Từ mối duyên cùng gốm, Việt Anh gây dựng nên cộng đồng hùng mạnh những người yêu di sản qua các trang Di sản Việt, Gốm cổ Việt Nam… để chia sẻ đam mê và khơi nguồn cảm hứng không riêng với cổ ngoạn, mà còn nhiều nét đẹp khác từ di sản nước nhà.
Bộc trực, thẳng tính, chân thành nhưng cũng sẵn sàng đối chọi không khoan nhượng với những quan điểm trái chiều về di sản, đấy là nhà sưu tập Trương Việt Anh.
Nhân vật ấy mê gì? Nếu chơi sẽ là cổ vật, cổ phục, trang phục dân tộc miền cao, nữ trang xưa, bưu ảnh cổ; nếu mê thì có ẩm thực với các món bánh lá, các món kho, cách nấu và bày mâm cỗ truyền thống; còn say thì là hát xẩm, hát chèo, hát văn, quan họ… Những chơi - mê - say ấy được dồn hết vào Di sản Việt và Gốm cổ Việt Nam, 2 trang mạng do Trương Việt Anh lập ra, điều hành và vun đắp tư liệu từng ngày để giới thiệu vẻ đẹp di sản theo cách nguyên bản, gần gũi nhất đến người yêu thích.
TỪ MỐI DUYÊN CÙNG GỐM
Trương Việt Anh bén duyên với gốm Việt cổ ở các thời kỳ Lý, Trần, Lê… từ cách đây hơn chục năm bởi nét đẹp đa dạng, biến ảo, khi mộc mạc chân thành; khi trau chuốt, tinh mỹ; lúc lại đầy kiêu sa, đài các của từng dòng gốm chuyên biệt. Xa Hà Nội, vào TP.HCM vì công việc, nỗi nhớ đất Bắc gặm nhấm lân la, cho đến ngày đẹp trời "va" phải bộ sưu tập đa dạng các hộp phấn nhỏ xinh thuộc dòng hoa lam Chu Đậu trên phố Lê Công Kiều, Q.1, vậy là chọn mua, bởi: "Tôi chẳng hiểu và cũng không quan tâm đồ cổ là cái gì, nhưng nhìn các hộp phấn, tự nhiên có cảm giác thân quen, gần gũi, từ màu men, nét vẽ trang trí đến kích thước. Đem về nhà bày biện cùng hoa lá, ngắm nghía, chụp hình gửi bạn bè chơi, tự thấy vui trong lòng. Tôi phải lòng với gốm Việt cổ từ dạo ấy".
Từ những hộp phấn Chu Đậu ở thế kỷ 15 lúc nhập môn cổ ngoạn, bộ sưu tập cứ nở dần thêm với đĩa, chén, âu, ang, bình, kỷ phấn…; những hiện vật quen thuộc trong gốm Việt cổ. Trương Việt Anh bày tỏ: "Tôi như được trợ duyên khi may mắn sở hữu nhiều hiện vật ưng ý, dù tài chính ở mức khá hạn hẹp. Khi các nhà sưu tập thâm niên trên thị trường chuộng dòng đồ kích cỡ lớn như bình, thạp, lu… thuộc hệ chày - chưởng, đắt giá, tôi lại đi ngược xu hướng khi chọn đồ kích cỡ nhỏ như âu, ang, bát ám họa, kỷ phấn, giỏ cua… nhưng thiết kế kiểu dáng và hoa văn trang trí hay ám họa đều rất đẹp, rất duyên. Thợ nghề khắp hai miền Nam, Bắc biết được gu sưu tầm của tôi nên tập trung săn đồ, gửi hình ảnh, rồi chuyển về tận nhà, nhờ vậy tôi hữu duyên với nhiều cổ vật chỉ trong thời gian ngắn. Cổ vật như một người bạn tinh thần, bầu bạn với tôi, xoa dịu nỗi nhớ của hơn 10 năm xa Hà Nội; rồi cũng nhờ cổ vật, tôi có thêm nhiều người bạn mới cùng đam mê".
