Kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen sau khi từ chức

Văn Khoa
Văn Khoa
27/07/2023 06:01 GMT+7

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 26.7 tuyên bố sẽ rời vị trí lãnh đạo chính phủ và chuyển giao theo quy trình hợp pháp cho người kế nhiệm, cũng là con trai cả của ông, tướng Hun Manet.

Trong một thông điệp đặc biệt gửi đến toàn dân vào chiều qua 26.7, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố ông sẽ từ chức thủ tướng trong tháng tới, theo tờ Khmer Times. Ông Hun Sen cho hay Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni sẽ ra lệnh bổ nhiệm tướng Hun Manet làm thủ tướng mới của nước này vào ngày 7.8. "Hun Manet sẽ bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Vương quốc Campuchia từ tối 22.8.2023", ông Hun Sen nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo nói tiếp: "Kể từ khi tôi đảm nhiệm chức vụ thủ tướng vào ngày 14.1.1985 cho đến ngày 22.8.2023, tôi tại vị được 14.099 ngày, tức là 38 năm 7 tháng 8 ngày". Ông Hun Sen chính là một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất trên thế giới.

Kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen sau khi từ chức - Ảnh 1.

Vai trò sau này của ông Hun Sen

Ông Hun Sen cho hay sau khi rời chức thủ tướng, ông sẽ tiếp tục sự nghiệp chính trị với tư cách là Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, vốn có quyền khai trừ các thành viên khỏi đảng. Thủ tướng Hun Sen cho biết thêm ông sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cơ mật viện tối cao phục vụ Quốc vương Campuchia, đồng thời giữ chức Chủ tịch Thượng viện thay thế ông Say Chhum sau cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 2.2024, theo Khmer Times. "Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục có cơ hội phục vụ nhân dân, giúp chính phủ giữ gìn hòa bình, an ninh, trật tự và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cũng như hỗ trợ Quốc vương khi ngài vắng mặt", ông Hun Sen nhấn mạnh.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức

Thủ tướng Hun Sen cũng tuyên bố ông "sẽ không can thiệp công việc của tân thủ tướng hay chính phủ mới, có sự tách biệt rõ ràng giữa cơ quan lập pháp và hành pháp". Ông khẳng định việc tướng Hun Manet nhậm chức thủ tướng không cần bất kỳ sự ủng hộ nào của nước ngoài, mà cần sự ủng hộ của người dân. Ông bày tỏ niềm tin rằng tướng Hun Manet sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân Campuchia. Nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định việc tướng Hun Manet nhậm chức thủ tướng sẽ tuân theo đúng thủ tục. "Con trai tôi không kế thừa vai trò này nếu không có quy trình hợp pháp", ông Hun Sen nói. Cụ thể, để ông Hun Manet trở thành thủ tướng, cần sự nhất trí trong nội bộ CPP, trúng cử nghị sĩ quốc hội, được Quốc vương sắc phong và được quốc hội thông qua. Ông Hun Manet đã được CPP đề cử và đã trúng cử nghị sĩ (dù chưa có hiệu lực do chưa công bố kết quả chính thức), trong khi Quốc vương Campuchia cũng đã đồng thuận với phương án nhân sự này.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc ông từ chức là mở đầu cho sự ổn định lâu dài, vốn là nền tảng cho sự phát triển. Ông còn nói rằng việc từ chức là sự hy sinh lớn lao nhằm đảm bảo hòa bình của quốc gia và phù hợp với tấm gương của cố Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk trong việc chuyển giao ngai vàng.

Kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen sau khi từ chức - Ảnh 2.

Chính phủ mới rất trẻ

Thông tin trên được đưa ra sau chiến thắng vang dội của CPP trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 23.7. Khmer Times ngày 24.7 dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) của Campuchia công bố vào khuya 23.7 cho thấy CPP giành được 120 trên tổng số 125 ghế trong quốc hội.

Người kế nhiệm Hun Manet

Ông Hun Manet, 46 tuổi, hiện là tướng 4 sao (tương đương cấp đại tướng) trong Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF). Từ năm 2018, ông trở thành Phó tổng tư lệnh RCAF kiêm Tư lệnh Lục quân RCAF, theo báo The Phnom Penh Post. Ông kết hôn với bà Pich Chanmony, con gái của một cựu quan chức cấp cao Campuchia, và có 3 con.

Con đường binh nghiệp của ông Hun Manet bắt đầu khi ông gia nhập RCAF vào năm 1995, và cùng năm đó ông bước chân vào Học viện Quân sự West Point ở Mỹ. Năm 1999, ông trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp trường quân sự nổi tiếng này. Sau đó, ông lấy bằng thạc sĩ về kinh tế tại Đại học New York (Mỹ) rồi lấy bằng tiến sĩ trong cùng lĩnh vực tại Đại học Bristol (Anh).

Ông Hun Manet được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm chống khủng bố quốc gia, trực thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia, với cấp bậc đại tá vào năm 2008. Cũng trong năm đó, xung đột liên quan tranh chấp ngôi đền biên giới Preah Vihear nổ ra giữa Thái Lan và Campuchia. Ông Hun Manet được cho là đóng vai trò nổi bật trong quá trình đàm phán ngừng bắn, chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài hơn 3 năm.

Theo giới quan sát, ông Hun Manet nói tiếng Anh lưu loát và có phong thái của một nhà ngoại giao. Tương lai chính trị của ông Hun Manet trở nên đặc biệt rõ ràng vào tháng 12.2021 khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền chính thức ủng hộ ông làm thủ tướng tiếp theo, trong động thái mà báo Khmer Times gọi là "bước đi thực tế nhất" của Campuchia. 

Lam Vũ

Vài giờ trước khi Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức, Khmer Times đưa tin với nhiều dấu hiệu cho thấy tướng Hun Manet sẽ kế nhiệm cha mình sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nói trên, CPP đã tiết lộ rằng 90% số bộ trưởng trong nội các Campuchia dự kiến sẽ được thay thế trong chính phủ mới. Các bộ trưởng trong nội các mới sẽ ở độ tuổi từ 38 - 65, với đa số ở độ tuổi 40. Một số nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ với Khmer Times rằng nội các mới sẽ bao gồm 30 bộ trưởng cùng với 10 phó thủ tướng và 11 bộ trưởng cấp cao.

Đảng cầm quyền Campuchia tuyên bố thắng áp đảo

Trong một cuộc phỏng vấn với Khmer Times ngày 24.7, phát ngôn viên CPP Sok Eysan xác nhận rằng 90% nội các hiện tại của Campuchia sẽ được thay thế dưới chính quyền sắp tới của ông Hun Manet, dự kiến ra mắt ngày 22.8. "CPP có những yêu cầu cụ thể đối với các quan chức, cả già lẫn trẻ, đến tìm hiểu người dân để xác định mức độ hạnh phúc của họ và những gì họ cần", ông Sok Eysan cho hay. Ông còn lưu ý rằng những người được lựa chọn phải có trình độ học vấn cao, có kiến thức, lập trường chính trị vững chắc, có sức khỏe tốt, tận tụy, sẵn sàng cống hiến và có kinh nghiệm công tác. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.