Julien, Quyên và hành trình săn ảnh, tìm chữ cho Pot - Au - Phở

Tố Tâm
Tố Tâm
20/04/2018 11:50 GMT+7

Julien Brun và Nguyễn Dạ Quyên là tác giả triển lãm Pot-Au-Phở-Dấu ấn Pháp trong tiếng Việt đang diễn ra tại TP.HCM. Cả hai đã có những chia sẻ về hành trình 6 năm săn ảnh, tìm chữ cho triển lãm thú vị này.

Julien Brun là người Pháp, đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm, đam mê nhiếp ảnh từ năm lên 10. Julien từng là Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Pháp tại TP.HCM và hiện là thành viên hội đồng Hiệp hội thương mại Pháp tại TP.HCM. Pot-Au-Phở là triển lãm ảnh đầu tiên của Julien.
Nguyễn Dạ Quyên tự học và sáng tác ảnh, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM. Trước Pot-Au-Phở, Quyên đã có 7 triển lãm ở Việt Nam và nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Quyên từng đoạt giải thưởng Sáng tạo châu Á 2014 tại Nhật Bản do Asian Creative Network tổ chức .
Julien và Quyên tại triển lãm 
Tại triển lãm Pot-Au-Phở-Dấu ấn Pháp trong tiếng Việt, Julien và Quyên giới thiệu 60 bức ảnh được trưng bày tại Toong (126, Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM). Những ảnh này được sáng tác ở nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam như Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Sa Đéc, Cao Lãnh, Sóc Trăng, TP.HCM… Tất cả 60 ảnh đều là đen trắng để làm nổi bật màu sắc của chi tiết ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Một điểm đặc biệt là các ảnh tại triển lãm không có tiêu đề và người xem sẽ tự khám phá những từ tiếng Việt có sự giao thoa với tiếng Pháp được ẩn chứa trong đó.
Một tác phẩm tại 'Pot-Au-Phở'
*Vì sao hai bạn quyết định cùng nhau thực hiện dự án Pot-Au-Phở?
Nguyễn Dạ Quyên: Trong một dịp tình cờ, tụi mình phát hiện ra nhiều từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Pháp mà mình sử dụng hằng ngày nên quyết định thực hiện dự án này. Cả mình và Julien đều là những người bình thường đi làm và nghệ thuật là cái tụi mình chèn vào cuối tuần. Julien chuyên về âm thanh, âm nhạc, mình chuyên về hình ảnh, vẽ tranh. Nhưng đây là dự án cả hai tìm được điểm chung về vấn đề ngôn ngữ, khi đi sáng tác thì cả hai cũng phải đi chung vì Julien không rành tiếng Việt nên mình sẽ là người hỗ trợ tìm các từ ngữ có thể chụp được trong bức ảnh, còn 95% ảnh là do Julien cầm máy. Ban đầu tụi mình định thực hiện triển lãm dự án vào năm 2017 nhưng những người bạn Pháp khuyên nên để năm nay là tròn năm kỷ niệm 45 thiết lập ngoại giao Việt Nam-Pháp thì sẽ ý nghĩa hơn.
Julien và ông Vincent Floreani-Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM ẢNH; NVCC
* Các bạn có thể kể lại quá trình sáng tác ảnh như thế nào trong 6 năm qua để có được 60 bức ảnh cho triển lãm Pot-Au-Phở?
Nguyễn Dạ Quyên: Tụi mình đã đi nhiều nơi nhưng mỗi nơi có khi chỉ chọn được vài ảnh ưng ý. Vì ảnh chụp mang tính không sắp đặt, tự nhiên, nên nhiều tình huống khi chụp rất hay nhưng lên ảnh bị mờ, phải bỏ hết và phải đi lại.
Trong quá trình làm, nếu chỉ lấy 60 ảnh thì rất dễ, đi một nơi có thể chụp rất nhiều nhưng vấn đề là nét mặt, khuôn hình, con người và đồ vật mình kiếm được trong khung ảnh đó tương tự nhau nên cần thay đổi để đa dạng cho người xem.
Bức ảnh chuyển tải từ áo may-ô (Maillot) và quần cụt (Courte)
Ví dụ ở Hội An, tụi mình chụp được nhiều "từ" nói về Âu phục, trang phục, chất liệu, thời trang…; về miền Tây Nam bộ thì tìm thấy hình ảnh các đồ vật trong gia đình; ở xung quanh Sài Gòn thì tìm được những từ về phương tiện giao thông; ở Hà Nội là những từ về kiến trúc… Ngoài ra, cùng một đề tài như bán thịt, nếu chụp buổi sáng thì thấy người bán có vẻ tươi hơn, còn chụp buổi chiều cảm giác vẻ mặt người bán lo lắng hơn. Tụi mình vẫn phải đi nhiều lần chỉ để chụp một đề tài vì nếu chỉ chụp đồ vật như một ly cà phê thì rất bình thường, nhưng chụp có sự tương tác với con người thì sẽ có cảm xúc hơn. Đặc biệt, những người nước ngoài khi xem ảnh sẽ thấy được cảnh sinh hoạt đời thường ở Việt Nam.
Một số bạn hỏi vì sao nhân vật trong một số ảnh không thấy vui, phải cười mới vui. Mình bảo rằng đây là đời thường, không phải cứ cười là tốt, trong cuộc sống phải có lúc này lúc kia, lúc vui vẻ, lúc lo lắng.
Bức ảnh nảy muốn nói đến từ thịt phi-lê (Filet)
* Các bạn có ý tưởng thực hiện triển lãm ảnh nhưng không có các tiêu đề cho tác phẩm, vì sao?
Nguyễn Dạ Quyên: Trước khi thực hiện triển lãm, tụi mình đã in một sách ảnh nhỏ để tham khảo ý kiến bạn bè cả người Pháp và người Việt. Khi làm sách ảnh, tụi mình làm sẵn một từ tiếng Việt và một từ tiếng Pháp cho hình ảnh đó, kết quả là người xem không có tính bất ngờ.
4 triển lãm cá nhân của Quyên gần đây đều không có tiêu đề vì mình nghĩ tiêu đề sẽ áp đặt ý kiến của mình vào nhận định của người xem, làm mất đi tính bất ngờ. Triển lãm lần này cũng vậy, khán giả xem triển lãm đã chỉ ra cho mình nhiều cái mới, chẳng hạn một tấm ảnh với chủ đề chính là xăng nhưng người xem lại phát hiện thêm nhiều từ khác trong đó (lít, bi-đông...), rất thú vị.
Dạ Quyên tại triển lãm ẢNH: TỐ TÂM
* Hai bạn mong muốn chuyển tải điều gì qua triển lãm này?
Julien: Tôi đã ở Việt Nam 13 năm. Điều khiến tôi thích thú và ngạc nhiên sau hơn 13 năm sống tại đây là những nét giao thoa, điểm kết nối trong văn hóa Việt - Pháp, dù văn hóa hai nước có thể khác nhau. Chúng tôi biết là giữa Việt và Pháp có những điểm giao thoa trong văn hóa, lịch sử hai nước, và đôi khi theo thời gian, những điểm giao thoa ấy sẽ mờ đi. Chúng tôi chỉ là làm sống lại, nhắc nhớ lại một ít điểm kết nối ấy. Ví dụ qua dự án này, người Pháp và người Việt sẽ cảm thấy thú vị về những điểm giao thoa ấy giữa hai nước qua từ ngữ, và trong một dự án khác có thể sẽ là ẩm thực.
* Xin cám ơn hai bạn về những chia sẻ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.