Nhà chức trách Thụy Điển muốn thẩm vấn ông Assange về các cáo buộc hiếp dâm và tấn công tình dục hai cựu nữ tình nguyện viên thuộc tổ chức WikiLeaks của ông tại Stockholm vào năm ngoái.
Nhà sáng lập 40 tuổi người Úc bị bắt tại Anh vào tháng 12 năm ngoái và đã kháng cáo quyết định dẫn độ sang Thụy Điển được một tòa án cấp dưới ở Anh ban hành vào tháng 2.
Với quyết định trên, Assange có thể bị dẫn độ sang Thụy Điển trong vòng 10 ngày mặc dù nhiều khả năng thời điểm sớm nhất mà ông đặt chân đến Thụy Điển là vào ngày 26.11.
|
Theo tờ The Guardian, Assange có 14 ngày để kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, mọi kháng cáo đến Tòa án Tối cao, cơ quan tư pháp cao nhất của Anh, chỉ được xem xét nếu nó nêu lên một vấn đề quan trọng với lợi ích công cộng. Hãng BBC dẫn lời luật sư của ông này cho biết thân chủ ông sẽ kháng cáo.
Assange đã lập luận rằng lệnh truy nã của Liên minh châu u mà theo đó ông bị bắt được ban hành bởi một công tố viên chứ không phải một tòa án nên nó vô giá trị. Tuy nhiên, tòa án ở Anh phán quyết rằng lệnh truy nã đã được các thẩm phán Thụy Điển thẩm tra độc lập.
Họ cũng bác bỏ những khẳng định của ông Assange rằng các tố giác của hai người phụ nữ về việc quấy rối tình dục và hiếp dâm không được xem là tội phạm theo luật Anh.
Một người phụ nữ tố cáo rằng ông Assange đã quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp bảo vệ với cô ta trong lúc cô ta đang ngủ. Các thẩm phán đã bác bỏ lập luận của luật sư bên phía ông Assange rằng quan hệ tình dục đồng thuận với điều kiện có sử dụng bao cao su vẫn mang tính đồng thuận khi bao cao su không được sử dụng.
“Rõ ràng các tố cáo là ông ta đã quan hệ tình dục với cô ta khi cô ta không đồng thuận và vì thế ông ta không thể có bất kỳ niềm tin hợp lý nào về việc cô ta đồng thuận”, phán quyết nói.
Ông Assange vốn phủ nhận các cáo buộc về tội hiếp dâm của mình, tuyên bố chúng liên hệ đến việc WikiLeaks công bố hàng trăm ngàn tài liệu mật ngoại giao của Mỹ vốn làm bẽ mặt nhiều chính quyền trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
|
Diễn biến vụ WikiLeaks và Julian Assange 5.4.2010 - Nhóm WikiLeaks công bố một băng ghi hình vào năm 2007 quay cảnh một trực thăng Mỹ tấn công và giết chết 12 người tại Baghdad, Iraq, bao gồm hai nhân viên của hãng Reuters. Tám ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ Robert Gates công kích WikiLeaks, nói rằng tổ chức này công bố băng ghi hình mà không giải thích về bối cảnh của tình huống. 7.6.2010 - Quân đội Mỹ thông báo binh nhì Bradley Manning, người được triển khai đến Baghdad, đã bị bắt vì liên hệ đến vụ tiết lộ tài liệu mật. 25.7.2010 - Hơn 91.000 hồ sơ, phần lớn là báo cáo mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan được công bố tại địa chỉ WikiLeaks.org. 22.10.2010 - WikiLeaks công bố khoảng 400.000 tài liệu mật của quân đội Mỹ ghi chép về cuộc chiến Iraq từ năm 2004 đến 2009. Đây là vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. 18.11.2010 - Một tòa án ở Thụy Điển ra lệnh bắt Assange sau một cuộc điều tra vào tháng 9 của các công tố viên về những cáo buộc hiếp dâm và quấy rối tình dục và cưỡng bức. 28.11.2010 - WikiLeaks tiết lộ hàng ngàn bức điện tín ngoại giao của Mỹ bao gồm nhận xét “toạc móng heo” về các lãnh đạo nước ngoài và những phân tích về mối đe dọa an ninh. 30.11.2010 - Luật sư của Assange, Bjorn Hurtig, đệ đơn kháng cáo lệnh bắt lên Tòa thượng thẩm Thụy Điển. Tòa án Thụy Điển từ chối cho phép Assange kháng cáo vào ngày 2.12. 7.12.2010 - Assange bị cảnh sát Anh bắt theo một lệnh truy nã của Liên minh châu u được Thụy Điển ban hành và bị giam giữ sau khi một thẩm phán từ chối cho phép ông được bảo lãnh tại ngoại. Công tố viên Thụy Điển Marianne Ny nói vụ án hiếp dâm chống lại ông Assange là vấn đề cá nhân và không liên quan đến việc ông này tiết lộ điện tín ngoại giao mật của Mỹ. 8.12.2010 - Úc đổ trách nhiệm cho Mỹ trong vụ WikiLeaks công bố tài liệu ngoại giao và nói Assange không phải chịu trách nhiệm trong vụ này. 11.12.2010 - Một nhóm các tin tặc ủng hộ WikiLeaks phát động cuộc tấn công những tổ chức được xem là thù địch với WikiLeaks. Nhóm tin tặc Anonymous (Nặc danh) đã tạm thời đánh sập website của các hãng tín dụng MasterCard và Visa, những hãng khước từ việc cung cấp dịch vụ cho WikiLeaks. 13.12.2010 - Assange phát biểu trong một đoạn băng tài liệu rằng ông đối mặt với việc bị truy tố bởi Mỹ và thất vọng về cách hệ thống tư pháp của Thụy Điển bị lạm dụng. 14.12.2010 - Một thẩm phán Anh cho phép Assange được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 317.400 USD. Các công tố viên đại diện cho nhà chức trách Thụy Điển nói họ sẽ kháng cáo quyết định của tòa án Anh. 16.12.2010 - Tòa thượng thẩm London giữ nguyên quyết định cho Assange được tại ngoại hậu tra. 24.2.2011 - Một thẩm phán Anh phê chuẩn yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển để đối mặt với các cáo buộc hiếp dâm. Luật sư của Assange nói ông này sẽ kháng cáo. 24.6.2011 - Assange thuê một đội ngũ luật sư mới, thay thế ông Mark Stephens bằng luật sư nhân quyền nổi tiếng Gareth Peirce. 13.7.2011 - Các thẩm phán trì hoãn ra quyết định về việc dẫn độ Assange. 25.8.2011 - WikiLeaks công bố thêm hàng ngàn điện tín ngoại giao của Mỹ mà tổ chức này thu thập được. 28.9.2011 - Assange phàn nàn về việc phát hành cuốn hồi ký chưa được ông ủy quyền. 24.10.2011 - Assange thông báo WikiLeaks sẽ dừng việc công bố các điện tín mật và chuyển sang gây quỹ nếu không thể ngăn các công ty Mỹ như Visa và MasterCard ngừng việc cung cấp dịch vụ vào cuối năm 2011. 2.11.2011 - Tòa thượng thẩm London phán quyết Assange sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển. |
Sơn Duân
>> Nhà sáng lập WikiLeaks bị bác đơn xin tại ngoại
>> Nhà sáng lập WikiLeaks bị bắt
>> Thụy Điển ra lệnh bắt nhà sáng lập WikiLeaks
Bình luận (0)