nghiêm trọng đối với một số dự án đang thực hiện, mà tiêu biểu là dự án đường sắt đô thị ở TP.Hồ Chí Minh”. Năm 2018, phía Nhật Bản đã từng đe dọa ngừng dự án  này vì phía Việt Nam chậm thanh toán. Đến 2019, Nhật Bản cũng tiếp tục kêu ca về dự án, cho đến khi Bộ Chính trị phải cho ý kiến, dự án mới được tiếp tục.
Ông Konaka Tetsuo cho rằng “những bất cập liên quan đến giải ngân vốn như trên có thể sẽ gây những quan ngại về môi trường đầu tư ở Việt Nam”. Vì vậy, JICA “sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam để giải quyết các vấn đề này”.
Cũng theo JICA, từ những năm 2000, các công trình như đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc, cảng biển nước sâu… có quy mô lớn hơn, độ khó về kỹ thuật cao hơn. Các dự án vay vốn JICA cũng tập trung chủ yếu vào các công trình hạ tầng cơ bản như giao thông (46%), điện lực (24%).
Trong số các nhà thầu chính trúng dự án vay vốn Nhật Bản, chiếm cao nhất là nhà thầu Việt Nam, tiếp đó đến Nhật Bản. Một số nhà thầu Hàn Quốc, Trung Quốc cũng trúng thầu các dự án này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.