Kênh liên lạc bí mật Mỹ - Triều Tiên

Khánh An
Khánh An
19/06/2018 07:49 GMT+7

Ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, được cho là giúp mở kênh liên lạc bí mật với CHDCND Triều Tiên.

Để tiến tới cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12.6, ông Mike Pompeo đóng vai trò rất quan trọng với 2 chuyến thăm Bình Nhưỡng khi còn giữ chức giám đốc CIA và sau đó là trên cương vị ngoại trưởng. Nhằm chuẩn bị cho các cuộc thảo luận giữa ông Pompeo với phía Triều Tiên, hai bên trước đó đã thiết lập một kênh bí mật ít người biết đến.
Tờ The New York Times ngày 18.6 dẫn lời một loạt quan chức Mỹ tiết lộ Triều Tiên từ nhiều tháng trước đã tìm cách bắt liên lạc với ông Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, thông qua sự trung gian của doanh nhân Gabriel Schulze. Ông Schulze, công dân Mỹ sống tại Singapore, từng thường xuyên đến Triều Tiên làm ăn và quen biết nhiều nhân vật cấp cao tại nước này. Bên cạnh đó, doanh nhân này từng tiếp xúc với các thành viên gia đình Tổng thống Trump khi họ đến châu Á tìm hiểu cơ hội kinh doanh từ vài năm trước.
Kênh liên lạc bí mật  Mỹ - Triều Tiên
Doanh nhân Gabriel Schulze Ảnh chụp màn hình CBW

Theo tờ The Straits Times, Công ty SGI Frontier Capital của ông Schulze nổi tiếng với chiến lược đầu tư mạo hiểm tại các thị trường giàu tiềm năng như Ethiopia, Mông Cổ và nhiều nơi khác. Ông từng có nhiều khoản đầu tư tại Triều Tiên trước khi chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường trừng phạt kinh tế đối với nước này vào năm 2016. Chính vì thế, với doanh nhân này, viễn cảnh quan hệ Mỹ - Triều được cải thiện hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh doanh lớn.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cho rằng ông Kushner là nhân vật có uy tín vì là một trong những người không bị cách chức trong giai đoạn Nhà Trắng trải qua xáo trộn nhân sự liên tục khi Tổng thống Trump vừa nhậm chức. Hơn nữa, việc tiếp cận ông Kushner cũng có thể giúp thông tin đến với tổng thống nhanh hơn và không phải thông qua Bộ Ngoại giao. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng vì vào thời điểm đó, căng thẳng song phương dâng cao đến mức một số quan chức Mỹ thậm chí đề xuất tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc gặp với doanh nhân Schulze, ông Kushner cuối cùng lại không đóng vai trò trực tiếp trong kênh liên lạc. Theo các nguồn tin, ông đã thông báo với ông Pompeo, khi đó còn là giám đốc CIA, đồng thời đề nghị cơ quan này phụ trách trao đổi với phía Triều Tiên. Con rể ông Trump được cho là có mối quan hệ với ông Pompeo tốt hơn với ngoại trưởng khi đó Rex Tillerson.
Nỗ lực của các nhân vật liên quan dẫn đến vô số cuộc gặp bí mật giữa giới tình báo và cả doanh nhân hai nước trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh. Theo The New York Times, bên cạnh vai trò trung gian cực kỳ quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chính kênh liên lạc bí mật này góp phần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao trực tiếp, biến những tuyên bố gay gắt trước đó thành cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim tại Singapore.
Hiệp ước hòa bình trong năm nay
Yonhap ngày 18.6 dẫn lời Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho hay nước này đặt mục tiêu đến cuối năm sẽ chính thức ký hiệp ước kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Hiện Seoul và Bình Nhưỡng duy trì thỏa thuận ngừng bắn từ năm 1953 nhưng vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình. “Chúng tôi đang trao đổi với Mỹ về vấn đề này và tôi biết đã có thảo luận liên quan tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều”, bà Kang phát biểu, đồng thời cho hay Hàn Quốc có thể sẽ tham vấn thêm với Trung Quốc.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, có thể vào tháng 9 để thảo luận vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc trong những thập niên 1970 và 1980, theo Kyodo News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.