Tỷ số sút cầu môn là 31-14 nghiêng về Juventus. Trận lượt đi cũng không khác mấy. Nhưng tóm lại, tỷ số chung cuộc là hòa, và Porto đi tiếp nhờ quy định "bàn thắng trên sân đối phương" - mỗi đội đều ghi 1 bàn trong hiệp phụ.
Lối chơi thiên về tấn công và số bàn thắng ghi được hiếm khi đi đôi với nhau - đấy là sự trớ trêu thường thấy trong bóng đá đỉnh cao. Không riêng gì Champions League, các giải VĐQG quan trọng ở châu Âu vẫn cho thấy điều này hàng tuần.
Mới đây, M.U bất ngờ thắng Man City 2-0 trong trận derby thành Manchester ở Premier League. Đấy là trận đấu mà ngoài thủ môn Ederson và trung vệ Ruben Dias, mọi cầu thủ còn lại trong đội hình Man City đều tham gia bắn phá khung thành M.U. Số lần sút bóng của Man City nhiều gấp 3 lần đối phương. Hoặc như trận derby Madrid cũng vừa diễn ra trong vòng đấu vừa qua tại La Liga: Real Madrid giữ bóng và tấn công nhiều hơn hẳn, nhưng phải vất vả lắm mới có thể gỡ hòa 1-1 trước Atletico.
|
Vấn đề đầu tiên là chất lượng sút cầu môn - dĩ nhiên. Giới chuyên môn sẽ còn phải mổ xẻ kỹ pha ghi bàn của Luis Suarez vào lưới Real, để thấy rõ hơn về đẳng cấp chuyên môn của một chân sút thượng thừa. Khi mà các đội tấn công nhiều, sút bóng nhiều rút cuộc lại không rời sân với chiến thắng, thì điều đầu tiên lộ ra là kỹ năng dứt điểm không cao, hoặc độ khó của tình huống dứt điểm quá cao. Điều này phần nào nói lên sự tấn công không hiệu quả. Nhưng, vấn đề không chỉ xoay quanh tình huống dứt điểm.
Mùa này, Bayern Munich là đội đầu tiên đạt đến cột mốc ghi 100 bàn. Không có gì lạ, bởi họ hoàn toàn vượt trội ở Bundesliga. Nhưng ít người biết: đội đầu tiên sau Bayern vừa đạt đến cột mốc ghi 100 bàn trong mùa này lại là Tottenham của "chuyên gia phòng ngự" Jose Mourinho. Ông nói, hơi mỉa mai, sau trận thắng Crystal Palace 4-1 cuối tuần qua: "Ghi 100 bàn khi mùa bóng chỉ mới ở vào tháng 3, đây có lẽ là thành tích không tồi đối với một đội bóng luôn chơi phòng thủ tiêu cực"!
|
Nhìn chung, nói về cách tiếp cận trận đấu thận trọng và sở trường phòng thủ, thì M.U của Ole Gunnar Solskjaer cũng không thua gì Tottenham của Mourinho. Nhưng ở Premier League, số bàn thắng hiện có của M.U chỉ thua mỗi Man City khét tiếng (và chỉ thua đúng 1 bàn). Ngược lại, người ta gọi HLV Marcelo Bielsa của Leeds United là "gã điên" (El Loco) vì ông này say mê lối chơi thiên về tấn công đến mức ám ảnh. Luôn cố ghi bàn, bất chấp nguy cơ thủng lưới! Leeds đang đứng thứ 11 (không tồi đối với một đội vừa thăng hạng). Từ vị trí của họ trở lên, Leeds là đội duy nhất ở Premier League hiện có số bàn thua nhiều hơn bàn thắng. Nhưng dù luôn lấy mục tiêu ghi bàn làm ưu tiên 1, Leeds vẫn ghi bàn ít hơn Tottenham, hoặc Chelsea - đội đang để lại dấu ấn sâu đậm bởi đặc điểm hầu như không thể thủng lưới từ khi tân HLV Thomas Tuchel cầm quân.
Bóng đá không có quy luật "tấn công tất thắng" (chứ nếu ngược lại, người ta phòng thủ làm gì). Bóng đá chỉ có quy luật: hễ chưa thủng lưới, bạn luôn còn nguyên cơ hội chiến thắng.
Trong cuộc sống có câu "nói ít thì sai ít". Trong bóng đá có câu "giữ bóng ít thì mất bóng cũng ít". Các đội như Chelsea, Tottenham, M.U, Atletico Madrid, Porto... đang là những dẫn chứng tiêu biểu, cho thấy một điều tuyệt vời trong bóng đá: chơi đúng cách, bạn vẫn sẽ ghi bàn, chiến thắng, mà không nhất thiết cứ phải chăm bẵm tấn công! Cần thêm dẫn chứng ngược lại? Cứ đơn giản nhìn vào Liverpool của Juergen Klopp và Juventus cùng Cristiano Ronaldo!
Bình luận (0)