Để ngăn chặn khủng bố, Mỹ đã triển khai hàng loạt chiến dịch trên thế giới. Họ cũng tăng cường kiểm soát cửa khẩu, sân bay, bến cảng. Thế rồi, đột nhiên những chiếc máy bay dân dụng bị quân khủng bố khống chế đã đâm đầu vào nhiều nơi trọng yếu trong lòng nước Mỹ. Cú đấm từ bên trong này, xảy ra vào ngày 11.9.2001, khiến người Mỹ giật mình phát hiện ra mối đe dọa mới.
Từ sau vụ 11.9, an ninh trong lòng nước Mỹ được tăng cường tối đa. Siêu cường số 1 thế giới cũng tiến hành hai cuộc chiến tranh trong một chiến dịch tổng thể mà họ gọi là Cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng vào một ngày đầu tháng 11.2009, người Mỹ lại bị tấn công ngay từ bên trong. Vụ thiếu tá quân y Nidal Malik Hasan xả súng bắn chết đồng đội tại căn cứ Fort Hood ở tiểu bang Texas một lần nữa khiến người Mỹ giật mình. Thì ra, kẻ thù của họ không chỉ có Taliban, al-Qaeda hay một quốc gia thù địch nào đó.
Buổi trưa Fort Hood
Nidal Malik Hasan là một sĩ quan quân y. Dù có một vài vấn đề trong thời gian phục vụ quân đội, nhưng quân nhân Hồi giáo này chưa từng bị kỷ luật và vẫn đảm đương công việc điều trị cho những người bị khủng hoảng tinh thần sau khi trở về từ các chiến trường Afghanistan và Iraq.
Một buổi tối, không lâu trước chuyến đi dự định tới Afghanistan, Hasan đột nhiên quan tâm đến bạn bè, hàng xóm. Viên thiếu tá gọi điện cho bạn thân, cảm ơn về những gì mà họ đã dành cho mình. Hasan còn cho hàng xóm láng giềng những gì mà mình có, mớ bông cải ướp lạnh, chiếc đèn bàn, cuốn kinh Koran, một số khoản tiền nhỏ.
Ai cũng nghĩ viên thiếu tá quân y, trước lúc lên đường sang Afghanistan, muốn bày tỏ tình cảm với bạn bè, hàng xóm. Những người sống trong khu chung cư với Hasan không hề biết rằng sau những phút giây chan hòa đó là một bi kịch đẫm máu. Vào buổi trưa ngày 5.11, thay vì mang tới trung tâm y tế của doanh trại Fort Hood những dụng cụ phục vụ cho công việc của một bác sĩ, Hasan thủ trong người hai khẩu súng ngắn và rất nhiều đạn, một khẩu FN Five-seven (FN 5.7 mm) và một khẩu Smith & Wesson .357 Magnum.
Tại trung tâm y tế, nơi các quân nhân đang kiểm tra sức khỏe để chuẩn bị ra chiến trường, không ai được phép mang theo súng. Và trong khi họ đang hồi hộp trước một mũi tiêm hoặc một thủ tục khó chịu của bác sĩ, thì hung thần xuất hiện. Hung thần là thiếu tá, bác sĩ Nidal Malik Hasan. “Thượng đế vĩ đại”, hung thần nhảy lên bàn và hét bằng tiếng Ả Rập, rồi bắt đầu xả súng. Theo các nhân chứng thì Hasan chủ yếu bắn vào những người mặc quân phục.
Trong khi rượt theo các nạn nhân, hung thần đã đối mặt với Kimberly Munley, một thượng sĩ cảnh sát địa phương. Cuộc đọ súng quyết liệt diễn ra, giữa Hasan và Munley. Nữ thượng sĩ bắn trúng mục tiêu vài phát, đổi lại, cô lãnh 3 phát đạn vào chân và cổ tay. Khi Munley khuỵu xuống, đồng đội Mark Todd nhào tới tiếp lửa. Sau vài phát súng của Todd và Munley, Hasan đổ gục. Trung sĩ Todd nhào tới, đá văng súng khỏi tay sát thủ và chụp đôi còng số 8 xuống. Diễn biến chỉ kéo dài khoảng 10 phút, nhưng có tới 13 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Hung thủ bị bắn ít nhất 4 phát, sau khi đã bắn đi khoảng 100 viên đạn, theo hãng tin AP.