Có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập gốm Việt cổ của Trương Việt Anh, mới hiểu hơn cái đam mê gốm Việt của chị. Nhờ cách chơi theo sở thích riêng, bộ sưu tập nay đủ vẽ ra một bản đồ gốm Việt cổ tiêu biểu, qua những giai đoạn lịch sử rõ nét. Hiện vật không soán ngôi hậu, ngôi vương theo quan niệm người đời, nhưng chất liệu, men thuốc, kỹ thuật tạo hình, hoa văn trang trí… đủ hấp dẫn để hình dung về thời hoàng kim gốm Việt cổ. Từ thời kỳ gốm men ở triều Lý (1009 - 1225) với dòng men trắng ngà làm chủ đạo, rồi đến hoa nâu Lý - Trần, gốm đông thanh (celadon), gốm hoa lam thời Lê Sơ (1428 - 1527) với các hiện vật gốm Chu Đậu từ con tàu đắm Cù Lao Chàm… đều là những dấu ấn xa xưa đã đưa gốm Việt tiệm cận bản đồ gốm thế giới.
TÌM NIỀM VUI TỪ DI SẢN
Ngoài cổ ngoạn, Trương Việt Anh có thú vui khác là tìm về đình làng cổ, chùa cổ, hoặc đi thăm làng quê, lăng tẩm vua chúa…, tìm kiếm nét đẹp qua kiến trúc, tượng thờ, hoa văn chạm khắc, hiện vật… rồi tập hợp người yêu di sản Việt để chia sẻ những câu chuyện thú vị, mắt thấy tai nghe bằng hình ảnh, tư liệu, thông tin liên quan đến nét đẹp di sản ấy. Cái tên Di sản Việt ra đời, là nhóm hoạt động riêng tư, giới thiệu nét đẹp cổ vật trong nước và quốc tế, cả những đề tài mang đậm văn hóa Việt ở mảng ẩm thực, cổ phục, kiến trúc, du lịch khám phá…
Chia sẻ câu chuyện vận hành trang mạng Di sản Việt, gần đây thêm một địa chỉ mới nữa là Gốm cổ Việt Nam, chủ nhân tâm sự: "Tôi không có kinh nghiệm làm nội dung, hình ảnh, cũng không xây dựng trang thu lợi nhuận hay bán hàng, chỉ là có cơ hội đi nhiều, chứng kiến nhiều, thấy đất nước mình có nhiều cái hay, cái đẹp nhưng ít người quan tâm, để ý, nên thu thập lại và chia sẻ cho người có cùng đam mê, vận động các nhà sưu tập có đồ quý hiếm, giá trị đồng ý cho đăng hình ảnh và thông tin để mọi người được chiêm ngưỡng". Một mình điều phối nội dung cho trang sống động, không đủ lực, chủ nhân tìm gặp những chuyên gia về cổ vật, về văn hóa dân gian, hợp tác cùng các nhiếp ảnh gia, đóng góp kinh phí để có được bài viết tốt, thông tin hấp dẫn, hình ảnh đẹp… phục vụ người yêu Di sản Việt và Gốm cổ Việt Nam.
Kể về thú vui trong nghề chơi, Trương Việt Anh nói thêm: "Ban đầu hình thành nhóm cũng gặp nhiều khó khăn vì tôi muốn tạo nên một sân chơi thực sự giúp ích cho người sưu tầm, đặc biệt những người mới vào nghề, giúp họ được xem hình ảnh về đồ đẹp, đồ quý, tiếp cận thông tin chuyên sâu để việc sưu tầm thuận lợi, mua đúng đồ thật, không để gian thương dắt mũi bằng đồ giả, đồ sửa. Lâu dần, anh em trong giới nghiên cứu, rồi những nhà sưu tầm lớn cũng tin tưởng, ủng hộ, đóng góp bài viết, chia sẻ hình ảnh, nhờ đó tôi có thêm nhiều tương tác và bạn bè khắp nơi, học hỏi được từ cổ vật, từ người sưu tầm bao điều quý giá".
