'Kền kền Mỹ' và chuyện kiếm lời 1.200% trên nợ nước ngoài

20/06/2016 14:41 GMT+7

Vừa qua, chiến thắng của các quỹ đầu tư Mỹ trên nợ Argentina khiến thế giới chú ý. Có quỹ lời 1.200% từ vụ này. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn góc nhìn cận cảnh về cách các chú ‘kền kền Mỹ’ kiếm tiền.

Đầu tháng 3, nhiều quỹ đầu tư Mỹ có chiến thắng cộng hưởng trong cuộc chiến 15 năm với nợ Argentina. Quỹ Bracebridge Capital ở bang Massachusetts (Mỹ) thu 950 triệu USD từ khoản tiền gốc 120 triệu USD, kiếm lời 800%, theo CNN. Hãng NML Capital thì ăn lời 1.200%, theo Quartz.
Các quỹ đầu tư trong trường hợp nói trên không đổ tiền vào nhà máy. Họ được gọi là các “quỹ kền kền”, hoạt động bằng cách mua nợ của các nước đang chật vật trong khủng hoảng với giá tốt, sau đó quyết liệt khởi kiện để đòi lại.
Những chú kền kền Mỹ cố gắng đòi được thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi bằng cách sử dụng nhiều chiến thuật, trong đó có vận động hành lang để gây áp lực lên “con nợ đau khổ”. Khi Argentina và bốn quỹ đầu tư kết thúc cuộc chiến nợ dai dẳng hôm 28.2, Puerto Rico được cho sẽ là vùng lãnh thổ tiếp theo vướng vào vụ việc tương tự.
Thực tế, chuyện nợ chính phủ bị giải quyết chậm chẳng tốt cho bất cứ bên nào có liên quan. Kéo dài nợ trầm trọng hóa tình hình đau khổ của một nước và nhấn chìm triển vọng thu hồi khoản đầu tư của các chủ nợ. Một nhóm nhỏ các quỹ kền kền Phố Wall khét tiếng đã và đang tận dụng cuộc khủng hoảng của nhiều nước để tạo cơ hội kinh doanh đặc biệt. Trong 20 năm qua, những doanh nghiệp này thu về hàng tỉ USD bằng cách cắt xén hoạt động trật tự của thị trường tài chính thế giới.
Vụ việc Argentina
Người Argentina đốt cờ Mỹ giữa cuộc khủng hoảng nợ kinh tế của đất nước Reuters
Câu chuyện của Argentina khởi đầu từ khi nước này vỡ nợ năm 2001 giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội tệ nhất trong lịch sử. Sau vụ việc, một nhóm các quỹ đầu tư bao gồm NML Capital (công ty con của Elliot Management), Aurelius Capital Management, Dart Management, Blue Angel Capital, Bracebridge Capital, Olifant Fund và Montreux Partners mua trái phiếu vỡ nợ của Argentina trên thị trường thứ cấp với giá rẻ.
Các quỹ này kế đến khởi khiện tại tòa án New York, đòi Argentina phải trả đủ gốc, lãi được đề cập trong các điều khoản hợp đồng ban đầu. Vì rủi ro vỡ nợ lớn, mức lãi suất khá cao, hầu hết là khoảng 10%/năm. Lãi suất của loại trái phiếu FRAN sau khi được liên kết với nguy cơ vỡ nợ của Argentina tăng vọt lên 101%/năm.
Và rồi phe kền kền chiến thắng. Năm 2012, Thẩm phán T. Griesa phán quyết có lợi cho các công ty Phố Wall. Tháng 4 năm nay, Argentina giải quyết ổn thỏa vụ việc. Hãng NML Capital, đương sự hàng đầu, kiếm được 2 tỉ USD, tức lời 1.200%. Những chú kền kền khác cũng bỏ túi lợi nhuận kha khá.
Tiền lệ độc hại
Tỉ phú Paul Singer World Economic Forum
Martin Guzman - nghiên cứu sinh tại Trường Kinh doanh Đại học Columbia kiêm hội viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, người nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kinh tế tiền tệ và tăng trưởng kinh tế - mới đây có bài viết nhận định về vụ việc.
Ông Guzman cho rằng gọi các quỹ đầu tư như NML Capital là “kền kền” là không công bằng với loài chim này. Kền kền trong tự nhiên ít nhất cũng đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái, trong khi kền kền Phố Wall thì lại khác, họ không đóng vai trò tích cực nào cho hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế. Thay vào đó, họ phá hoại nó, cản trở việc hoàn tất của tiến trình tái cơ cấu nợ vốn cần thiết cho nền kinh tế đất nước đang chìm trong áp lực.
