Kể chuyện đánh B52: Bốn mươi năm, một mối tình

09/12/2012 03:00 GMT+7

Có hai người đàn bà, không trực tiếp tham gia “đánh B52” nhưng số phận của họ lại gắn với chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội.

Một người đã vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 24  -  Ngô Thị Ngọc Tường, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (sẽ đề cập ở kỳ sau). Còn một người mãi mãi chôn chặt tuổi thanh xuân của mình suốt 40 năm qua với người chồng đã hy sinh trong chiến dịch ấy - chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, một tượng đài sống về lòng chung thủy.

Pháo cưới lẫn với khói bom

Trước khi về Hải Dương để có cuộc gặp mặt sau 40 năm giữa đạo diễn Phạm Việt Tùng và Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt, ông Đinh Thế Văn đề nghị ghé thăm “cô Nhàn” trước. Nhà chị Nhàn cách nhà ông Văn chừng 5 cây số nhưng dễ có đến chục năm nay, ông Văn chẳng ghé thăm, dù tin tức về chị, ông nắm khá kỹ. Thấy ông Văn xuất hiện đầu ngõ, chị Nhàn trách: “Gớm, bác quên em rồi”. Ông Văn xởi lởi: “Quên cô thì tôi còn biết nhớ ai nào?”. Ông Văn là người không biết đãi bôi nhưng ông phải buột miệng câu nói có vẻ khách sáo ấy là vì, trước khi đến đây, mấy anh chị ở Bảo tàng Phòng không - Không quân có nói với chúng tôi rằng: “Bà Nhàn giờ già rồi, khó tính lắm, không muốn tiếp xúc với ai nữa”.

 Chị Nhàn và ông Văn
Chị Nhàn và ông Văn - Ảnh: Trần Đăng

Sở dĩ chị Nhàn “không muốn tiếp xúc với ai” là có lý do. Chị nói: “Họ (lãnh đạo quân chủng Phòng không - Không quân) cứ luôn dặn tôi là khi nào ông cụ mất, nhất định phải báo cho họ biết để lãnh đạo đơn vị về viếng cụ. Khi ông cụ mất năm 2009, tôi đến đơn vị báo với họ nhưng ai cũng cáo bận việc, không về viếng cụ được. Nghĩa tử là nghĩa tận, việc gì mà bận đến mức không cử người về viếng được? Tôi không muốn tiếp xúc với họ là vì thế”. Thì ra là dỗi.

“Ông cụ” mà chị Nhàn nói trên đây là bố anh Thắng, phó tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn tên lửa đóng ở huyện Đông Anh năm 1972. Có lẽ đám cưới của chị Nhàn với anh Thắng là đám cưới hy hữu thời chiến. Đạo diễn Tùng kể: “Khoảng 20 giờ ngày 18.12.1972 thì B52 trút bom xuống ngoại thành Hà Nội. Nhưng chiều hôm đó, đám cưới giữa chị Phó chủ tịch xã Đỗ Thị Thanh Nhàn với anh Thắng diễn ra. Những người dự tiệc cưới hôm ấy tự hiểu rằng, không thể kéo dài cuộc vui vì không biết Mỹ ném bom lúc nào nên họ ra về sớm. Cuộc “động phòng hoa chúc” của đôi vợ chồng trẻ hôm đó bất thành vì “lý do kỹ thuật”. Trong lúc không biết xử lý tình huống sao cho êm thấm thì còi báo động vang lên. Bom nổ tứ bề, lửa cháy sáng trời đêm. Anh Thắng vội vã tạm biệt vợ để ra trận, vẫn không quên động viên: “Chắc là nó đánh bom vài ba hôm thôi. Khi nào hết “sự cố kỹ thuật”, anh lại về với em, đợi anh nhé”. Chị Nhàn bần thần tiễn chồng ra trận địa. Khói pháo cưới chưa tan thì khói bom đã trùm lên xóm mạc”.