GIÁ TRỊ NGUYÊN BẢN
Mê nhiều thứ, chơi nhiều môn, nhưng điểm chung dễ nhận thấy ở Trương Việt Anh là thích tìm về giá trị nguyên bản. Từ chuyện về làng Nôm (Hưng Yên) tìm gặp người gói bánh Tày cao niên nhất để hiểu sự tích bánh Tày cùng kỹ thuật gói bánh độc đáo, cho đến việc lang thang dò hỏi người ở Đông Anh (Hà Nội) về món cá trắm kho lá cúc tần để tái hiện món ngon ấy theo phong vị ngày xưa. Cả những chuyến ngang dọc Bát Tràng, gặp gỡ nghệ nhân cao tuổi phục dựng mâm cỗ tết truyền thống trong các gia đình giàu có…
Hỏi về hành trình sưu tầm món ngon theo lối cổ, Trương Việt Anh tiết lộ: "Tìm được nhân vật hay, hoặc món ngon cổ truyền, tôi đến tận nơi, thăm hỏi, phỏng vấn, chụp ảnh, viết bài; ai cần tham khảo thêm, tôi biết gì đều chia sẻ hết. Tôi nhận ra rằng càng chia sẻ nhiều, càng học được nhiều và nhận nhiều điều lành từ những người có cùng đam mê".
Giản dị trong giao tiếp, ăn mặc, nhưng khi đụng vào sưu tầm hay các đề tài ẩm thực, văn hóa…, Trương Việt Anh trở nên khắt khe, chi tiết, cầu toàn và đòi hỏi đến cực đoan rằng mọi thứ nên được bảo tồn và tiếp nối theo như nguyên bản, lý do được giải mã: "Tôi quan niệm đã là văn hóa, là di sản, dù ở đề tài nào, cái cần nhất vẫn là thể hiện giá trị nguyên bản. Khi hiểu được nguyên bản, có nền tảng, sẽ dễ dàng phát triển tiếp. Tôi không ủng hộ cách vay mượn di sản hay giá trị văn hóa các cụ ngày xưa rồi thêm nếm vào; làm đúng còn đỡ, nếu sai dễ khiến người khác có cái nhìn méo mó, sai lệch về di sản".
GIỮ LẠI CỔ PHỤC DÂN TỘC
Sở hữu bộ sưu tập áo ngũ thân, cổ phục dân tộc đa dạng, tiêu biểu là bộ váy H'Mông cổ xưa được thêu tay đặc sắc, Trương Việt Anh chia sẻ lý do: "Thấy thương lái săn lùng trang phục dân tộc rồi bán đi, hoặc đem cắt phá, lắp ghép với trang phục hiện đại, làm thế thật uổng phí, tôi mua để giữ lại vẻ đẹp nguyên bản".
QUẢNG BÁ DI SẢN
"Nhóm Di sản Việt quy tụ rất nhiều thành viên yêu di sản văn hóa Việt Nam. Bài viết của các thành viên trên nhóm có tính học thuật cao, đa dạng về nội dung, xoay quanh các loại hình văn hóa di sản Việt Nam nói chung. Đây là sân chơi bổ ích, để lại nhiều giá trị sâu sắc, góp phần quảng bá, giới thiệu kiến thức di sản Việt Nam đến đông đảo mọi người".
Nghệ nhân hát xẩm Bùi Công Sơn
TƯ LIỆU QUÝ TỪ BƯU ẢNH CỔ
"Tôi sưu tầm được hơn 10.000 bưu ảnh cổ khắp Việt Nam, mua từ các trang mạng, từ người sưu tầm, chia thành nhiều bộ như phong cảnh, kiến trúc, con người, vùng miền, quan lại, vua chúa…", Trương Việt Anh cho hay.
Đây là nguồn tư liệu quý, ví dụ như mảng kiến trúc, nhiều công trình nay không còn nguyên bản, bưu ảnh cổ là một phần tài liệu so sánh, đối chiếu, hữu ích cho người quan tâm đến giá trị lịch sử, hoặc công tác bảo tồn.
Bình luận (0)