Người dân liên tục phản ánh
Thấy sà lan chở cọc bê tông đến đóng kè chống sạt lở trên phần đất bãi bồi nằm sát chân cầu Tân Tạo (thuộc ấp An Thạnh, xã An Bình, H.Long Hồ, Vĩnh Long), người dân gần đó đã gửi đơn kiến nghị đến UBND xã An Bình cùng một số cơ quan chức năng của H.Long Hồ và tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu xử lý vì cho rằng phần đất này là đất công đã bị chiếm dụng trái phép. Tuy nhiên, sự việc chậm xử lý, để công trình thi công gần hoàn thiện, khiến nhiều người dân bức xúc.
Đơn kiến nghị của người dân phản ánh các dấu hiệu vi phạm của vụ việc, được gửi liên tục đến rất nhiều cơ quan chức năng từ giữa tháng 1.2022 yêu cầu xác minh, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, đến ngày 10.2, cơ quan chức năng H.Long Hồ mới đến khảo sát khu đất trên và lập biên bản dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng. Người dân cũng gửi đơn kiến nghị đến Báo Thanh Niên đề nghị xác minh, phản ánh.
Khu bãi bồi trên đất công được bà Trúc làm kè bê tông cốt thép trái phép khiến người dân bức xúc |
XUÂN PHÚC |
Cũng theo phản ánh của người dân, do công trình trên không được chính quyền xử lý kịp thời nên một số hộ dân gần đó cũng đã theo kiểu “thuyền đua, bè sậy cũng đua”, làm ra nhiều bãi tự bồi trên sông Vàm Giang.
Theo văn bản làm việc với các bên, xác minh hiện trường (của Phòng TN-MT H.Long Hồ), phần đất được đóng cọc bê tông cốt thép, bên trong có đóng cừ tràm và bọc vải là phần bãi bồi chưa được cấp quyền sử dụng, diện tích rộng hơn 2.500 m² (thửa đất 3003) nằm trên sông Vàm Giang. Thửa đất này liền kề với thửa đất số 36, tọa lạc ấp An Thạnh, xã An Bình, do bà Phạm Thanh Trúc (47 tuổi, ngụ P.2, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đứng tên.
Cũng theo văn bản này, cuối tháng 12.2021, bà Trúc có thuê người đóng cọc bê tông cốt thép, đà giằng bê tông cốt thép, gia cố hàng cừ tràm, trải vải địa kỹ thuật, đắp đất… trên phần đất này, ở giữa có ao nước để chống sạt lở cho thửa đất số 36 (có diện tích hơn 1.500 m²).
Ngày 7.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã An Bình, xác nhận có sự việc trên. Theo ông Hùng, đối với đất bãi bồi trên sông, rạch… là do nhà nước quản lý, người dân không được quyền khai thác, lấn chiếm.
Người nhà chủ tịch huyện nên chậm xử lý ?
Theo bản cam kết của bà Phạm Thanh Trúc vào ngày 10.2, bà đã làm đơn xin gia cố đê bao gửi đến UBND xã An Bình và UBND H.Long Hồ vào ngày 19.11.2021.
Khi PV Thanh Niên đặt câu hỏi có dư luận cho rằng bà Trúc là em chồng của Chủ tịch UBND H.Long Hồ nên xã chậm xử lý để công trình gần như được hoàn thành và không phải buộc tháo dỡ, thì ông Lê Minh Hùng nói “không biết”, và cho rằng công trình thi công nhanh nên xã chưa kịp xử lý.
“Ai vi phạm đều sẽ bị xử lý như nhau”
Theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND H.Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh, PV Thanh Niên liên hệ với ông Võ Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Long Hồ, và được ông Sơn xác nhận bà Phạm Thanh Trúc chính là em chồng của bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Tuy nhiên theo ông Sơn, không hề có sự ưu ái như dư luận đã phản ánh. Việc chậm trễ xử lý vụ việc là “do xã xử lý chưa phù hợp và thời điểm cận tết Nguyên đán”.
“Ai vi phạm đều sẽ bị xử lý như nhau. Hiện tại, khu đất đó đã được cơ quan chức năng lập biên bản giữ nguyên hiện trạng, không ai được khai thác, sử dụng. Người dân muốn gia cố chống sạt lở ở bất kỳ đâu cũng cần phải xin phép cơ quan chức năng. Trường hợp này chưa xin phép và làm ở khu đất chưa được cấp quyền sử dụng là chắc chắn sai”, ông Sơn nói thêm.
Để có thông tin đa chiều, chiều 7.3, PV Thanh Niên đã liên hệ bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND H.Long Hồ. Tuy nhiên, bà Hạnh lại hướng dẫn PV liên hệ Văn phòng và vị phó chủ tịch huyện phụ trách để nắm thông tin. Còn vấn đề bà Trúc có phải em chồng của mình hay không thì bà Hạnh từ chối trả lời, vì từ lúc nhận đơn bà Hạnh không tham gia giải quyết vụ việc.
“Sự việc này đã có gửi đơn thưa trên các sở ngành tỉnh, kể cả huyện. Thứ hai là có tên tôi trong đó nên về mặt khách quan, tôi sẽ không trực tiếp xử lý hay giải quyết, đề nghị PV liên hệ anh Trung Sơn (ông Võ Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Long Hồ - PV) để nắm thông tin”, bà Hạnh nói.
Theo ghi nhận tại khu đất trên vào trưa 7.3, cạnh cầu Tân Tạo, khu kè chống sạt lở của bà Trúc xây dựng gần như đã hoàn chỉnh. Phía ngoài là hàng trụ kèm đà giằng bê tông cốt thép và hàng cừ tràm sát rạt. Bên trong là một ao nước có lục bình rất giống ao nuôi cá, được bao quanh bởi hàng cừ tràm và bạt vải, có bờ đất trải dài rộng khoảng 7 m đang đắp gần đầy… Dọc theo bờ sông cùng bên với bãi bồi này có nhiều bãi “nhân tạo” có diện tích khá lớn đã được đóng cọc tràm, phía trong có nhiều đất, cát có dấu hiệu được đem từ nơi khác đến.
Bình luận (0)