Theo chồng ra trận 

Đợi mãi 4-5 ngày rồi mà bom Mỹ vẫn cứ rơi, còi báo động hằng đêm vẫn hú vang trời đất, các loại đạn pháo vẫn rền vang đỏ rực trời đêm Hà Nội, anh Thắng vẫn chưa trở về như lời hứa đêm chia tay, chị Nhàn quyết định lên thăm chồng ngay trên trận địa. Chiếc áo đông xuân mà anh Thắng “để quên” trước khi trở về đơn vị là lý do để người vợ trẻ ấy có mặt giữa nơi bom rơi đạn nổ này. Thấy chị Nhàn bất ngờ xuất hiện giữa trận địa, cánh lính trẻ trong đơn vị “hiểu ra” mọi lẽ. Họ bố trí cho anh chị một “phòng cưới” bằng cót ép, cách xa ụ pháo chừng 500 m. Hồi đó làm gì có doanh trại bộ đội như bây giờ để mà vợ chồng tâm sự. Thôi thì thời chiến có cách yêu của thời chiến.

Những tưởng như thế đã xong, nào ngờ, bất thình lình chị nói với anh: “Thôi anh à, chắc thằng Mỹ nó đánh bom cũng vài ba hôm nữa thôi. Khi ấy anh về với em cho nên mâm nên bát chứ như thế này, em ngại lắm”. Và họ đã thỏa thuận dừng lại trước ngưỡng cửa của thiên đường tình ái. Chị ra về mà nghe lòng mình bời bời mưa lũ. Vậy là, chiến tranh đã thò móng vuốt của nó đến tận cái nơi mà chỉ có những đôi lứa yêu nhau mới được phép đặt chân vào. Chị trở về nhà và thầm mong sao cuộc không kích bằng B52 vào Hà Nội sớm kết thúc để chị được đón anh về. Và rồi, cái điều chị không mong đợi ấy đã đến: hai hôm sau, chị nhận hung tin, anh Thắng hy sinh cùng 12 đồng đội khi một trái bom Mỹ đã rơi trúng trận địa của họ.

40 năm thờ chồng

Trên bàn thờ nhà chị Nhàn bây giờ, kỷ vật duy nhất mà anh Thắng để lại cho chị là bức chân dung - di ảnh của một anh lính trẻ măng. Anh “ngồi” đó, suốt 40 năm qua để chứng kiến những bước thăng trầm trong góa bụa côi cút nhớ thương của vợ mình. Lúc anh Thắng còn sống, chị Nhàn chưa một ngày về làm dâu nhà chồng. Thế nhưng, suốt 40 năm qua, năm nào người đàn bà ấy cũng lặn lội về Tiền Hải, Thái Bình quê chồng để lo giỗ chạp. Chị quyết định không đi bước nữa và nhận của người chị gái một đứa con để nuôi nấng cho đến tận giờ.

Trước khi nghỉ hưu, chị Nhàn làm ở Ban Kiểm tra Huyện ủy Đông Anh. Cuộc sống vật chất của chị tạm ổn, nhưng ở người phụ nữ ấy, chiến tranh có lẽ vẫn chưa kết thúc. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm 12 ngày đêm Hà Nội, bao nhiêu người đã vui với niềm vui chiến thắng thì chị lại lặng lẽ khóc thầm. Nhìn khuôn mặt vò nhàu của chị, tôi biết cuộc chia ly định mệnh với người chồng năm ấy đã vắt kiệt cùng sức chịu đựng của người đàn bà này suốt 40 năm qua. Chiến tranh đã cướp đi cả tuổi trẻ lẫn nỗi khát khao làm vợ, làm mẹ của chị Nhàn.

Trước khi chia tay, ông Văn đặt lên đôi vai gầy guộc của chị Nhàn một bàn tay sạm nắng. Ông chẳng nói một lời nào mà tôi thấy đôi mắt chị đã đỏ hoe...

Trần Đăng

>> Kể chuyện đánh B52 - B52 rơi giữa làng hoa
>> Kể chuyện đánh B52: Anh nuôi đánh B52
>> Kể chuyện đánh B52: Rối nước cũng “tham chiến”
>> Kể chuyện đánh B52 - "Sổ đỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.