Từ sáng 10.3, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) tiếp tục vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau nhiều ngày tạm dừng do chưa ký hợp đồng trong năm 2024.
Nỗ lực vớt lượng rác ‘ngộp thở’ trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng rác thải, lục bình ứ đọng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tập trung nhiều nhất ở đoạn gần đường Út Tịch (Q.Tân Bình) gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Ngay sau đó, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan, phối hợp cùng đơn vị thu gom rác tiếp tục duy trì người, máy móc dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, song song với việc đẩy nhanh thủ tục duyệt đơn giá, đấu thầu.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường thủy (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và Giám đốc Sở GTVT, trung tâm đã phối hợp Citenco tiếp tục vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ sáng 10.3. Việc vớt rác sẽ làm liên tục cho đến khi sạch rác, trả lại hiện trạng sạch như ban đầu. Tuy nhiên, tiến độ vớt rác cũng bị ảnh hưởng bởi thủy triều.
Ông Tuấn cho hay phương án và đơn giá thu gom rác trên kênh đã trình UBND TP.HCM phê duyệt. Sắp tới, việc vớt rác sẽ diễn ra thường xuyên.
Để ngăn tình trạng rác thải phát tán dọc cả tuyến, trung tâm phối hợp Citenco giăng dây bắc ngang kênh ở khu vực cầu số 1, số 2 để cho rác không tràn xuống hạ lưu, sau đó tập trung vớt.
"Đa số rác thải trên kênh là rác thải sinh hoạt. Người dân cần giữ vệ sinh, không xả rác ra sông, kênh, rạch, nhất là những rạch nhánh bên trong chi lưu của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè", ông Tuấn khuyến nghị.
Theo tìm hiểu, hồi giữa tháng 1.2024, Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở GTVT TP.HCM gửi UBND TP.HCM phương án thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và rạch Bến Nghé.
Đến đầu tháng 2.2024, Văn phòng UBND TP.HCM có phiếu chuyển đến Sở TN-MT để nghiên cứu, có ý kiến với đề xuất này làm căn cứ tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo.
Đề xuất giao về một đầu mối thu gom rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc quản lý tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km đang được giao cho 2 đơn vị quản lý theo chức năng riêng.
Cụ thể, đoạn từ ngã ba sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) đến cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) là tuyến đường thủy nội địa được phân cấp cho Sở GTVT quản lý, còn đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đầu đường Út Tịch (Q.Tân Bình) là tuyến thoát nước được phân cấp cho Sở Xây dựng quản lý.
Sở GTVT cho biết hiện Trung tâm Quản lý Đường thủy đã xây dựng kế hoạch, phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch trong năm 2024 (gồm số lượng tuyến, tần suất, thời gian, công nghệ, dự toán kinh phí) để trình UBND TP.HCM xem xét chấp thuận.
Đủ loại rác thải, lục bình, chai nhựa, hộp xốp, túi ni lông, nệm cũ bị ném xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ô nhiễm môi trường
NHẬT THỊNH
Về công tác vớt, thu gom rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đầu đường Út Tịch do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng thực hiện, còn đoạn từ ngã ba sông Sài Gòn đến cầu Lê Văn Sỹ do Trung tâm Quản lý Đường thủy thuộc Sở GTVT đảm nhận.
Cũng theo Sở GTVT, thực tế trong quá trình vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rác chủ yếu từ các cửa xả cống hộp dọc tuyến kênh, nhiều nhất từ cửa xả cống hộp trên đường Út Tịch trôi vào gây ô nhiêm môi trường và mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác vớt, thu gom chất thải rắn của Trung tâm Quản lý Đường thủy.
Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường thủy TP.HCM nhìn nhận việc vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải đồng bộ. Do vậy, sắp tới trung tâm sẽ báo cáo UBND TP.HCM đề xuất giao về cho một đơn vị thực hiện đồng bộ để không ngắt khúc.
Bình luận (0)