"Kẻ thù" của phái nữ

26/09/2005 23:12 GMT+7

Nám da (sạm da), tàn nhang ở mặt, lão hóa da là "kẻ thù" không đội trời chung của chị em phụ nữ, là nỗi quan tâm, lo lắng đối với họ. Thoạt nhìn, bệnh có vẻ không có gì là "dữ dội", tuy nhiên đây là bệnh không những gây mặc cảm cho các chị em, mà nó còn gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ điều trị.

Nám da

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - giảng viên bộ môn Da liễu (Trường Đại học Y - Dược, TP.HCM) thì: có nhiều nguyên nhân gây nên nám da ở mặt như do nội tiết; yếu tố thần kinh tâm lý (chẳng hạn bị căng thẳng, stress, mất ngủ cũng làm cho da mặt bị sạm hơn); do phơi nắng; dùng mỹ phẩm bừa bãi; do uống thuốc ngừa thai; hay một số thuốc kháng sinh (như, Tetracylin, Doxycilin - làm cho da tăng nhạy cảm với ánh nắng)...

Nám da mặt là tình trạng tăng sắc tố melanin bất thường, với những mức độ khác nhau, phát triển chậm và có tính chất đối xứng trên gò má, cằm, trán... Nám da có thể xảy ra trong lúc có thai, uống thuốc ngừa thai hoặc các hormon sinh dục khác. Nám da thường gia tăng sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, và đôi khi tăng đậm trong lúc có kinh.

Có 3 nguyên tắc chính trong điều trị nám da theo bác sĩ Sương, đó là: chống nắng tích cực (biện pháp thông thường mà ai cũng có thể tự làm được đó là đội nón rộng vành, che mặt khi ra nắng); dùng hóa chất làm nhạt màu vết nám; và phải biết nhẫn nại. Điều trị nám da mặt không đơn giản, thường cho kết quả kém. Việc điều trị chủ yếu chỉ giúp làm giảm phần nào độ sậm của thương tổn, chứ không thể hết hẳn được. Hơn nữa, trên cùng một người, nguyên nhân gây bệnh cũng khá phức tạp, có khi là một, nhưng cũng có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp gây nên. Việc điều trị nám da muốn có kết quả tốt, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc. Sai lầm hay mắc phải của các chị em phụ nữ là tự ý dùng các loại thuốc, kem bôi tự pha chế, không rõ nguồn gốc. Đây là những sản phẩm cho kết quả rất nhanh, làm trắng da nhất thời, giả tạo bởi chất Corticoid, nhưng sẽ gây tổn hại cho da về sau, làm nổi nhiều mụn, teo da, giãn mạch... Riêng đối với những trường hợp nám da do dị ứng thuốc, do dùng các thuốc kháng sinh như nói ở trên, theo bác sĩ Sương, thì bệnh sẽ khỏi hẳn khi ngưng thuốc và


Nám da ở mặt - kẻ thù của phái nữ (ảnh: Hạ Mai)

được điều trị đúng.

Tàn nhang ở mặt

Tàn nhang không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ gây mất thẩm mỹ. Điều trị tàn nhang, có thể sử dụng các hóa chất làm nhạt màu tàn nhang (như sử dụng oxy già, thủy ngân), phương pháp này người bệnh có thể tự làm ở nhà được; một số trường hợp có thể dùng phương pháp laser; trong trường hợp tàn nhang mọc nhiều và sậm màu, việc điều trị cần đến một số thuốc, mỹ phẩm... cần phải có sự chỉ định, hướng dẫn rõ ràng (cách dùng, thời gian điều trị...) từ bác sĩ chuyên khoa.

Cũng như nám da, việc phòng ngừa tàn nhang là rất quan trọng. Phương pháp đơn giản dễ làm giống như phòng nám da, đó là bảo vệ da khi đi nắng như: đội nón rộng vành, che mặt bằng khăn vải...

Lão hóa da   

Trong khi những biểu hiện lão hóa của các cơ quan nội tạng âm thầm, ẩn giấu bên trong, thì lão hóa da được thể hiện ra bên ngoài, dễ nhận thấy cả bằng mắt thường, nhất là trên khuôn mặt. Thật là không tưởng, khi nói rằng con người trẻ mãi không già. Lão hóa da nằm trong tiến trình chung của lão hóa cơ thể. Có hai cơ chế gây lão hóa da (nội sinh và ngoại sinh). Nội sinh đó là: tuổi tác (là điều không tránh khỏi); được quy định bởi gien, có thể thay đổi theo yếu tố chủng tộc gia đình, hay yếu tố nòi giống chủng tộc... Lão hóa da theo cơ chế ngoại sinh như: do ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vai trò của tia cực tím, đặc biệt là tia A và tia B (tia A góp phần làm già da, lão hóa da. Còn tia B gây đen da, phỏng da, ung thư da...); thuốc lá; rượu; và chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự lão hóa da nhanh.

Biểu hiện của lão hóa da bao gồm: da khô; bất thường về màu sắc như: tàn nhang, tăng sắc tố làm mất sắc hồng hào, da ngả màu vàng...; các nếp nhăn da, gồm các nếp nhăn nhỏ hay các rãnh sâu; các tổn thương giả sẹo hình sao; da sần ráp; da kém đàn hồi; vết bầm da; giãn mao mạch; cồi trứng cá và tăng sinh tuyến bã.

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, trong điều trị lão hóa da, ngoài việc dùng các hoạt chất chống lão hóa; điều trị toàn thân; thì còn có thể can thiệp bằng các thủ thuật như: lột da, bào da, tái tạo da bằng laser CO2...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.