Bi kịch
Buổi sáng ngày xảy ra thảm kịch, binh nhì Francheska Velez, 21 tuổi, gọi điện về cho chị họ ở Chicago thông báo tin mừng, rằng cô vừa mang thai được 9 tuần. Velez bảo cô đã bắt đầu có cảm giác nặng nề cũng như chuẩn bị đi mua sắm áo quần cho sinh linh bé bỏng sắp chào đời.
Nhưng rồi, một trong số những viên đạn từ mũi súng của Hasan đã kết liễu tất cả. Người mẹ đầy lạc quan, đứa bé sắp chào đời, sự mong đợi của người thân, tất cả đều chấm hết sau buổi trưa oan nghiệt đó.
Quân nhân Michael Pearson, 21 tuổi, bỏ ngang công việc ở một công ty bán đồ nội thất tại thành phố Bolingbrook, bang Illinois, để gia nhập quân đội cách đây một năm. Trong suốt năm qua, Pearson không về nhà gặp mẹ vì bận luyện tập. Vào ngày 3.11, anh gọi điện cho mẹ để thông báo kế hoạch về nhà dịp Giáng sinh. Nhưng rồi, đêm Giáng sinh yên bình đó chẳng bao giờ tới nữa.
Sau sự kiện ngày 11.9.2001, Amy Krueger gia nhập quân đội với quyết tâm trả thù trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng mong muốn trả thù chưa hoàn tất, thì thảm kịch Fort Hood ập đến.
Tổng thống Barack Obama đã nói về nỗi đau đớn khi người Mỹ mất đi những quân nhân trên ngay trên đất nước mình, chứ không phải đâu đó giữa chiến trường Afghanistan ác liệt. Lời ông Obama đã gói gọn bi kịch của nước Mỹ. Trong khi cường quốc quân sự này đang làm mọi cách để bảo đảm an ninh cho đất nước, trong đó có cả những chiến dịch đồ sộ ở nước ngoài, thì ngay trên đất nước họ, trong căn cứ quân sự lớn nhất nhì của họ, một quân nhân đã nổ súng vào đồng đội.
Trong những cuộc chiến tranh của quá khứ, người Mỹ có kẻ thù là một quốc gia hoặc một liên minh quốc gia. Gần hơn, trong cuộc chiến với khủng bố, người Mỹ có kẻ thù là một lực lượng không lãnh thổ, không biên giới, không quân đội chính quy, một dạng kẻ thù vô hình, rất khó đối phó. Còn trong trường hợp của Fort Hood, kẻ thù của nước Mỹ là ai? Là một quân nhân của chính họ. Nhưng không đơn thuần là một quân nhân.
Kẻ thù bên trong
Hasan được đưa tới điều trị tại Trung tâm Quân y Brooke ở San Antonia, tiểu bang Texas. Đến ngày 9.11, phát ngôn viên Dewey Mitchell của Trung tâm Brooke cho biết Hasan đã hồi tỉnh và có thể nói được. Ngày 13.11, các bác sĩ thông báo nghi phạm bị liệt từ hông trở xuống và có thể sẽ không bao giờ đi được. Trước đó một ngày, Bộ chỉ huy Cơ quan Điều tra tội phạm quân đội đã thông báo truy tố Hasan 13 tội danh giết người, theo báo New York Times.
Một vụ thảm sát đã xảy ra, nghi phạm duy nhất được xác định và một tòa án binh sẽ được mở. Nhưng việc xử lý vụ án này, dù phức tạp, vẫn đơn giản hơn nhiều so với việc xác định kẻ thù thực sự của nước Mỹ trong vụ này là ai.