Chiến thuật được sử dụng trong vụ nợ chính phủ Argentina không mới. Trường hợp của quốc gia Nam Mỹ chỉ đơn giản là lớn hơn. Càng ngạc nhiên hơn, những gì các chú kền kền Mỹ vừa làm là hợp pháp, và chính họ cũng góp phần vào việc định hình hoạt động này vào pháp luật.
Ở Mỹ từng có đạo luật chống lại hành vi này, gọi là “Champerty”. Luật cấm việc mua nợ đã vỡ với ý định kiện các tổ chức phát hành. Tuy nhiên vào năm 1998, hãng Elliot Management - công ty dẫn đầu trong vụ tranh chấp nợ với Argentina - mua nợ của Peru khi nước này mất khả năng chi trả. Họ đi kiện và chiến thắng. Vụ việc thiết lập một tiền lệ khủng khiếp, ông Guzman viết.
Năm 2004, đội kền kền hưởng thắng lợi lớn hơn: Champerty bị loại khỏi luật pháp bang New York (Mỹ) đối với các giao dịch lớn hơn 500.000 USD. Thượng nghị sĩ New York John Marchi trình bày dự thảo luật và nó được thông qua. Ngày 25.3.2004, tỉ phú Paul Singer, quản lý quỹ Elliot Management, quyên góp tiền cho một nhóm có liên kết với các chính trị gia.
Đến lượt Puerto Rico?
Các quỹ đầu tư kền kền Mỹ độc hại cho hệ thống tài chính thế giới Reuters
Không có gì ngạc nhiên khi sau thời điểm đó, hàng loạt vụ tranh tụng về nợ chính phủ không có khả năng chi trả tăng lên đều trong thập niên qua. Ông Guzman cho rằng chiến thắng của kền kền Mỹ trong vụ nợ Argentina đại diện cho mức thấp mới cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức.
Dù tái cơ cấu nợ là động thái chưa đủ sâu để khôi phục khả năng tăng trưởng kinh tế của một nước, đó là lựa chọn ít tồi tệ nhất cho các chính phủ đang trong tình thế tuyệt vọng. Chiến thắng của kền kền Mỹ sẽ chỉ làm trầm trọng vấn đề này. Các nước “chúa chổm” sẽ ngày càng dễ dàng đồng ý với các điều khoản thậm chí có lợi hơn cho chủ nợ. Khi đợt bùng nổ các loại hàng hóa kết thúc, chúng ta sẽ còn thấy nhiều hơn nữa những nước bị đặt vào tình thế trên.
Gần đây nhất là chuyện xảy ra ở Puerto Rico. Dù là vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Mỹ, luật phá sản Mỹ không mở rộng đến đây. Đây là yếu tố khiến quá trình tái cơ cấu nợ mà họ đang rất cần trở nên hỗn loạn và khó hoàn thành. Puerto Rico là “vùng đất hứa” cho đội kền kền Mỹ.
Vùng quốc hải đã và đang nỗ lực rất nhiều để thuyết phục Mỹ mở rộng luật phá sản tới lãnh thổ của họ nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Hiển nhiên, một số quỹ đầu tư vận động hành lang để chống lại sự thay đổi. Puerto Rico cũng cố gắng ban hành luật phá sản riêng, song theo yêu cầu của Oppenheimer Funds và Franklin Templeton Investments, Tòa án Liên bang ở Puerto Rico và Tòa Phúc thẩm Mỹ tuyên bố đạo luật đó là vi hiến. Ngày 13.6, Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định quyết định. Quốc hội Mỹ hiện có thể thông qua luật mới để tránh một thảm họa xảy ra trong vùng chủ quyền của mình.
Không chỉ có hại cho một nước cụ thể, các quỹ đầu tư kền kền cũng đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Để cải thiện hoạt động toàn cầu hóa, cấu trúc tài chính quốc tế cần quy định mới.
Năm 2014, Liên Hiệp Quốc (UN) dẫn đầu trong việc thúc đẩy cải cách, nhưng Mỹ và Anh - hai khu vực pháp lý cho vay lớn nhất - không hỗ trợ tiến trình này. Chuyên gia Martin Guzman cho rằng đây là lúc các quốc gia tiên tiến cùng nỗ lực với các nước ít phát triển hơn, nghiêm túc suy nghĩ về các nguyên tắc làm việc hợp lý cho tất cả mọi người, không chỉ cho riêng nhóm kền kền, để bảo vệ sức khỏe nền tài chính thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.