Chiếc xe dã chiến của Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai nhảy chồm chồm qua hơn 70km đường biên giới bị mưa lũ bóc trơ đá hộc, ổ voi, ổ trâu chi chít, cuối cùng dừng lại bên cột mốc số 88, thuộc xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát, cực bắc biên giới giáp Trung Quốc (TQ) của tỉnh Lào Cai.
Thượng tá Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma tuý và TNXH - dẫn tôi xuống phía dưới con suối Lũng Pô để thấy dấu vết của cuộc vật lộn quyết liệt, cây cỏ gãy rạp, đất đá bắn tung toé.
Đó chính là nơi chị Thào Thị Dung - người dân tộc Mông, 19 tuổi, là mẹ của đứa con nhỏ mới 4 tháng tuổi đã bị kẻ xấu bịt mặt, dùng dao găm khống chế bắt cóc đem sang TQ bán.
Con suối Lũng Pô phân chia biên giới mùa này nước cạn, rất nông, nhiều chỗ lội bộ qua dễ dàng. Kẻ xấu lợi dụng điều đó, phục kích trong các lùm cây ven đường để bắt cóc phụ nữ đi lẻ vào lúc sáng sớm hoặc gần tối mang qua biên giới.
Tại Đồn biên phòng A Mú Sung, tôi gặp Thào Thị Dung may mắn được Bộ đội biên phòng giải cứu trở về (đang ở lại đồn dưỡng sức và làm các thủ tục cần thiết trước khi trở về gia đình) kể lại câu chuyện hai ngày ác mộng.
Dung kể: Sáng ngày 7.11, mới hơn 5 giờ sáng, chị đã vén chăn trở dậy, bảo chồng vẫn còn đang ngái ngủ ở nhà trông đứa con mới được hơn 4 tháng tuổi, để tranh thủ lên rừng kiếm củi rồi về đi làm nương. Địu lù cở nặng chất đầy củi khô trên lưng, đến cột mốc số 88 thuộc xã A Lù, huyện Bát Xát, chỉ còn một đoạn ngắn nữa là về đến nhà thì bất ngờ có hai kẻ đàn ông bịt mặt từ trong bụi rậm cạnh đường nhảy ra chặn lối đi.
Một tên bóp chặt cổ Dung đến nghẹn thở, sùi bọt mép. Tên kia gí lưỡi dao nhọn kề ngang cổ, cứ thế Dung bị chúng lôi xềnh xệch qua suối Lũng Pô sang đất TQ. Dung bị những kẻ bắt cóc dẫn đi lung tung trong rừng rậm, đi suốt cả một đêm nhằm làm cho lạc phương hướng, không biết đường nào mà lần...
Đến đêm thứ hai, bọn bắt cóc đưa Dung vào một cái hang đá, cử một tên ở lại canh giữ cùng với con dao nhọn trên tay. "Trong tình cảnh ấy, em nghĩ rằng phải tìm cách thoát khỏi bàn tay bọn ác quỷ, dù có phải giết chúng hoặc bị chúng giết, để trở về với chồng và con. Em đã lén lấy được con dao nhọn mà tên bắt cóc kia không hay biết, định liều mạng với nó. Nhưng nghĩ lại, sức mình yếu sợ không làm nổi, bị nó giết thì sao? Thế là em cầm con dao nhọn vứt ra xa, lặng lẽ bò đến gần lấy được chiếc đèn pin của bọn chúng để trong túi dết, rồi chạy ra rừng ". - Dung nói.
Dung chẳng nhớ rõ đã chạy bao nhiêu tiếng đồng hồ trong đêm tối mịt mùng nơi hoang lạnh, bất chợt nghe tiếng chó sủa ran và ánh đèn le lói phía trước. Mừng quá, vì gặp được dân bản lúc này là tìm được đường sống. May mắn làm sao, người dân TQ ở vùng này nói cùng ngôn ngữ của dân tộc Mông nên Dung giao tiếp được với họ. Hiểu rõ sự tình, vợ chồng người chủ nhà tốt bụng cho Dung ăn uống, sáng hôm sau đến báo với trưởng thôn....Chiều ngày 13.11, tại Đồn biên phòng A Mú Sung, Thào Thị Dung đã đoàn tụ với chồng, con.
Khoảng 11 giờ ngày 1.11, chị Tráng Tả Mẩy, sinh năm 1966, dân tộc Hà Nhì - trú tại thôn Nậm Mít, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát khi đang gùi lúa từ trên nương về nhà thì bị hai đối tượng đàn ông bịt mặt, phục kích ngay cạnh đường, gí dao nhọn vào cổ, lấy băng keo dán chặt mồm, vác qua suối Lũng Pô đưa sang TQ. Nạn nhân giãy giụa, kêu cứu, rất may Bộ đội biên phòng Trạm Lũng Pô và một số công nhân của đơn vị đang thi công đường tuần tra biên giới phát hiện truy đuổi, nên hai đối tượng bắt cóc đã bỏ chạy sang TQ, chị Mẩy được giải thoát.
Trước đó, ngày 22.4.2009, chị Giàng Thị Chư, 17 tuổi, dân tộc Mông - trú tại thôn Bản Phố, xã Ngải Chồ, huyện Mường Khương - đang cùng bố đẻ đi chợ Lao Cái Chư ( Sèo Thầu- TQ) khi quay về cách đường biên khoảng 50 mét thì bị 3 người đàn ông dùng hung khí tấn công, bịt mồm, bắt cóc đưa lên xe máy chạy sâu vào đất TQ. Đồn biên phòng Pha Long đã phối hợp với Trạm biên phòng Lao Kha ( TQ) giải cứu được nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng Phòng, chống ma tuý và TNXH - cho biết, gần đây trên tuyến biên giới Mường Khương và Bát Xát (Lào Cai) xuất hiện loại tội phạm bắt cóc phụ nữ qua biên giới. Loại tội phạm này rất nguy hiểm và gây nhiều khó khăn trong đấu tranh, phòng chống do tính chất manh động, sử dụng hung khí để cướp người một cách ngang nhiên.
Theo Quốc Hồng / Lao Động
Bình luận (0)