>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 4: Con đường nam chinh, bắc tuần
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 3: 800 năm đào kênh Sắt
Điểm khởi đầu của kênh nhà Lê ở phía nam Hà Tĩnh là sông Rác (còn gọi là sông Voi), nằm tiếp giáp giữa hai xã Cẩm Minh, Cẩm Lạc (thuộc H.Cẩm Xuyên). Từ đây, kênh nhà Lê uốn mình chảy qua địa bàn 8 xã của H.Kỳ Anh, gồm: Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Giang, Kỳ Phú, Kỳ Đồng, Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Ninh rồi đổ thẳng ra biển qua cửa vịnh Vũng Áng.
|
Ông Thái Kim Đỉnh, nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, địa chí Hà Tĩnh cho rằng, kênh nhà Lê đoạn phía nam của Hà Tĩnh là kênh đào cổ xưa, dài khoảng 35 km, rộng trung bình từ 15-20 m, có đoạn rộng từ 25-30 m, là hệ thống những đoạn kênh đào nối với các sông tự nhiên đã có sẵn. Kênh được khởi đào từ thời Tiền Lê với mục đích quân sự. Sau đó, trải qua các triều đại phong kiến khác, kênh nhà Lê ở phía nam Hà Tĩnh được đào, nắn thẳng và khơi sâu thêm nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, giao thương giữa các vùng miền Hà Tĩnh với nhau và giữa Hà Tĩnh với các tỉnh phía bắc.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Giáp Dần năm Long Khánh thứ 2, đời vua Trần Duệ Tông (1374), tháng 3 xuống chiếu cho Thanh Hóa, Nghệ An đào kênh đến cửa biển Hà Hoa” (Vũng Áng). Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, đó là hệ thống những kênh đào nối sông Đáy ở cửa Thần Phù với các sông tự nhiên khác. Trước đó, thuyền bè từ bắc vào đến phía nam Hà Tĩnh phải đi ra cửa Nhượng Bạn (cửa sông Rác, thuộc xã Cẩm Nhượng hiện nay) để ra biển rồi mới vào châu Ô, châu Lý. Để tránh bớt nguy hiểm từ việc phải đi đường biển quá xa, vua Trần Duệ Tông đã sai đào sông cho thông vào đến Cửa Khẩu (Vũng Áng), tránh được đoạn đường biển nguy hiểm này. Sau khi kênh được đào thông từ sông Rác vào Cửa Khẩu, năm 1377, đoàn chiến thuyền của vua Trần Duệ Tông đã sử dụng con kênh này.
Cửa biển này từng ghi dấu nhiều sự kiện của đất nước, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến các cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành, Trịnh - Nguyễn. Nhiều vua chúa, đại thần các triều đình trên đường nam chinh từng dừng chân tại cửa biển để vãn cảnh, làm thơ hoặc chọn nơi này xây dựng căn cứ để chống kẻ thù. Hiện nay, đây là cảng biển quy mô gắn liền với khu kinh tế Vũng Áng thu hút được nhiều dự án công nghiệp lớn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bộ đội Việt Nam đã lợi dụng kênh nhà Lê để vận chuyển lương thực, vũ khí từ các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân… vào vùng chiến lược đèo Ngang. Bên cạnh đó, lợi dụng vào hướng chảy, sự giao thoa của kênh nhà Lê với hệ thống sông, suối tự nhiên vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Bình, những năm 1967-1970, bộ đội Việt Nam đã đưa lương thực, vũ khí từ miền Bắc theo đường biển vào cửa vịnh Vũng Áng, ngược lên các huyện miền núi phía bắc Quảng Bình rồi sau đó đưa vào chiến trường Quảng Trị, Khu 5.
Nguy cơ thành kênh lấp
Qua quá trình bồi lấp tự nhiên cộng với tác động bởi bàn tay con người và không được nạo vét nên hiện nay, kênh nhà Lê ở đoạn cuối này đã bị nắn dòng chảy, nhiều đoạn không còn thông dòng như trước. Điểm rộng nhất của kênh nhà Lê ở phía nam Hà Tĩnh khoảng hơn 30 m, sâu 12 m thuộc đoạn gần cửa Hải Khẩu, xã Kỳ Ninh và cửa vịnh Vũng Áng. Nhưng có nhiều điểm hiện còn rất hẹp, chỉ từ 3-4 m. Thậm chí, kênh nhà Lê tại điểm giáp ranh giữa hai xã Cẩm Minh, Cẩm Lạc hiện chỉ còn là dấu tích với một rạch nước nhỏ chảy ngoằn ngoèo, có nơi bị cạn trơ đáy hoặc nước chỉ đến đầu gối. Một số đoạn thậm chí đã bị lấp, biến thành ruộng lúa, bãi bồi trồng ngô, khoai, sắn…
Kênh nhà Lê chảy qua địa bàn xã Cẩm Minh dài khoảng 5 km, theo người dân ở đây cho biết trước lòng kênh khá rộng. Nhưng từ nhiều năm nay, kênh này đã bị bồi lấp, ít phục vụ cho công tác thủy lợi hoặc thoát nước cho những cánh đồng lúa lớn của xã Cẩm Minh do nguồn nước tưới cho khu vực này được dẫn từ thượng nguồn sông Rác, sông Trí bằng những con mương đã được bê tông hóa.
Ở xã Cẩm Lạc và Kỳ Phong, kênh nhà Lê vẫn còn tác dụng dẫn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Vào mùa khô hàng năm, khi nguồn nước trở nên khan hiếm, người dân hai xã này thường đặt nhiều máy bơm nước loại nhỏ dọc kênh nhà Lê vét nước từ lòng kênh, bơm tưới cho những ruộng lúa, ruộng hoa màu ở hai bên kênh. Người dân sống dọc hai bên kênh (đoạn giáp ranh giữa cửa Hải Khẩu, thuộc xã Kỳ Ninh và cửa vịnh Vũng Áng) vẫn đang sử dụng kênh để phục vụ vận chuyển nông sản và phục vụ sản xuất.
Khánh Hoan - Nguyên Dũng
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến
Bình luận (0)