Kế hoạch bầu Bí thư Thành ủy TP.HCM như thế nào?

17/10/2015 13:28 GMT+7

(TNO) Sau khi kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 (2015 - 2020), ngay trong sáng 17.10, Ban tổ chức đã tổ chức buổi họp báo, do ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì.

(TNO) Sau khi kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 (2015 - 2020), ngay trong sáng 17.10, Ban tổ chức đã tổ chức buổi họp báo, do ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì.

Ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì họp báo - Ảnh: Diệp Đức MinhÔng Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì họp báo - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng tham dự buổi họp báo. 
Thanh Niên Online: Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ chưa bầu chức danh Bí thư Thành ủy TP, kế hoạch bầu Bí thư Thành ủy TPHCM như thế nào?
- Ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy: Tôi biết vấn đề này được người dân rất quan tâm, phải khẳng định rằng, việc thực hiện các quy định của Đảng về công tác nhân sự của Đảng bộ TP khóa 10 trong thời gian qua có ý thức và trách nhiệm rất cao trong công tác chuẩn bị nhân sự Ban thường vụ, nhất là Ban Thường vụ Thành ủy và các chức danh lãnh đạo của Thành ủy.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã báo cáo nhân sự về Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đánh giá rất cao về phương án nhân sự của Đảng bộ TP. Theo quy định của Đảng, việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm chức danh Bí thư thuộc thẩm quyền của Bộ chính trị.
Như chúng ta đã biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế của vùng và cả nước mà như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư là TP.HCM có một vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước . Việc chuẩn bị nhân sự Bí thư Thành ủy TP.HCM gắn với công tác nhân sự của Bộ Chính trị khóa 12 của Đảng.
Ông Võ Văn Thưởng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vì vậy, việc để sau Đại hội Đảng khóa 12, phân công đồng chí Ủy viên Bộ chính trị làm Bí Thư Thành ủy TP.HCM là đúng với quy định của Đảng. Trước mắt đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy TP.HCM và đồng chí Phó bí thư thường trực sẽ điều hành hoạt động của thành ủy.
Thanh Niên Online: Sau Đại hội, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ mới sẽ có chỉ đạo cụ thể như thế nào để giải quyết vấn nạn kẹt xe và ngập nước, để người dân TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như mục tiêu đã đề ra?
- Ông Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa 10 đặt ra là xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình và có vai trò động lực trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Như vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hiện nay tình trạng ngập nước, nhà trên kênh rạch, kẹt xe vẫn còn nhiều, thì trước hết, chúng ta phải giải quyết được các vấn đề đó. Mặc dù chính quyền TP nhiệm kỳ vừa qua đã tập trung nhiều giải pháp có hiệu quả nhưng nhìn lại chưa vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.
Sắp tới, TP sẽ phải tiếp tục tập trung nhiều giải pháp hơn nữa. Đó là đòi hỏi từ cuộc sống của người dân, Thành ủy sẽ có chủ trương đột phát hơn, cụ thể hóa hơn trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị . Đặc biệt là xoay quanh vấn đề chỉnh trang, giải tỏa các căn nhà lụp xụp ở các vùng ven kênh rạch, giải tỏa các chung cư xuống cấp, phát triển các khu đô thị ngoại vi... Làm sao để tổ chức cuộc sống cho người dân đàng hoàng hơn.
Ông Nguyễn Thành Phong trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Diệp Đức Minh
- Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm: “Chúng tôi luôn trăn trở, đó còn là trăn trở của rất nhiều nhiệm kỳ, của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, Đảng bộ từ các khóa trước. Đảng bộ vẫn luôn làm mọi cách vì mục tiêu đó, làm sao để  thành phố có chất lượng sống tốt nhất. Đó chính là điểm mấu chốt trong từng mục tiêu, trong từng hành động trong cán bộ. Chúng tôi cũng luôn luôn bức xúc cùng với người dân”.
- Tuổi Trẻ: Thế hệ lãnh đạo mới của thành phố rất trẻ, các ông có đánh giá như thế nào và có kỳ vọng gì cho sự đổi mới trẻ trung này. Các ông có kế hoạch gì để sau này TP tiếp tục có những lãnh đạo trẻ?
Ông Võ Văn Thưởng: Kết quả bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa 10 có 15 đồng chí nữ, đạt 21% vượt chỉ tiêu của Bộ chính trị. Có 8 đồng chí dưới 40, so với đầu nhiệm kỳ 9 là tăng thêm 5 người, vượt yêu cầu của Bộ Chính trị đề ra. Cán bộ khoa học công nghệ có 6 đồng chí, cao hơn 3 đồng chí so với nhiệm kỳ trước, 9 đồng chí xuất thân từ công nhân.
Đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, làm sao để cán bộ sau này trẻ hơn? Mục tiêu của Đảng luôn luôn đặt yêu cầu trong cơ quan của Đảng ở các cấp, đội ngũ lãnh đạo phải có 3 độ tuổi. Chúng ta phải khẳng định các đồng chí tuổi cao có thế mạnh của tuổi cao, tuổi trẻ cũng có thế mạnh của tuổi trẻ nhưng cũng có những điểm yếu của tuổi trẻ.
Vì vậy, một cơ quan cần phải có 3 độ tuổi để bổ sung cho nhau, đó là điều rất cần thiết trong việc chuẩn bị cơ quan lãnh đạo của Đảng. Lần này, Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 10  đã làm được điều đó.
“Có câu hỏi là làm như thế nào để sau này có một đội ngũ cán bộ ngày càng trẻ hơn?, tôi khẳng định mục tiêu của chúng ta không phải là có một đội ngũ ngày càng trẻ hơn, mà mục tiêu của chúng ta là làm sao cán bộ trong một cơ quan lãnh đạo phải có 3 độ tuổi một cách hợp lý, và cũng mong muốn rằng tỷ lệ của cán bộ trẻ ngày càng tăng dần lên.
Ông Nguyễn Thành Phong (đứng) trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Diệp Đức Minh
Có đồng chí đặt vấn đề có nhiều lãnh đạo Thành ủy kỳ này có nhiều đồng chí trẻ, tuổi dưới 50 và vừa trên 40. Tôi cho rằng đó cũng là một kết quả của tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các đồng chí lãnh đạo thành ủy các thời kỳ trước đây. Tôi với anh Thành Phong, anh Tất Thành Cang đều đã gắn bó với TP trên 20 năm. Không rành được góc phố từng con hẻm nhưng cũng có thể nói là gắn bó với TP, hiểu hết địa bàn TP.
- Sài Gòn Giải Phóng: Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM trong nhiệm kỳ này có nêu lên vai trò của kinh tế tư nhân, vậy vấn đề này được thành phố đặt ra như thế nào?
- Ông Nguyễn Thành Phong: Sức dân và lòng dân là nhân tố rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết này; vì vậy, chúng ta cần phải bồi đắp thêm lòng tin của dân là một đòi hỏi. Cho nên huy động nguồn lực trong dân, nguồn vốn trong các thành phần kinh tế tư nhân cần phải quan tâm.
Trong thời gian qua, kinh tế ngoài nhà nước đã đóng góp tích cực cho GDP của thành phố. Chúng tôi nhận thức rằng tiềm năng ở khu vực này còn rất lớn, vấn đề còn lại là chúng ta phải có chính sách như thế nào để tiếp tục huy động nguồn lực này, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội mà thành phố đã đặt ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.