Mới đây, người mẫu Châu Bùi chia sẻ về việc bị quay lén trong nhà vệ sinh khi đang thử đồ tại studio ở Q.3 (TP.HCM). Trong bài chia sẻ, Châu Bùi cho biết trước khi thử đồ, cô và ê kíp đã cẩn trọng kiểm tra gương, tường… Tuy nhiên sau 30 phút làm việc, người đẹp 9X phát hiện chiếc đồng hồ gắn camera quay lén được giấu sau khăn trắng ở nhà vệ sinh. Khi trích xuất hình ảnh từ đồng hồ, Châu Bùi hoang mang khi những hình ảnh nhạy cảm của mình trong lúc thay đồ được ghi lại rõ nét. Sự việc khiến fashionista 9X khá sốc và đã trình báo lên cơ quan chức năng.
Vụ việc của Châu Bùi đang trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và khiến nhiều người bức xúc. Nhiều người tỏ thái độ bất bình, lên án hành vi của đối tượng đặt camera quay lén. Theo dân mạng, vấn nạn quay lén trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với người nổi tiếng mà còn của tất cả mọi người, đặc biệt là phái nữ. Bởi hành vi này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe và danh dự người bị hại. Các ý kiến đều cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp này.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc đối tượng đặt camera quay lén Châu Bùi trong nhà vệ sinh là hành vi vi phạm pháp luật. Theo luật sư Tuấn, căn cứ quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi 2017, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Do đó, hành vi tự ý chụp ảnh, ghi hình người khác và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý hoặc sai mục đích như đã thỏa thuận mà gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự thì bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Kẻ quay lén Châu Bùi trong nhà vệ sinh có thể bị xử phạt ra sao?
Luật sư Tuấn phân tích, đối với trường hợp đối tượng đã thực hiện hành vi quay lén, nhưng chưa phát tán, sử dụng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt cho cá nhân có hành vi tự ý chụp, đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, tang vật (các trang thiết bị điện tử sử dụng để đăng tải các hình ảnh gây thiệt hại cho danh sự, nhân phẩm của người khác).
Bên cạnh đó, luật sư Tuấn cũng phân tích về chế tài hình sự: "Trường hợp người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm. Trường hợp người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" theo quy định tại Điều 326 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 6 tháng tới 15 năm".
Ngoài những chế tài xử lý kể trên, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ quay lén thì mọi người cần cẩn thận, đề cao cảnh giác khi sử dụng nhà vệ sinh, khách sạn hoặc những nơi công cộng. Trường hợp phát hiện những điều bất thường hoặc nhìn thấy những vật thể lạ có khả năng ghi hình ở những khu vực riêng tư thì chủ động không sử dụng nơi này và ngay lập tức cảnh báo cho người xung quanh cùng quản lý của khu vực để được giải quyết. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật kể trên, mọi người cần phải bình tĩnh và nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để được can thiệp và hỗ trợ kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình luận (0)