Tổn thất điện năng do câu trộm
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) về tình hình tổn thất điện năng (TTĐN) trong truyền tải và phân phối điện trên thế giới, năm 2013, Việt Nam chiếm vị trí 88/137 quốc gia với tỷ lệ tổn thất 8,96%.
ThS Nguyễn Tấn Nghiệp, Phó chủ tịch Hội Điện lực miền Nam, cho biết TTĐN hiện xảy ra trên lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối; trong đó tỷ lệ TTĐN trong hệ thống điện chủ yếu ở lưới phân phối điện. Nhìn chung, không có cách xác định chính xác TTĐN. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vì thiếu thông tin do hệ thống đo lường chưa đầy đủ và đồng bộ, số liệu về lưới điện và phụ tải không chính xác... “TTĐN trong lưới điện phân phối nhỏ hơn 10% được coi là chấp nhận được. Nếu tỷ lệ trên 15% thì phải tính toán lại. Việc xác định TTĐN sẽ cho một bức tranh chung về tỷ lệ TTĐN giữa các bộ phận lưới điện và các khu vực phụ tải, để từ đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm TTĐN một cách hiệu quả”, ông Nghiệp nói.
Ông Trần Công Điền, Phó trưởng ban Kỹ thuật EVN SPC, cho biết: “Riêng ở nước ta, TTĐN còn xuất phát từ tình trạng câu trộm điện đang xảy ra tràn lan ở khắp các địa phương trên cả nước, nhất là khu vực nông thôn và ngoại thành. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất việc TTĐN, bên cạnh đầu tư công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành hệ thống điện, EVN cần nâng cao ý thức người dân trong sử dụng điện, đặc biệt cần tập trung ngăn chặn các hành vi câu trộm điện”.
Giảm còn 6,5% vào năm 2020
Theo ông Nghiệp, TTĐN là vấn đề mang tính kinh tế. Các ảnh hưởng lớn đến TTĐN trên hệ thống điện là mức độ phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống điện nói riêng và mức độ phát triển thị trường điện. Ở các nước phát triển, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại được áp dụng trong hệ thống điện và hệ thống thông tin, sự phát triển của thị trường điện, smartgrid..., tỷ lệ TTĐN thường rất thấp, dưới 6%. Đánh giá nước ta vẫn còn tiềm năng giảm TTĐN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề ra mục tiêu giảm TTĐN xuống còn 6,5% vào năm 2020. Theo đó, các đơn vị thuộc EVN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức, quản lý kỹ thuật - vận hành, quản lý kinh doanh và đầu tư xây dựng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.989 MW; đồng thời đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực miền Nam. như: Nhiệt điện Duyên Hải 3, Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng... Về lưới điện, EVN sẽ tập trung đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đấu nối và giải tỏa công suất nguồn điện; tiếp tục dẫn sâu điện áp cao vào trung tâm phụ tải; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500 kV, 220 kV khu vực Hà Nội, TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm; củng cố lưới điện đáp ứng tiêu chí N-1 cho lưới điện từ 110 - 500 kV; lựa chọn dây dẫn, máy biến áp đảm bảo mức mang tải của các đường dây không quá 50%, trạm biến áp không quá 75% so với công suất định mức. Bên cạnh đó sử dụng dây dẫn, máy biến áp tổn hao thấp, trang bị thêm phương tiện điều chỉnh điện áp, lắp đặt tụ bù công suất phản kháng...; đồng thời cải tạo nâng cấp lưới điện 6, 10, 15 lên 22 kV để nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tỷ lệ giảm TTĐN trên lưới trung áp.
EVN đã thực hiện hiệu quả chương trình giảm TTĐN giai đoạn 2011 -
2015, mặc dù còn nhiều khó khăn do nguồn điện chưa cân bằng giữa các
miền, lưới điện còn khu vực mang tải cao, quá tải, tiếp nhận lưới điện
hạ áp nông thôn với khối lượng lớn vào các năm trước... EVN đã thành
công trong việc giảm TTĐN từ 10,15% năm 2010 xuống 7,94% năm 2015, hoàn
thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 854/QĐ-TTg
ngày 10.7.2012.
|
Bình luận (0)