Kênh đối thoại mới của Mỹ

17/08/2009 01:22 GMT+7

Sau chuyến đi thành công tới CHDCND Triều Tiên của cựu Tổng thống Bill Clinton, thượng nghị sĩ Jim Webb của Mỹ cũng thu được kết quả tốt trong cuộc viếng thăm Myanmar.

Vào hôm qua, thượng nghị sĩ Jim Webb của nước Mỹ đã rời Myanmar để đến Thái Lan bằng một máy bay quân sự, theo hãng tin AP. Đi cùng ông là John Yettaw, người vừa bị kết án tại Myanmar.

Vậy là chuyến đi của nhà lập pháp Mỹ đã thành công. Một công dân Mỹ đã thoát khỏi bản án của Myanmar. Nhưng không chỉ có thế, kết quả này còn ươm mầm cho những hy vọng về đối thoại giữa chính quyền Washington với một đối tượng mà trước nay họ rất khó nói chuyện.

Trong chuyến thăm, theo AP, ông Webb đã gặp thống tướng Than Shwe, lãnh đạo cao nhất của Myanmar. Ông cũng có dịp tiếp xúc thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi, người bị chính quyền Myanmar quản thúc từ nhiều năm nay và mới đây phải lãnh thêm một bản án quản thúc nữa.

Lâu nay, các chính phủ Mỹ, bất kể là Dân chủ hay Cộng hòa, luôn cứng rắn đối với giới lãnh đạo quân sự Myanmar, đặc biệt là trong các vấn đề dân chủ và nhân quyền. Chính sách cấm vận khắc nghiệt mà Washington áp dụng đối với quốc gia vùng Đông Nam Á thể hiện cụ thể lập trường đó.

Nhưng cấm vận, trừng phạt, đối đầu mấy chục năm qua đã không thể giải quyết được vấn đề giữa Mỹ và Myanmar. Cũng tương tự như vấn đề CHDCND Triều Tiên, sự đối đầu lâu nay đã khiến tình hình ngày càng thêm trầm trọng. Thế nên, bằng cách này hay cách khác, cần phải có kênh đối thoại.

Ông Jim Webb, 63 tuổi, là nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Virginia tại Thượng viện Mỹ từ tháng 1.2007. Ông từng là sĩ quan Thủy quân lục chiến tại chiến trường Việt Nam và từng giữ nhiều vị trí cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Phu nhân của ông là bà Hong Le, sinh quán tại Vũng Tàu. Trên website riêng, ông Webb cho biết mình nói được tiếng Việt. Sau khi tới Myanmar, ông đã tới Thái Lan vào hôm qua, sau đó sẽ đến Việt Nam và Campuchia.

Trước khi trở thành tổng thống, ông Barack Obama đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các quốc gia thù địch, một ý tưởng từng bị nhiều đối thủ chê là “ngây ngô”. Khi lên cầm quyền, ý tưởng này của ông đã bộc lộ nhiều lúc, nhiều nơi và dưới nhiều hình thức. Đã có một số dấu hiệu đối thoại giữa Mỹ và Cuba, mà mới đây nhất là sự biến mất của những khẩu hiệu thù địch tại Havana. Tương tự, sau một loạt hành động gây căng thẳng từ CHDCND Triều Tiên, tình hình đã dịu bớt đôi phần sau chuyến đi của cựu Tổng thống Clinton. Ông Clinton đến Bình Nhưỡng, kết quả không chỉ là việc hai nhà báo Mỹ được trả tự do mà còn mở ra triển vọng đối thoại.

Sau câu chuyện Clinton, giờ đến câu chuyện Jim Webb, với một kịch bản tương tự, với những kết quả và triển vọng tương tự. Ông Clinton và ông Webb không phải là thành viên của Chính phủ Obama nên các chuyến đi của họ không thể hiện sách lược chính thức của Nhà Trắng. Nhưng kết quả cùng tính hệ thống của những chuyến đi này cho thấy đây là một chủ trương, một biện pháp ngoại giao của chính quyền mới tại Mỹ. Nội dung chi tiết các hoạt động, các cuộc đối thoại của ông Clinton và ông Webb “nơi đất khách” chắc chắn đã và sẽ được Tổng thống Obama tham khảo. Còn kết quả của các chuyến đi này thì chắc chắn ông Obama sẽ tận dụng.

Nếu xem xét vấn đề trên góc độ này thì có thể nói rằng đây là phương cách ngoại giao khôn ngoan của ông Obama. Trong khi chưa chắc triển vọng đối thoại thế nào, thì cách tốt nhất là thực hiện nó một cách “không chính thức”. Nếu thành công thì sẽ dần tiến đến chính thức, bằng không thì cũng... không sao.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.