Kế hoạch dùng gà giữ ấm... mìn hạt nhân

27/04/2016 09:03 GMT+7

Trong thời Chiến tranh lạnh, người Anh từng có ý tưởng “nghe như giỡn chơi” là bảo quản mìn hạt nhân bằng... gà sống.

Giữa thập niên 1950, châu Âu chìm trong không khí căng thẳng khi Chiến tranh lạnh dần bước vào đỉnh điểm. Phương Tây tin rằng xe tăng và binh sĩ Liên Xô có thể tràn sang Tây Âu qua ngả CHDC Đức (Đông Đức) vào bất kỳ lúc nào.
Nhằm đối phó với “mối đe dọa chực chờ”, các chiến lược gia Anh đã cho ra đời nhiều phương án từ táo bạo đến kỳ quặc. Trong đó có chiến dịch mang tên Operation Blue Peacock (Chim công xanh) nhằm chế tạo những quả mìn hạt nhân khổng lồ gài tại nhiều khu vực của Tây Đức gần giới tuyến với Đông Đức. Điểm khó tin của kế hoạch này là Anh tính đến chuyện bố trí gà sống cùng thức ăn vào bên trong để dùng thân nhiệt gà giữ cho mìn không bị đông cứng vì thời tiết.
Hủy diệt diện rộng
Tờ The Guardian dẫn tài liệu giải mật của Lực lượng Vũ khí hạt nhân Anh tiết lộ nước này tính chế tạo 10 thiết bị nổ với sức công phá tổng cộng khoảng 50 kiloton, gấp 3 lần quả bom hạt nhân Mỹ thả xuống TP.Hiroshima của Nhật Bản tháng 8.1945. Chúng có thể được chôn sâu trong lòng đất, kích nổ bằng dây dẫn dài đến 5 km hoặc thiết bị hẹn giờ.
Nhằm tránh bị đối phương vô hiệu hóa, các nhà thiết kế còn gắn thêm thiết bị chống can thiệp từ bên ngoài. Nếu vỏ mìn bị đạn bắn thủng hay ai đó bất ngờ di chuyển hoặc đổ nước vào bên trong thì mìn sẽ tự nổ sau 10 giây. Một khi phát nổ, các quả mìn sẽ tạo ra những hố sâu hơn 180 m đồng thời phát tán phóng xạ trên một diện tích rộng lớn.
Theo ý tưởng của Operation Blue Peacock, mìn được phân phối cho lực lượng các nước phương Tây trú đóng ở Tây Đức để chôn tại các cơ sở chiến lược nằm ở những khu vực tiền tiêu gần Đông Đức. Một khi lực lượng Liên Xô tràn sang, chúng sẽ lập tức được kích nổ, gây sát thương “không thể tưởng tượng” được đồng thời gây ô nhiễm phóng xạ khiến đối phương không thể chiếm đóng. Những mục tiêu tiềm tàng để gài mìn bao gồm hồ thủy điện, nhà máy lọc dầu, cơ sở công nghiệp, nhà ga và kênh đào.
Việc chế tạo mìn bước đầu được xúc tiến tại Đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí đóng tại thành phố Kent vào năm 1954. Trong báo cáo đánh giá về kế hoạch Chim công xanh trình chính phủ năm 1955, các chuyên gia quân đội Anh viết: “Mìn hạt nhân được cài cẩn thận sẽ không chỉ phá hủy trang thiết bị và cơ sở hạ tầng trên diện rộng mà còn khiến đối phương không thể chiếm giữ một khu vực nào đó trong thời gian dài vì ô nhiễm phóng xạ”.
Người Anh từng nghiên cứu dùng gà giữ ấm cho mìn hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh Wikipedia

Ý tưởng “chuồng gà”
Theo chuyên san New Scientist, mìn Công xanh có trọng lượng khoảng 7 tấn với lõi plutonium nằm giữa lớp chất nổ được bọc bằng vỏ thép. Trong quá trình thiết kế, các chuyên gia nhận ra rằng loại vũ khí này đặc biệt nhạy cảm với thời tiết và dễ dàng bị đông cứng nếu nằm dưới lòng đất trong mùa đông. Vì thế, các bộ phận của mìn phải luôn được giữ ở nhiệt độ bình thường để có thể hoạt động hiệu quả. Nhiều ý tưởng khắc phục đã được đưa ra, chẳng hạn như bọc mìn bằng lớp bảo vệ làm từ sợi thủy tinh.
Tuy nhiên, BBC dẫn tài liệu giải mật cho biết những người đứng đầu kế hoạch Chim công xanh lại đặc biệt chú ý đến một đề xuất “đơn giản, hiệu quả với chi phí cực thấp”. Đó là lợi dụng thân nhiệt của gà sống để bảo vệ mìn.
Một tài liệu soạn thảo năm 1957 khẳng định gà sống có khả năng tạo ra nhiệt lượng đủ để đảm bảo mìn vẫn hoạt động. Gà được chọn phải là gà mái vì gà trống thường hung hăng, mổ lung tung và “không thể kiểm soát trong giai đoạn giao phối”. Chúng được thả vào bên trong quả mìn cùng một lượng thức ăn để có thể “sống khỏe” mà không mổ vào hệ thống dây dẫn.
Có điều, người đề xuất ý tưởng đã không tính tới chuyện là dù trong điều kiện tốt nhất thì một con gà cũng chỉ có thể sống trong quả mìn tối đa khoảng 7 ngày. Sau đó lại phải đào lên để thay con khác vào.
Theo BBC, khi những thông tin “điên rồ” này lần đầu được giải mật, nhiều người còn tưởng đó là chuyện Cá tháng 4. Đáp lại, chuyên gia Tom O’Leary thuộc Cục Lưu trữ quốc gia Anh nói: “Nghe thì tưởng chuyện đùa nhưng không phải đâu. Quân đội không bao giờ đùa”.
Bên cạnh những thách thức về kỹ thuật, hạn chế lớn của kế hoạch Chim công xanh là không thể ngăn chặn phóng xạ lan rộng sang cả những thành phố khác của Tây Đức cũng như các quốc gia bạn bè. Đó là chưa kể hậu quả về chính trị khi cài mìn hạt nhân trên lãnh thổ của một đồng minh.
Cuối cùng, Bộ Quốc phòng Anh quyết định hủy Operation Blue Peacok vào tháng 2.1958. Chỉ có 2 phiên bản mẫu của mìn hạt nhân được chế tạo và hiện được Lực lượng Vũ khí hạt nhân Anh trưng bày làm hiện vật lịch sử của thời Chiến tranh lạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.