Hasan, do quá lo lắng trước việc sắp bị chuyển sang chiến trường Afghanistan, đã trở nên bấn loạn và xách súng xả vào đồng đội như một phương cách giải tỏa căng thẳng. Cái kiểu phát cuồng lên rồi giết bừa không hiếm gặp ở Mỹ. Nhưng có thực sự đây là một cơn khủng hoảng tinh thần?
Báo Telegraph ngày 10.11 dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay trong hai năm qua, Hasan từng liên lạc với giáo sĩ Anwar al-Awlaki, nhân vật được cho là “cố vấn tinh thần” của một số kẻ tham gia không tặc trong sự kiện 11.9.2001. Tờ báo cho hay tình báo Mỹ đã phát hiện được các cuộc liên lạc bằng thư điện tử.
Sau vụ bắn giết tại Fort Hood, Al-Awlaki, là giáo sĩ tại đền thờ Dar al-Hijrah ở khu dân cư Great Falls thuộc tiểu bang Virginia, đã tung lên internet lời ca ngợi: “Nidal Hasan là một người anh hùng. Anh ta là người có lương tâm, không chấp nhận làm một người Hồi giáo phục vụ trong cái quân đội đang chống lại chính người đồng đạo của mình”.
Al-Awlaki còn kêu gọi những người Hồi giáo đang phục vụ quân đội Mỹ “theo bước Hasan”.
Những chi tiết được Telegraph dẫn ra ở trên chưa cho thấy Hasan thuộc một tổ chức khủng bố nào và hành động xả súng ở Fort Hood là việc thực thi một mệnh lệnh nào đó. Tuy nhiên, liên kết những chuyện này lại với các hành vi của Hasan và những gì mà nhân vật này đã trải qua, có thể thấy nhiều vấn đề.
Là một quân nhân, nhưng Hasan từng nhiều lần lên tiếng chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ tại các vùng đất của người Hồi giáo. Trong một hội thảo ở Bệnh viện Quân y Walter Reed, Hasan đã nói rất nhiều về đạo Hồi, trong đó có các ý: Chiến đấu để thành lập một nhà nước Hồi giáo theo ước nguyện của Thượng đế, dù bằng vũ lực, đều được tha thứ trong đạo Hồi; quân nhân theo Hồi giáo không nên phục vụ trong bất cứ lĩnh vực nào khiến họ phải đối mặt với nguy cơ giết hoặc làm bị thương những tín đồ đạo Hồi một cách oan uổng.
Có thể, từ những tư tưởng này, cộng với những tư tưởng cực đoan được Anwar al-Awlaki truyền cảm hứng, Hasan đã trở nên cực đoan. Và khi nhận được lệnh sang Afghanistan, đối mặt với một lực lượng Hồi giáo, Hasan đã quyết định xách súng bắn vào đồng đội. Đây không đơn thuần là một cơn quẫn trí mà là kết quả của sự dồn tụ những tư tưởng cực đoan trong thời gian dài.
Các chứng cứ được công bố rộng rãi mới đây còn cho thấy Hasan từng bị kỳ thị vì sắc tộc và tôn giáo, xe hơi của Hasan có lần đã bị phá vì động cơ trên. Cái này một ít, cái kia một ít đã tích tụ thành một khối cực đoan trong con người Hasan để rồi một ngày, quân nhân Hồi giáo này phải xả ra hết, bằng những loạt đạn nhằm vào đồng đội.
Người Mỹ phải xem xét tất cả những điều này một cách tường tận, để có thể xác định được kẻ thù bên trong đất nước họ. Kẻ thù đó không phải là một con người Hasan bằng xương bằng thịt, mà là những tác nhân, những yếu tố dẫn đến sự hình thành những con người như Hasan.
Cuộc chiến này cũng cam go như, nếu không muốn nói là phức tạp hơn, cuộc chiến đang xảy ra ở Afghanistan và Iraq.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)