(TNO) Keangnam là tòa nhà nằm trên lãnh thổ Việt Nam nên mọi hoạt động phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vì vậy, chủ đầu tư không được “phá rào”, tự ý thu phí vượt quá quy định của UBND TP.Hà Nội và cắt dịch vụ ảnh hưởng đến đời sống cư dân.
Phải thu đúng quy định!
Chiều 6.12, đại diện các cơ quan chức năng có mặt tại cuộc họp giải quyết về mức phí giữa cư dân và chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam đã đưa ra ý kiến nói trên.
Theo ông Đào Văn Quýnh, Chủ tịch UBND xã Mễ Trì, Keangnam phải chấp hành thu mức phí dịch vụ đúng theo quy định của UBND TP.Hà Nội.
Tuy nhiên, do đây là tòa nhà hiện đại, có những đặc thù kỹ thuật và quản lý riêng nên cần có sự thỏa thuận với cư dân trước khi áp dụng mức phí khác. Trong thời gian chưa tìm được sự đồng thuận giữa hai bên, Keangnam phải thu đúng mức phí do UBND TP.Hà Nội quy định.
|
Đồng quan điểm với người đứng đầu xã Mễ Trì, ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư Keangnam phải tuân thủ quy định của thành phố về mức phí thu và không được tự ý cắt dịch vụ trong tòa nhà. Các khoản thu, chi vượt trội phải minh bạch, trên cơ sở thỏa thuận và được cư dân đồng ý thì mới được áp dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó trưởng ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, mặc dù đặc thù của Keangnam là không tự quản lý mà đi thuê một công ty khác nhưng không được tự ý nâng mức phí dịch vụ vượt quá quy định của thành phố.
“Chủ đầu tư không được tự ý cắt những dịch vụ thiết yếu làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong tòa nhà. Do tòa nhà có sử dụng thang máy nên phải đảm bảo an toàn và vệ sinh khi hoạt động”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, mức phí 4.000 đồng/m2 của thành phố đưa ra chưa bao gồm các dịch vụ: internet, bể bơi, truyền hình, tennis… nên chủ đầu tư tòa nhà cần phải thỏa thuận trước với người dân khi thu phí những dịch vụ này.
Lập tổ điều phối giải quyết tranh chấp
Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, yêu cầu: trong thời gian xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho người dân sinh sống trong tòa nhà và tuân thủ mức phí của TP.Hà Nội.
Tới đây, huyện Từ Liêm sẽ thành lập tổ điều phối theo quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư tòa nhà và cư dân.
Thượng tá Phạm Ngọc Kim, Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm, cũng nhắc nhở: Keangnam đã để xảy ra nhiều sự cố nhưng lại thiếu phối hợp; chưa báo cáo kịp thời những sự cố với cơ quan chức năng, chính quyền.
Đặc biệt, đại diện công an yêu cầu chủ đầu tư và cư dân Keangnam không được gây rối, làm mất trật tự trị an của địa phương. Các cư dân trong tòa nhà phải đăng ký tạm trú đầy đủ để chính quyền quản lý vì hiện nay, tuy Keangnam có đến 924 người ở nhưng mới chỉ có 17 người đi khai báo.Theo Thượng tá Kim, Keangnam và cư dân cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền để thành lập tổ dân phố, đại diện của người dân. Thượng tá Kim nhấn mạnh: “Ban quản trị mà chủ đầu tư đề xuất chỉ là tạm thời”.
Trước đó, cư dân sống ở tòa nhà cao nhất Việt Nam kiên quyết không chịu đóng mức phí dịch vụ 18.843 đồng/m2/tháng do chủ đầu tư áp đặt vì cho rằng mức phí đó quá đắt so với mức phí do TP.Hà Nội quy định (4.000 đồng/m2).
Keangnam giải thích: với mức 4.000 đồng/m2, chủ đầu tư không đủ kinh phí vận hành các dịch vụ. Ngay đến mức 18.843 đồng/m2 còn vẫn lỗ nên không thể hạ thấp hơn.
Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina từng bày tỏ: phía cung cấp dịch vụ đã làm với tinh thần “phục vụ” và không hề có lãi. Nếu cư dân không hài lòng có thể tự đi tìm nhà quản lý khác.
Tranh chấp giữa hai bên không ngừng gia tăng, đỉnh điểm là vào ngày 3.12.2011, chủ đầu tư Keangnam đã tự ý khóa thẻ ra vào thang máy, tháo bớt bóng đèn ở khu vực công cộng, cắt điện, khóa lối thoát hiểm… khiến nhiều người không vào được nhà…
Thái Sơn - Lê Quân
>> Bị bắt chẹt ở tòa nhà Keangnam
>> Người dân tại tòa nhà cao nhất VN phản đối vì bị cắt điện
>> Phải có ban quản lý do dân bầu
Bình luận (0)