|
Có đặt chân đến Lý Sơn (Quảng Ngãi), mới thấy điện đối với người dân xã đảo này quan trọng đến nhường nào. Tổng kết của EVN năm 2012, bình quân mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ tương đương 1.344 kWh/năm. Trong khi đó, tại Lý Sơn con số này chỉ mới xấp xỉ 96 kWh. Đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển hạ tầng và kinh tế địa phương.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Thanh (ảnh nhỏ), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) - chủ đầu tư dự án, xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Đình Thanh: Hơn 10 năm qua, EVNCPC đã duy trì cấp điện cho Lý Sơn bằng nguồn diesel, với công suất đến nay đạt khoảng 1.800 - 2.200 kW, cấp luân phiên cho 2 xã An Vĩnh, An Hải theo chế độ 6 giờ/ngày và ngày có - ngày không. Trung bình mỗi kWh điện, EVNCPC phải chịu lỗ 7.735 đồng. Mỗi năm, khoản chênh lệch giữa giá bán và giá thành sản xuất phân phối điện ở Lý Sơn luôn ở mức… âm, cụ thể năm 2011 lỗ 15,7 tỉ, năm 2012 lỗ 18,3 tỉ; 8 tháng đầu năm 2013 con số lỗ tương đương 12,2 tỉ đồng.
Đã có nhiều phương án cấp điện cho Lý Sơn được nghiên cứu triển khai như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng không đạt hiệu quả. Vậy việc thực hiện dự án này có là áp lực lớn của EVNCPC?
Với mục tiêu cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội… dự án còn đồng thời góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt và trọng tâm trong kế hoạch 2013 - 2014. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng mới 8,74 km đường dây trung áp trên không thuộc H.Bình Sơn và 26,2 km đường cáp ngầm trung áp dưới biển từ đất liền ra đảo. Trong tổng mức đầu tư 653 tỉ đồng, có 85% nguồn vốn huy động từ nguồn ngân sách T.Ư và hỗ trợ từ Tập đoàn than khoáng sản VN, 15% vốn của EVNCPC. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2013 - 2014. Cùng đó, EVNCPC đang triển khai dự án “Cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn” có tổng mức đầu tư 28,9 tỉ đồng.
Ông có thể chia sẻ tiến độ thực hiện dự án?
Đến nay, kế hoạch đấu thầu đã trình EVN. Sau khi được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành ngay việc lập hồ sơ mời thầu EPC gói thầu “Khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp vật tư thiết bị và lắp đặt cáp ngầm 22 kV vượt biển”. Đây là gói thầu chính của dự án. Các vật tư thiết bị khác và công tác đấu thầu xây lắp phần đường dây trên không sẽ được tổ chức sau khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán phần đường dây trên không. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư rất khó khăn, chúng tôi đã quyết định tạm dừng hoặc giãn tiến độ đầu tư các công trình chưa thật sự cấp thiết khác để ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án với số tiền gần 102 tỉ đồng.
Thời gian không còn nhiều vì theo tiến độ cuối năm 2014 sẽ hoàn thành. Trong khi đó, đặc điểm của dự án là việc khảo sát, thi công phụ thuộc rất nhiều vì thời tiết?
Đúng vậy. Thời gian triển khai khảo sát và thi công trên biển chỉ có thể tiến hành từ tháng 1 đến tháng 8, do đó các thủ tục đầu tư cần phải hoàn thành trong cuối quý 4/2013 để đầu năm 2014 khởi công.
Đây là yêu cầu rất gấp về tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các thành phần tham gia dự án. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị EVN sớm làm việc với Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Tập đoàn than khoáng sản VN để đăng ký vốn và bố trí đủ vốn cho dự án. Bên cạnh đó, rất mong sự phối hợp của UBND tỉnh Quảng Ngãi nhằm thúc đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các khu vực liên quan.
Vũ Phương Thảo
(thực hiện)
>> Dò bom mìn dự án cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc
>> Phú Quốc trước ngày khởi công tuyến cáp ngầm xuyên biển
>> Đầu tư gần 1.000 tỉ đồng kéo điện cáp ngầm ra đảo Lý Sơn
>> Kéo cáp ngầm 22 KV ra đảo Lý Sơn
>> Đề nghị đưa điện ra đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm
>> Năm 2013 khởi công tuyến cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc
>> Chuẩn bị triển khai dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc
>> Cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc trễ 1 năm
Bình luận (0)