Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Hào kiệt bên dòng Kinh thơ mộng

20/11/2024 06:23 GMT+7

Hầu hết những con sông ở các tỉnh ven biển miền Trung đều chảy theo hướng tây đông, bắt nguồn từ núi rừng phía tây, vượt qua trung du, đồng bằng, mở rộng dòng chảy thành nhiều đầm phá ở cuối sông. Hy hữu có con sông Kinh, một chi lưu của sông Trà Khúc, lại khởi dòng từ phía nam rồi chảy ra phía bắc trước khi xuôi về biển.

Từ núi cao, vượt qua hơn trăm cây số, về đến cửa sông, dòng Trà Khúc dùng dằng, khoan nhặt; bên hữu ngạn mở lòng đón thêm nước từ sông Vệ, bên tả ngạn chia một phần sông, đưa nước chạy ra hướng bắc đến tận cửa Sa Kỳ, hình thành dòng sông Kinh, nằm vắt ngang bờ biển Mỹ Khê - An Chuẩn. Người Tịnh Khê từ bao đời gọi sông Kinh là sông Trước, vì dòng sông nằm trước mặt nhà cửa, ruộng vườn, khác với sông Sau là dòng Diêm Điền bọc phía sau xóm làng yên ả.

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Hào kiệt bên dòng Kinh thơ mộng- Ảnh 1.

Bia Huệ Dưỡng Viên

Ảnh: L.H.K

Chỉ dài hơn mười cây số, sông Kinh đẹp đến mê hồn. Hơn thế nữa, con sông này với rừng dừa nước ken dày hai bên bờ, gắn với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử nổi tiếng và từng là một căn cứ bất khả xâm phạm của quân và dân Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hãy bắt đầu từ cửa sông Kinh, nằm phía tây làng Cổ Lũy (xã Tịnh Khê), vào một sáng sớm mùa hè, nếu bạn là khách du lịch. Ở đây, phía đông là cửa biển với những bè rớ rực hồng trong thời khắc rạng đông. Xa xa, chếch qua đông bắc là mũi Ba Làng An (Batangan) đổ nhoài ra biển. Xa hơn nữa, lờ mờ trong khói sóng là đảo Lý Sơn - quê hương Hải đội Hoàng Sa. Quay về phía nam, hiện ra ngay trước mặt là mênh mang cửa Đại với những con thuyền đánh cá trở về sau một đêm lênh đênh trên biển. Sau lưng, phía nghiêng tây là núi Thiên Mã, núi Đầu Voi, xa hơn là núi Thiên Ấn, núi Long Đầu, núi Trấn Công; hun hút trời xa là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sông và biển, mây và trời, thiên nhiên như hòa điệu để phô bày cảnh quan vừa quen vừa lạ làm say đắm lòng người.

Một con thuyền nhỏ sẽ đưa bạn xuôi dòng sông Kinh về phía cảng Sa Kỳ, băng qua những rừng dừa nước xanh ngan ngát. Khi bạn nhìn thấy bóng cây bàng cổ thụ đổ xuống dòng sông là đã qua làng Mỹ Lại. Dưới bóng cây bàng ấy, có một bia đá đã dựng lên hơn một thế kỷ rưỡi. Ba chữ Hán "Huệ Dưỡng Viên" (惠養园) khắc trên bia cho chúng ta biết khu vườn nằm cách bờ sông Kinh chỉ mấy bước chân là của vua Tự Đức ban cho Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865) khi bậc Cố mệnh lương thần về đây dưỡng hưu những ngày cuối đời. Dòng họ Trương với những nhân vật như Trương Đăng Đồ, Trương Đăng Quế, Trương Quang Đản, Trương Văn Đễ (Quang Đễ) có mối liên hệ với câu ca dao quen thuộc của vùng sông Kinh như một sấm truyền:

Bao giờ Thiên Mã sang sông

Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu.

(Ca dao Quảng Ngãi)

Mỹ Lại - sông Kinh là quê hương của Đô đốc nhà Tây Sơn Trương Đăng Đồ (? - 1802), người đã cùng vợ là nữ tướng Nguyễn Thị Dung tuẫn tiết ở Bắc Giang khoảng giữa tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802). Di cốt của đôi vợ chồng hào kiệt sau đó được người cháu là Trương Đăng Quế đưa về quê dưới thời vua Minh Mạng. Hiện nay, linh vị vợ chồng Trương Đăng Đồ - Nguyễn Thị Dung được thờ phụng tại nhà thờ Trương Tiểu tông, nằm cách bờ sông Kinh chừng vài chục mét.

Con sông đào qua thăng trầm lịch sử

Nhìn phong cảnh sông Kinh bây giờ, ngan ngát đôi bờ là dừa nước, dừa ăn quả, rồi thuyền chài, bến nước, ít ai nghĩ rằng đây là một con sông đào.

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Hào kiệt bên dòng Kinh thơ mộng- Ảnh 2.

Sông Kinh đi qua làng Mỹ Lại (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi)

Ảnh: L.H.K

Từ khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, giao thương đường thủy ở vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên dần dà phát triển cùng với việc hình thành đội ngũ thương nhân, hầu hết là người gốc Hoa.

Để có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa từ cửa Sa Kỳ đến cửa Cổ Lũy (và ngược lại) được thuận lợi, người xưa đã khơi một dòng chảy dọc theo bờ biển, đào nối những đầm phá sẵn có, lấy nước từ sông Trà Khúc ở cửa Cổ Lũy cho đổ về cửa Sa Kỳ, qua các làng Cổ Lũy, Mỹ Lại (nay thuộc xã Tịnh Khê) rồi đổ về An Chuẩn (Tịnh Kỳ), có dòng chảy đủ để ghe mui xuôi ngược bốn mùa, không kể nắng mưa, không có đá ngầm, gió lớn. Hàng hóa, lâm thổ sản từ nguồn Ba Tơ, Minh Long theo sông Vệ về xuôi, hàng từ nguồn Sơn Hà, theo sông Trà Khúc cùng về cửa Cổ Lũy. Hàng từ nguồn Trà Bồng (Đà Bồng) theo sông Trà Bồng về cửa Sa Cần, rồi từ Sa Cần theo đường biển (mùa lặng gió) hoặc đường bộ (mùa mưa bão) để vào cảng Sa Kỳ, theo tiếp sông Kinh về Cổ Lũy.

Đến khoảng giữa thế kỷ 20, sông Kinh gần như mất hẳn vai trò của một tuyến vận tải đường thủy vì lúc này đã có đường sắt Bắc - Nam và hệ thống đường bộ đã phát triển. Khai thác thủy sản dưới lòng sông Kinh, thuận theo tự nhiên trở thành nguồn thu nhập chính của một bộ phận cư dân các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa.

Ngày 18.7.2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định công nhận Rừng dừa nước Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) là điểm du lịch của tỉnh. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.