Kênh Bắc cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước sản xuất sinh hoạt phục vụ hàng vạn người dân Thanh Hóa đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân ngang nhiên hắt phân trâu bò xuống dòng kênh - Ảnh: Ngọc Minh |
Con kênh này có chiều dài hơn 50 km, lấy nước từ đập thủy lợi Bái Thượng trên sông Chu, sau đó chảy qua các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa), có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Kênh Bắc còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ hàng vạn người dân TP.Thanh Hóa với lưu lượng hơn 50.000 m3/ngàyđêm.
Hắt phân trâu bò xuống kênh
Từ cống Ba Ngầm lấy nước thô vào các hồ lắng lọc của Nhà máy nước Mật Sơn (thuộc Công ty TNHHMTV cấp nước Thanh Hóa) ở P.Đông Vệ (TP.Thanh Hóa) ngược lên thượng lưu, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những xác chó, mèo, gà, vịt cùng nhiều mảng rác đủ loại nổi lềnh bềnh trên dòng nước chảy về xuôi. Rác thải “tập kết” tại các chân cầu, miệng cống, qua kênh, kết thành từng mảng, xộc lên mùi hôi thối, tanh tưởi. Nước bẩn là vậy, nhưng rất đông người dân vẫn vô tư giặt giũ, rửa ráy ở các bến nước dọc hai bờ kênh.
Tại đoạn kênh chảy qua địa bàn xã Thiệu Trung (H.Thiệu Hóa), một người phụ nữ khoảng 50 tuổi cầm chiếc cuốc bàn, vẹt những bãi phân trâu, phân bò trên bờ kênh thẳng tay hắt xuống dòng nước. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp, người phụ nữ ngừng tay, nói: “Tôi đang hót phân, có chi hay ho mà các chú chụp. Ngày nào tôi chả phải mần như ri. Phân trâu, phân bò ngập đường, không hót để bọn trẻ con nó tha về, cả nhà cùng ngửi à…!”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trịnh Đình Hùng, Giám đốc chi nhánh sản xuất nước TP.Thanh Hóa (thuộc Công ty TNHH MTV cấp nước Thanh Hóa), đơn vị trực tiếp vận hành Nhà máy nước Mật Sơn, cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng kênh Bắc bị ô nhiễm trong nhiều năm, trong đó chủ yếu là tác động của con người từ các sinh hoạt hàng ngày đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ dọc hai bên dòng kênh gây ra.
Phải xử lý hóa chất 2 lần
Theo ông Trịnh Đình Hùng, về nguyên tắc, Nhà máy nước Mật Sơn chỉ có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh nguồn từ phía sau cống ngầm lấy nước vào nhà máy. Tuy nhiên, do nhiều thứ rác từ thượng nguồn dồn về, nên ngoài việc phải huy động 9 công nhân chia thành 3 ca thay nhau trục vớt rác mỗi ngày, nhà máy còn phải xử lý tới 2 lần hóa chất ở 2/4 hồ lắng trước khi đưa vào hệ thống lọc sạch và khử hóa chất Clo.
“Nếu nguồn nước thô không bị ô nhiễm và bảo đảm độ an toàn nhất định thì nhà máy chỉ phải một lần xử lý hóa chất trong công đoạn lắng cặn rồi đưa vào quy trình lắng lọc và xử lý hóa chất Clo thành nước sạch sinh hoạt. Nhưng lâu nay, chúng tôi phải 2 lần xử lý hóa chất ở công đoạn lắng nước nguồn, khiến chi phí sản xuất bị đội lên”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục gia tăng, vượt tầm kiểm soát, chắc chắn nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP.Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Tại kỳ họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa qua, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhận xét tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên kênh Bắc là “rất kinh khủng”. “Vẫn biết, sau khi xử lý, lắng lọc, nguồn nước thành phẩm của Nhà máy nước Mật Sơn cung cấp cho người dân TP.Thanh Hóa là bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh. Tuy nhiên, nguồn nước thô trên kênh Bắc cung cấp cho Nhà máy nước Mật Sơn đang bị ô nhiễm hết sức đáng lo ngại”, ông Chiến nói.
Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết đã yêu cầu Sở TN-MT và các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân sinh sống dọc hai bên bờ kênh trong việc bảo vệ nguồn nước; đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị xả thải trái quy định, gây ô nhiễm nguồn nước kênh Bắc.
Bình luận (0)