Hãng thông tấn Postmedia News của Canada đưa tin chính quyền nước này đang lên kế hoạch chi 477 triệu CAD (gần 1.000 tỉ đồng) để tham gia chương trình vệ tinh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Theo Lầu Năm Góc, Hệ thống vệ tinh toàn cầu băng thông rộng (WGS) là một mạng lưới viễn thông đặc biệt để hỗ trợ tác chiến cực kỳ hiệu quả dành riêng cho quân đội Mỹ, cũng như đồng minh và các đối tác. Dự kiến, đến năm 2018, tất cả vệ tinh sẽ đều được phóng lên quỹ đạo. Úc là đồng minh đầu tiên của Mỹ đồng ý đóng góp hơn 800 triệu USD vào năm 2007 cho việc lắp đặt vệ tinh thứ 6. New Zealand, Luxembourg, Đan Mạch cũng tỏ ý muốn tham gia. Mới đây nhất, Hà Lan cũng cho biết sẵn sàng đầu tư vào WGS, theo tờ Aviation Week.
|
Đón chào đối tác
Những con “mắt thần” Theo dự kiến, WGS gồm 9 vệ tinh tại các khu vực khác nhau trên thế giới, sẵn sàng cung cấp tín hiệu băng thông rộng tần số cao cho lực lượng Mỹ và đồng minh đang hoạt động ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Một vệ tinh WGS truyền tải lượng dữ liệu hơn gấp 10 lần vệ tinh quân sự DCSC-III hiện nay của Mỹ và có thể được triển khai tự do trên quỹ đạo. |
Quân đội Mỹ cũng không giấu giếm ý định khuyến khích đồng minh tham gia vào dự án trên. Trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 10, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gregory Schulte cho biết nước này đang trong giai đoạn thương thuyết cuối cùng với một số nước khác. Việc quốc tế hóa WGS sẽ giúp nâng tầm bao phủ của mạng lưới cũng như tăng cường khả năng hoạt động của các vệ tinh. Ngoài ra, theo ông Schulte, sự tham gia của nhiều nước sẽ làm bên nào có ý định tấn công WGS phải chùn tay. Sở dĩ Mỹ phải phòng xa như vậy vì theo Bloomberg, tin tặc đã xâm nhập vào 2 vệ tinh của nước này đến 4 lần trong 2 năm 2007 và 2008.
Trì hoãn do trục trặc
Một lý do khác khiến Mỹ phải kêu gọi nhiều nước tham gia WGS là nhằm tìm kiếm thêm nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống vệ tinh. Năm 2001, Lầu Năm Góc tuyên bố Boeing giành được quyền cung cấp vệ tinh trong kế hoạch xây dựng một hệ thống từ 3 đến 6 vệ tinh trong hơn 10 năm với chi phí khoảng 1,3 tỉ USD. Theo đó, vệ tinh thứ nhất sẽ được phóng vào năm 2004. Tuy nhiên, 3 vệ tinh sau đó liên tục gặp hỏng hóc ở đủ các bộ phận: lỗi ăng-ten, đầu đinh tán đến mối hàn quá yếu. Kết quả là mãi đến năm 2007, vệ tinh số 1, phụ trách khu vực từ Hawaii đến Đông Nam Á, không thể được phóng lên bầu trời Thái Bình Dương và mất nửa năm sau mới hoạt động. Vệ tinh thứ 2, được “treo” trên vùng Trung Đông và Afghanistan, đã đi vào hoạt động vào tháng 6.2009 còn cái thứ 3 trên Đại Tây Dương mới được triển khai hồi tháng 3.2010. Mỹ cũng đang thiếu nguồn lực để phóng 3 vệ tinh tiếp theo. Do vậy, ngày phóng vệ tinh thứ 4 có thể bị đẩy lùi đến năm 2013. Tới nay, chi phí cho chương trình đã lên tới 3,5 tỉ USD và Lầu Năm Góc đang yêu cầu quốc hội duyệt chi 469 triệu USD cho WGS trong năm tài khóa sắp tới. Tuy nhiên, theo tờ Los Angeles Times thì dù chậm tiến độ nhưng Mỹ vẫn quyết triển khai WGS và đã đặt hàng Boeing chế tạo vệ tinh thứ 7 và một phần vệ tinh thứ 8.
Thụy Miên
Bình luận (0)